Trở về nước, tôi đến một trong những nơi mua sắm được coi là sang trọng và đắt giá nhất TP.HCM, thấy bày bán thắt lưng Charriol giá 1,61 triệu đồng, gấp 7 lần giá của chính nó ở chợ Kim Triệu (Quảng Châu, Trung Quốc).


Đằng sau những gian hàng này ở chợ đồ da - túi xách Kim Triệu là thế giới thu nhỏ hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng trên khắp thế giới.


Nếu Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây) đang trở thành địa chỉ mua sắm giá rẻ cuốn hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới với... “hàng hiệu siêu giả” thì Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) còn “hoành tráng” hơn vì được xem là chợ đồ nhái sầm uất nhất Trung Quốc.


“Mình đang tính mở một cửa hiệu bán quà lưu niệm, giày dép, túi xách, áo quần như bà chị ở Hà Nội đang làm. Bà ấy toàn đánh hàng ở Quảng Châu nên bây giờ mình sang đấy xem hàng thế nào”, lời rủ rê của một người bạn đã đưa tôi đến chợ Quảng Châu.


Lò sản xuất quần áo “liên hiệp quốc”


Chu Tiến Minh - người Trung Quốc nói tiếng Việt sõi như... người Việt - được một người bạn giới thiệu đưa chúng tôi dạo chợ Quảng Châu. Làm công việc đưa người từ VN sang đi mua hàng được bốn năm nay, khách của Minh chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM.


Nơi đầu tiên Minh đưa chúng tôi đến là chợ quần áo Bạc Má, “chợ bán quần áo sầm uất nhất, đông khách nhất ở khu vực Đông Sơn của thành phố Quảng Châu”. Mới bước vào bên trong tôi đã... hết hồn: cửa hiệu san sát, quần áo treo la liệt.


Dương là một chủ cửa hàng lâu năm ở Hà Nội. Dương cho biết: các chủ bên này chỉ việc ngồi nhà xem catalogue phía chủ bên kia (Trung Quốc) gửi sang, quyết định mẫu mã, muốn túi xiên thì xiên, túi chéo thì chéo, đính mác nào thì đính... Thông thường sau sáu ngày thì có hàng.


Dương cho hay “hàng siêu giả” vẫn có thể bị “đánh” vào trong các đại lý lớn và trộn lẫn với hàng thật. Các đại lý bán quần áo hay mỹ phẩm đều bày hàng theo kiểu nguyên cả một ngăn để tạo hiệu ứng tâm lý cho người mua, chỉ cần nhân viên bán hàng và quản lý thông đồng với nhau, trong chớp mắt “hàng siêu giả” sẽ bay vào nằm cạnh hàng thật. Đó là chưa kể đến chuyện có những chủ đại lý chủ trương trộn hàng nhái vào bán để giàu nhanh. Hàng nào tử tế thì độn một vài cái, hàng nào tham thì nhắm mắt cái gì cũng trộn, không biết đâu mà lường!


ĐÔNG VIỆT


Cầu thang cuốn đưa lên tầng một và quang cảnh “hoành tráng” hiện ra trước mắt: dọc hành lang đi chung, các cô bán hàng đứng tràn ra cả lối đi, âm thanh của tiếng gọi mời hỗn độn, trên người các cô là những bộ đồ đắt nhất của cửa hiệu mình. Ai đi qua cũng bị lôi tay mời nhìn, khách có thể nhìn các cô thoải mái, thậm chí... sờ luôn cả áo, váy.


“Mua đi, veste này may kiểu mới nhất của Valentino đấy” - Minh phiên dịch theo lời của cô bán hàng đứng làm mẫu. Gian hàng này chuyên bán đồ veste nữ (dạng công sở), “người mẫu” đứng bán là ba cô gái ra sức quay tới quay lui làm dáng.


Tôi lật thử bên trong thấy đường may rất sắc sảo, miếng vải lớp túi lót in mờ tên “Valentino”, các tem size, bảng hướng dẫn giặt, nút dự phòng... đều đầy đủ các đặc điểm mà thương hiệu này hay sử dụng. Đâu chỉ Valentino, từ các thương hiệu nổi tiếng như Mango, Milano, Versace... đến những thương hiệu nội địa đang nổi ở Trung Quốc đều có mặt ở chợ này.


Tôi thừ người ra khi nhìn thấy cái áo sơmi hiệu Tommy treo trên giá, người bán ra giá chắc nịch: “Mua 20 cái trở lên 60 tệ/áo” (khoảng 120.000 đồng), mua lẻ 170 tệ/áo”, trong khi ở Bắc Kinh cũng cái áo ấy trong cửa hàng hiệu là... 350 tệ/áo!


Cả buổi sáng chúng tôi chỉ đi hết tầng một, mà phải bỏ bớt nhiều gian hàng vì không đủ sức. Với diện tích mỗi gian hàng 8-12m2, một hành lang có hơn 50 gian hàng mà chợ này có đến sáu tầng, mỗi tầng 5-6 hành lang, tính ra số gian hàng vượt cả ngàn!


Mê cung hàng siêu giả


Chợ Kim Triệu chuyên bán túi xách và da các loại trên đường Quý Hoa Cương (cũng thuộc khu Đông Sơn) là một cao ốc sang trọng, sạch sẽ. Bên trong khu nhà trệt, hàng loạt các panô hào nhoáng treo phía cao trên tường, liệt kê đầy đủ các thương hiệu thời trang nổi tiếng, từ Louis Vuitton, Gucci, Burberry... đến Versace, Prada, CK... “Cửa hàng ở đây là đại lý của các hãng nổi tiếng?” - tôi hỏi Minh và được đáp: “Ồ, thích treo gì chẳng được! Muốn hiệu nào có hiệu đó, có khó gì!”.


Chúng tôi ghé vào gian hàng chuyên bán các loại cặp da hiệu Prada, lóa mắt trước một chiếc cặp có khóa mạ vàng óng ả, toàn bộ cặp được làm bằng da nguyên chất, mềm mại, bề mặt căng bóng, nồng mùi da. Nhờ Minh hỏi giá, tôi giật thót cả tim khi được biết loại này chỉ bán sỉ, phải đặt hàng từ 50 cái trở lên, giá chỉ 170 tệ/cái! Vì mới tuần trước cũng cái cặp này ở một siêu thị tại TP.HCM, tôi thấy bảng treo 1,85 triệu đồng, đắt gần bảy lần! Còn dây nịt Louis Vuitton giá sỉ 80 tệ/dây, mua lẻ 120 tệ/dây vẫn không thấy... đứt ruột vì ở TP.HCM hiệu dây nổi tiếng này ít nhất cũng trên 1,5 triệu đồng/dây.


Khách nước ngoài đến chợ khá đông. Tôi lẻn vào một gian hàng trưng nhãn Joyce vì trông thấy hai người nước ngoài đang xem mẫu. Cả hai cầm một hộp đựng danh thiếp, một bóp (ví) nam và một hộp đựng thuốc lá săm soi thật kỹ. Tôi cũng lấy một hộp lên xem.


Bên ngoài bọc da thật đẹp với đường may rất kỹ, gọng inox hai bên nắp hộp mạ sáng loáng mỗi khi mở, trên đầu nắp hộp không một vết nhăn da mỗi khi đóng hay mở với hiệu Joyce được khắc sắc sảo.


Giá sỉ rẻ đến mức tôi phải hỏi đi hỏi lại những bốn lần vì sợ nghe nhầm: 12 tệ/cái (24.000 đồng), còn mua lẻ 16 tệ/cái (32.000 đồng). Cũng loại hộp này cùng hiệu, ở khu vực đường Nguyễn Trãi, nơi được mệnh danh là chuyên bán đồ hiệu ở TP.HCM, được bán giá 380.000 đồng/hộp vì người bán nói rằng “hàng nhập 100% của Mỹ đó!”.


Khi tôi ra ngoài cũng là lúc chủ tiệm sai nhân viên bỏ hộp, đóng thùng cho hai vị khách nước ngoài kia. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy toàn bộ hộp mà hai vị khách chọn mua đều không đóng mác Joyce, nhưng vỡ lẽ khi gặp lại hai vị khách dưới tầng trệt, nơi có một gian hàng đặc biệt: chuyên cung cấp logo, dấu cho mọi nhãn hiệu, có thể “cộp” lên dù món hàng làm bằng bất kỳ nguyên liệu nào!


“Đừng mơ đang xài đồ hiệu”


Các cô "người mẫu" kiêm bán quần áo tại chợ quần áo Bạc Má.


Về nước, đến một trong những nơi mua sắm được mệnh danh là sang trọng và đắt giá nhất TP.HCM hiện nay. Chọn gian hàng hiệu Charriol của Geneva, tôi đề nghị cô nhân viên bán hàng cho xem hộp của chiếc thắt lưng đang được trưng bày ở khu vực “hàng mới về”, vì mẫu dây thắt lưng chưng trong tủ kính chẳng khác gì chiếc thắt lưng tôi đã xem trong gian hàng Charriol ở... chợ Kim Triệu nên tôi muốn xem cái hộp có khác hay không.


Cô bán hàng mời: “Dây nịt không có bảo hành. Hàng tụi tôi nhập từ Singapore. Nếu có vấn đề gì thì cứ mang ra chỗ này là được!”. Mắt tôi bị hoa lên khi thấy giá ghi 1,61 triệu đồng, gấp bảy lần giá ở Kim Triệu! Vòng sang gian hàng Bonia, một tâm trạng rối bời lại xuất hiện khi chiếc xắc tay bảng giá ghi 2,96 triệu đồng cũng chẳng khác gì chiếc có giá 170 tệ (340.000 đồng) ở Quảng Châu. Cô bán hàng nói đây là hàng được sản xuất tại... Malaysia và cũng không có bảo hành.


Xem thêm một loạt các thương hiệu nổi tiếng khác như Braun Buffel, Guy Laroche, Guess... hầu hết sản phẩm túi xách, bóp, cặp đi làm... ở đây đều rất đắt, thấp nhất cũng trên 1 triệu đồng/món. Càng giật mình hơn khi xem qua bộ đồ veste hiệu Ungaro của nam, chủ cửa hàng “hét” 8,08 triệu đồng/bộ. Cũng bộ veste này, cũng chất liệu vải này, đường chỉ may này, ở chợ Bạc Má hàng “siêu đẹp” cũng chỉ độ 400 tệ/bộ!


Khi quay lưng bước đi, tôi chỉ ước giá như mình chưa từng biết đến một ngôi chợ “siêu nhái” như thế ở Kim Triệu, để lòng thôi dậy lên nỗi tiếc của khi lời của người bạn đi cùng ở Quảng Châu cứ lảng vảng bên tai: “Từ nay về sau đừng có mơ là mình đang được xài đồ hiệu nhé!”.