VỊ UMAMI TRONG THẾ GIỚI RAU CỦ QUẢ




Umami là tên gọi vị cơ bản thứ năm trong thế giới ẩm thực, được khám phá ra cách đây hơn 100 năm bởi giáo sư người Nhật Bản Kikunae Ikeda. Umami được mô tả có vị ngọt thịt hay vị nước dùng đặc trưng khác với bốn vị cơ bản trước đây.


Như chúng ta đã biết, Umami là một vị cơ bản quen thuộc và có trong rất nhiều loại thực phẩm tự nhiên cũng như thực phẩm lên men có hàm lượng Glutamate cao. Trong số các loại thực phẩm tự nhiên, rau củ quả là loại thực phẩm có chứa hàm lượng Glutamate khá cao. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thông tin các loại rau củ quả có nhiều vị Umami!


Cà chua – Biểu tượng của vị Umami




Bên trong những trái cà chua bé nhỏ, xinh xắn là một kho tàng các chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Chúng ta có thể kể đến beta carotene (tiền chất của Vitamin A) có tác dụng chống mù lòa, vitamin C giúp tăng cường khả năng đề kháng, các loại khoáng chất như canxi, phosphor, mangan... cần thiết cho cơ thể. Bên cạnh đó, thành phần lycopene có trong cà chua là một chất chống oxy hóa mạnh và có tác dụng phòng tránh ung thư.


Không chỉ tốt cho sức khỏe, do có hàm lượng Glutamate rất cao lên tới 243mg/100g, cà chua đã được coi là biểu tượng của vị Umami. Có vị Umami đậm đà, cà chua có thể được sử dụng để chế biến nhiều món ăn như salad, cá sốt cà chua, mỳ Spaghetti… Đặc biệt, với những ai yêu thích trái cà chua hãy lưu ý rằng quả cà chua càng chín sẽ cho hàm lượng Glutamate càng cao, vị Umami càng đậm đà. Do vậy, hãy lựa chọn những trái cà chua thật chín mọng khi chế biến các món ăn của mình nhé!


Đậu Hà Lan




Đậu Hà Lan là một loại thực phẩm được trồng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hạt đậu Hà Lan khô chứa nhiều chất dinh dưỡng như protid, lipid, glucid, cellulose, phosphor, sắt và các loại vitamin A,B,C… Không chỉ bổ dưỡng, trong thế giới ẩm thực, đậu Hà Lan còn được biết đến là loại quả có nhiều vị Umami với hàm lượng Glutamate lên đến 106mg/100g rất thích hợp trong chế biến nhiều món ăn từ xào, nấu canh, luộc cho đến làm salad… Theo Đông Y, do hạt đậu Hà Lan có tính bình, không độc nên được sử dụng trong nhiều bài thuốc với tác dụng hỗ trợ chữa các bệnh: đái tháo đường, bệnh đường tiêu hóa, bệnh tim mạch, thiếu sữa ở sản phụ…


Ngô




Trong số các loại lương thực, ngô được coi là loại có nhiều giá trị dinh dưỡng. Ngô trung bình chứa 69% glucid, 4-5% lipid, 10% protid cùng các loại vitamin A, E có tác dụng chống oxy hóa cùng thành phần cellulose giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Màu sắc khác nhau của ngô cũng mang lại những lợi ích sức khỏe khác nhau, chẳng hạn, ngô vàng có chứa nhiều sắc tố carotene có tác dụng hỗ trợ thị lực tốt hơn. Ngô còn được chọn làm nguyên liệu trong nhiều món ăn ngon do trong thành phần có chứa Glutamate – chất tạo vị Umami với hàm lượng lên tới 106mg/100g.


Nấm rơm





Trong nấm rơm, ngoài hàm lượng cao các chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, chất xơ cùng vitamin và các yếu tố vi lượng như canxi, phosphor, sắt…nấm rơm còn có thành phần Glutamate khá cao (42mg/100g). Chính bởi mùi thơm và vị ngọt Umami tự nhiên, nấm rơm luôn được các đầu bếp yêu thích và ưu ái trong rất nhiều các món ăn ngon như thịt kho nấm rơm, đùi gà hầm nấm, canh nấm rơm đậu phụ…Không những vậy, nấm rơm còn có tác dụng tốt với các bệnh nhân tiểu đường, tăng mỡ máu, tăng huyết áp... Với các bạn yêu thích nấu ăn, có lẽ gì chúng ta không thử làm món súp nấm rau củ tặng cho những người thân yêu vào dịp cuối tuần này nhỉ?


Umami không chỉ có mặt trong những loại rau củ quả kể trên, nó còn có trong hành, khoai tây, bắp cải, măng tây và nhiều loại khác.


Với sự kết hợp tài tình và khéo léo của người nội trợ trong việc chọn lựa các thực phẩm tự nhiên giàu glutamate đã tạo ra các món ăn có vị umami thật ngọt ngào, đạm đà. Bên cạnh việc cân đối các nguyên liệu tự nhiên có vị umami, chúng ta còn có thể bổ sung vị umami vào món ăn thông qua gia vị umami, đó là bột ngọt. Với hàm lượng glutamate hơn 76%, bột ngọt cung cấp vị umami tinh khiết và đậm đà, mang đến cho chúng ta nhiều món ăn ngon và thuận tiện.


N.T.H