Rất nhiều người thích ăn thịt động vật hoang dã và quyết tâm săn lùng cho bằng được. Họ khoái khẩu vì ngon miệng, vì lạ mắt, vì bổ dưỡng, hoặc cũng có thể là vì ‘đẳng cấp' ta đây.

hình ảnh

Nhưng rồi chính hành động ấy khiến nhân loại đang phải trả giá, đưa loài người tiếp xúc gần hơn với các loại virus trong động vật.

Và hôm nay, sự lây lan nhanh chóng của virus Corona khiến chúng ta nhớ đến đại dịch SARS 17 năm trước. Nó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc tiêu thụ động vật hoang dã, giết thịt thú rừng.

Dẫu vậy, hãy yên tâm rằng xã hội vẫn còn những người tốt. Những con người biết trân trọng và bảo tồn thiên nhiên, như câu chuyện của anh Hoàng Văn Thắng là một minh chứng đầy cao đẹp như thế.

hình ảnh

Anh Hoàng Văn Thắng phối hợp với lực lượng chức năng sau khi mua lại rùa quý (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Cụ thể, vào ngày 18-2, anh Hoàng Văn Thắng, chủ một nhà hàng hải sản ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã mua lại con rùa biển có kích thước to lớn do một ngư dân bắt được vào tối 17-2 ở khu vực Lạch Thơi.

Con rùa biển này nặng 30 kg, dài 70 cm, bề ngang 50 cm. Phía trên mai có màu nâu đen với những ô bàn cờ, dưới bụng rùa có màu vàng nhạt. Hay tin ngư dân bắt được rùa lớn, anh Thắng đã mua lại với giá 8,5 triệu đồng.

hình ảnh

(Ảnh: Tuổi Trẻ)

Sau khi mua về, anh Thắng chăm sóc cẩn thận. Tuy nhiên, nhận thấy đây là loài rùa quý hiếm nên anh Thắng đã báo với Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, tự nguyện bàn giao để thả rùa về biển.

Được biết gia đình anh Thắng đã 3 lần tự bỏ tiền mua rùa biển do các ngư dân đánh bắt được, sau đó báo cho đồn biên phòng và chính quyền địa phương thả hỗ trợ cứu rùa.

Theo người dân địa phương, cá thể rùa này gọi là vích, một số nơi gọi là đồi mồi. Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xếp loại đồi mồi ở cấp cực kỳ nguy cấp.

hình ảnh

(Ảnh: Tuổi Trẻ)

Trước đó, ở tỉnh Cà Mau, cũng có câu chuyện của anh Anh Lê Khắc Long đang đi chơi với bạn thì thấy một người dân mang con rùa biển vào quán nhậu để bán. Do biết con rùa biển là loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ nên anh Long và anh Hạnh đã quyết định mua lại con rùa biển để thả.

“Chúng tôi mua con rùa với giá 4 triệu đồng rồi đổ nước biển vào thùng cho rùa sống và quyết định mang về TPHCM để tìm phương án xử lý”, anh Long nói. Ngay sau khi mang rùa về TPHCM, anh Long và anh Hạnh đã liên hệ với Chi cục Thủy sản thành phố để tìm cách thả rùa.

Trong thời gian chờ cơ quan chức năng làm việc, con rùa biển sống rất khỏe mạnh. “Mỗi ngày, chúng tôi đều mua cá rô hay cá biển nhỏ cho nó ăn. Con rùa ăn rất khỏe và bơi lội suốt ngày”, anh Hạnh vui vẻ kể lại.

hình ảnh

Anh Long và anh Hạnh 'giải cứu' rùa quý (Ảnh: Dân Trí)

Cảm ơn đời, vì có những con người như họ, vừa có tri thức lại vừa có tấm lòng nhân hậu, không tham lam trong việc thưởng thức của ngon vật lạ. Bởi người xưa nói, họa từ miệng mà ra, bệnh từ miệng mà vào.

Dũng cảm hơn, họ chấp nhận bỏ ra một số tiền (dù ít hay nhiều) cũng chỉ để trả tự do cho những sinh vật bé nhỏ. Trong khi nếu mặc kệ cho qua, họ đã có những buổi tiệc, những lần đi chơi no say và vui vẻ.

Nhất là trong trường hợp anh Thắng, chủ một nhà hàng hải sản, nếu vì ham lợi, anh có thể mua lại và bán giá cao hơn cho thực khách, kiếm tiền gấp đôi, gấp ba. Nhưng anh đã không hành động ích kỷ như thế, thậm chí còn cao thượng mua lại và chấp nhận mất đi 8.5 triệu đồng.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: baomoi.com)

Lương tâm của người tốt là vậy, không cho phép họ thờ ơ với thiên nhiên, phải trân quý những gì mà tạo hóa ban tặng.

Tất nhiên, việc cứu một con rùa không làm hệ sinh thái vững vàng hơn, nhưng nếu có hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu người như anh Thắng, anh Long thì chúng ta đã không phải đối mặt với đại dịch kinh khủng như lúc này.

Nào ai biết, trong 50 năm qua, loài người trải qua một loạt các bệnh truyền nhiễm có sức lây lan nhanh. Cuộc khủng hoảng căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS những năm 1980 bắt nguồn từ loài vượn lớn; virus Zika bắt nguồn từ loài muỗi; dơi ăn trái truyền dịch Ebola; cầy hương truyền dịch Sars và hiện nay, dơi được cho có thể là nguồn cơn của dịch virus Corona.

Cũng theo khảo sát, 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Đáng ngại nhất là tâm lý loài người vẫn còn lệch lạc, ăn thịt động vật càng quý hiếm, càng độc và “dị” thì được coi là một sự sành điệu, là cách để chứng tỏ “đại gia” nhiều tiền.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Thế nên, không ít trường hợp chết bất đắc kỳ tử vì sự thiếu hiểu biết, vì tâm lý mình là 'chúa muôn loài'. Xin được lấy dẫn chứng từ câu chuyện ở quận Sipora Selatan của Indonesia.

Ngay sau khi dân làng nơi đây đã bắt được một con rùa cỡ lớn, họ đã phân phát số thịt của loài bò sát này đến với mỗi gia đình theo truyền thống thôn làng.

Tuy nhiên, sau khi cùng nhau ăn món thịt được cho là "quý hiếm" này, cả trăm dân làng đã bất ngờ dấu hiệu ói mửa, đau dạ dày. 148 cư dân địa phương bị ngộ độc, trong đó có 4 trẻ em tử vong và 25 người khác trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng.

Vậy mới nói, thói quen ăn thịt động vật hoang dã quả thật rất dã man và tàn bạo. Nó không chỉ thể hiện sự kém văn minh, sự vô ý thức, sự thụt lùi của nhân loại mà còn là nguồn cơn để loài người tự giết hại lẫn nhau.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: baomoi.com)

Hỡi ôi, chúng ta có thể không dự đoán được khi nào và đại dịch tiếp theo sẽ là gì, nhưng có một điều chúng ta biết rõ đó là mỗi người cần sẵn sàng dừng lại việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã để tránh chính mình phải tự trả giá cho mình.

Nguồn tham khảo: Tuổi Trẻ