Càng lớn, càng bước vào đời với cuộc mưu sinh, tôi lại càng ít có thời gian để chiêm nghiệm cuộc sống. Xã hội ngày càng phát triển, con người cũng tự nhiên phải vận động theo nó với cái vận tốc nhanh đến chóng mặt, bao nhiêu hàng quán, nhà hàng sang trọng, xa xỉ mọc lên như nấm sau mưa giữa thành phố nhộn nhịp này... Thế nhưng, tôi vẫn cảm thấy nao lòng, mỗi khi nhìn thấy một gánh hàng rong.
Gánh hàng rong bây giờ càng ngày càng ít. Thi thoảng lắm ngồi ở nhà mới có thể nghe thấy tiếng rao của những chị, những dì, những bà... đầu đội chiếc nón lá, trên vai là đôi quang gánh nặng trĩu những món ăn dân dã. Họ là những người dân quê mưu cầu cơm áo, có thể là những người phụ nữ phải xuôi ngược hàng ngày để nuôi lũ con đông, cũng có thể là một cụ già đơn độc phải tự mưu sinh vì không có cháu con để trông cậy. Họ là một phần đời lặng lẽ giữa chốn xôn xao phố thị. Trên những đôi vai gầy guộc nhọc nhằn đó là trắc ẩn bao mảnh đời khác đang lớn lên an lành từ những đồng tiền lẻ kiếm được của mẹ, của bà...



Gánh hàng rong đã là một nét văn hóa của người Việt. Như lời kể của bà ngoại tôi, trước đây, khi hàng quán không san sát và đầy rẫy như bây giờ, mỗi buổi sáng hay chiều muộn, mọi người trong nhà muốn ăn cái gì, ngoài việc tự nấu thì chỉ còn biết chờ vào tiếng rao quen thuộc từ những gánh hàng rong. Trước đây, tất cả mọi thức ăn đều được bán từ những gánh hàng như vậy, từ bún bò, bánh mì, xôi ... Đến bây giờ, tôi vẫn cứ muốn thưởng thức những món ăn từ những gánh hàng rong ven đường, cho dù khi ăn thì tay cầm tô, cầm chén, ghế thì tốt lắm cũng chỉ là chiếc ghế nhựa, hay đôi lúc còn lót dép để ngồi.



Ngay từ sớm tinh mơ, bước chân của những người phụ nữ vai quang gánh đã rảo bước trên đường, với những nồi cháo, nồi bún nóng hổi. Những gánh hàng rong cứ thong dong, rong ruổi qua các con phố lớn, nơi tụ tập đông người, thi thoảng mới dừng lại nghỉ chân và bán hàng. Mỗi gánh hàng lại là một hương vị riêng, bán những thứ khác nhau, nhưng tất cả những chủ nhân của nó đều có chung một số phận là những phụ nữ nghèo. Phần lớn những người bán hàng rong xuất thân từ vùng ven thành phố, họ rong ruổi chốn thị thành để kiếm sống qua ngày. Những nét mặt khắc khổ, sương gió, nắng gắt bụi đường… tất cả như hằn lên từng nét mặt, từng nếp nhăn, trên làn da sạm đi vì nắng. Tâm sự với họ, tôi mới hiểu rằng chẳng ai muốn phải vất vả như thế, bởi so với số tiền mỗi ngày kiếm được thì sức lực của họ bỏ ra quá lớn. Nhưng không làm, không buôn gánh bán bưng thì họ lấy gì để nuôi gia đình, nuôi con, lo cho con ăn học. Rốt cuộc cũng chỉ để mong cho con mình thoát cái nghèo, cái khổ. Thế mới biết, trên những gánh hàng ấy không chỉ là đồ ăn thức uống, mà trên đó còn gánh cả ước mơ, gánh cả nỗi lòng của mỗi người mẹ dành cho gia đình.



Một ngàn, hai ngàn… những đồng tiền mà họ vun vén, chắt chiu được từ những món hàng rong là những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi và cả nước mắt. Thế nhưng, giờ đây, không phải cứ muốn bán hàng là có thể rong ruổi khắp các con đường, hè phố. Những quy định về giữ gìn trật tự đường phố, cấm bán hàng quán nơi vỉa hè được ban hành, rồi tâm lý của người dân thành phố muốn được ăn ngon, chỗ ngồi đẹp lại khiến cho con đường mưu sinh của hầu hết những con người nghèo khổ đều bị gián đoạn. Có lẽ, quy định có thể hợp lý cho những ý tưởng lớn lao, cho thành phố đẹp và ngăn nắp hơn. Thế nhưng vẫn thật nao lòng khi những hình ảnh bình dị ấy lại dần mất đi, cùng với bao nỗi âu lo cơm áo gạo tiền, lại làm đôi quang gánh bỗng dưng buồn.