hình ảnh

Sở dĩ tôi nói như thế là vì bản thân đã để phí bao nhiêu năm từ khi bắt đầu đi làm đến giờ với tôi quản lý tài chính như một điều gì đó cao xa chỉ áp dụng ở doanh nghiệp hoặc dành cho nhà đầu tư. Thật ra, nó rất gần gũi và cần thiết cho mỗi cá nhân chúng ta dù bạn là nội trợ, nhân viên văn phòng, hay chủ doanh nghiệp,... đều cần phải biết. Đó là việc quản lý tài chính mà mỗi cá nhân hoặc một gia đình thực hiện để lập ngân sách, tiết kiệm và chi tiêu các nguồn tiền mặt theo thời gian, có tính đến các rủi ro tài chính và các sự kiện trong tương lai. Nhưng tiếc thay kiến thức này lại không được dạy ở trường lớp. Nếu thời gian quay trở lại nhất định tôi sẽ tìm hiểu về nó từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thời còn đi học với số tiền ít ỏi gia đình gửi cho hoặc từ nguồn học bổng nhận được mỗi tháng, tôi chỉ biết gói ghém chi tiêu ăn uống, đóng tiền nhà trọ, mua dụng cụ học tập làm sao cuối tháng không bị thiếu tiền là đã thấy an tâm rồi. Sau khi ra trường đi làm, cầm trong tay khoản tiền lương mà mình vất vả kiếm được tôi rất lấy làm phấn khởi nhưng sau đó lại cảm thấy bất an. Mình sẽ dùng số tiền này như thế nào? Bao nhiêu dự định trong đầu: chi tiêu hàng tháng, tri ân ông bà, cha mẹ, giao thiệp bạn bè, mua sắm hưởng thụ cho thỏa thích, rồi còn muốn tích lũy để trở nên giàu có trong tương lai... Nhưng khổ nỗi nguồn thu nhập hạn hẹp làm sao có thể thỏa mãn hết mọi nhu cầu cơ chứ. Thế rồi tôi cứ đụng chuyện là chi, cuối tháng còn lại bao nhiêu thì đó là tiền tiết kiệm. Nhưng bạn biết rồi đấy, cứ chi một cách không có kế hoạch như thế thì dư được bao nhiêu? Nỗi lo về tài chính luôn khiến tôi cảm thấy bất an khi không biết được chính xác mỗi tháng mình sẽ tiết kiệm được bao nhiêu, mình sẽ chi bao nhiêu, các khoản chi đã hợp lý chưa...Điều này càng trở nên phức tạp hơn từ khi tôi lập gia đình, có con, vợ chồng tôi bắt đầu lập khoản tiết kiệm chung và có thêm một khoản nợ từ chi phí xây nhà. Dù chúng tôi đã rất tiết kiệm, tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch chi tiêu để đảm bảo trả hết nợ trong thời gian sớm nhất nhưng nỗi lo vẫn còn đó. Nào là tiền để lo cho con ăn học, tiền để an hưởng tuổi già, tiền để phòng những khi cần thiết, tiền để có cuộc sống tương lai thịnh vượng...Áp lực kiếm tiền đè nặng lên người tôi, tôi mong muốn kiếm thật nhiều tiền vì khi đó tôi có thể mua bất cứ cái gì mình muốn, không cần nhìn giá, không cần phải suy nghĩ, đắn đo, không phải lo lắng gì về tài chính trong tương lai. Có một tôi lại muốn có hai, có hai rồi tôi lại muốn có nhiều hơn nữa, nhưng khi đã có thêm thì nhu cầu tiêu xài lại tăng theo và rồi tiền bạc cũng bay đi đâu mất, tôi vẫn cứ lo lắng y như cũ. Trong khi đó, tôi phải cố làm những việc mà mình không thích, tôi hy sinh thời gian thư giãn và chăm sóc bản thân, tôi luôn áy náy vì không dành nhiều thời gian cho con cái, chưa kể bản thân lại có thêm thói quen thắt lưng buộc bụng, dè sẻn trong mọi chi tiêu. Cảm giác háo hức, phấn khởi khi nhận được một khoản tiền mới, cảm giác nặng nề mỗi khi dùng tiền, cảm giác lo lắng khi nghĩ về tài chính trong tương lai, cảm giác bó buộc với một khoản thu nhập hạn hẹp, cảm giác thiếu thốn, nghèo khó vây lấy tôi khiến tôi cảm thấy cuộc sống vô cùng ngột ngạt. Tôi cứ muốn kiếm thật nhiều tiền cho tương lai nhưng không biết bao nhiêu là đủ trong khi chất lượng cuộc sống hiện tại thì lại quên chú trọng. Tôi nhận ra, đây không phải là cuộc sống mà tôi hằng mong muốn và tôi tiếp cận tài chính cá nhân từ đó.

Tuy nhiên, riêng việc tìm kiếm trên internet thôi cũng khiến tôi đau đầu. Chỉ cần vài cú click chuột bạn sẽ thấy có rất nhiều khóa học về đầu tư, quản lý tài chính, sách dạy làm giàu, vô vàn những lời khuyên về chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư với nhiều góc nhìn, khía cạnh và quan điểm khác nhau. Dĩ nhiên, với số kiến thức về tài chính bằng không, tôi thật sự mất phương hướng và không biết bắt đầu từ đâu. Tôi mơ hồ và mâu thuẫn trước những lời khuyên rằng sống phải biết tiết kiệm, sống phải biết tận hưởng; phải biết đầu tư để tiền đẻ ra tiền nhưng phải cẩn thận trước những rủi ro trong tài chính, rồi nào là phải làm việc kiếm tiền tạo ra thu nhập với công suất lớn nhất có thể, nhưng cũng có người khuyên nên sống chậm rãi để tận hưởng từng khoảnh khắc,... Tôi nhận ra mình cần phải có mục tiêu, phải có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, quản lý thật tốt thì mới an tâm về tài chính của bản thân và gia đình ở hiện tại, tương lai và cả những lúc rủi ro như tình hinh khó khăn do dịch bệnh, thất nghiệp, thay đổi công việc,... Quản lý tài chính cá nhân giúp chúng ta phát triển tài sản của mình, đầu tư đúng đắn, gia tăng khoản tiết kiệm, giảm các khoản nợ không cần thiết, không bị rơi vào bế tắc, ngột ngạt vì ý nghĩ không đủ xài, không phải tập trung cắt giảm chi tiêu khiến bản thân cảm giác thiếu thốn, nghèo nàn, thiếu tự tin…

Hành trình đến với thế giới tài chính của tôi bắt đầu như thế nào?

Như tôi đã nói ở trên, có rất nhiều quan điểm, góc nhìn và rất nhiều lời khuyên khác nhau về tài chính. Nhưng điều đáng nói ở đây là mỗi cá nhân đều có hoàn cảnh, thu nhập, của cải và nhu cầu tiêu dùng khác nhau nên cho dù là một lời khuyên từ chuyên gia tài chính cũng có thể không phù hợp với bạn. Chỉ có bạn mới hiểu rõ mình cần gì, mình mong muốn có một cuộc sống như thế nào từ đó bạn tư duy về tiền theo cách riêng của bạn và quản lý nó theo cách mà bạn cho là phù hợp nhất.

Với tôi, điều đầu tiên tôi làm là tìm tòi để hiểu về tiền, hiểu về dòng tiền, hiểu về tình hình tài chính của bản thân, của gia đình. Tôi tập quản lý thu, chi để kiểm soát hoạt động của đồng tiền bằng cách liệt kê hết tất cả nguồn thu, các khoản chi cơ bản mỗi tháng. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng không dễ chút nào. Có thể chúng ta nhận thức được thu nhập của mình nhưng rất ít người thực sự theo dõi các khoản chi mỗi tháng. Khi nắm được các khoản thu cố định, các khoản chi cơ bản, tôi phân bổ thu nhập thành nhiều quỹ khác nhau để dễ quản lý. Bạn có thể tham khảo quy tắc 50/30/20 (50% cho nhu cầu thiết yếu, tức là chi phí cố định; 30% cho các nhu cầu giải trí, nâng cao chất lượng cuộc sống; 20% cho đầu tư và tiết kiệm) hoặc quy tắc 6 chiếc lọ do T. Harv Eker, tác giả của cuốn sách Bí mật tư duy triệu phú (Secret of Millionaire Mind) và Làm giàu nhanh (Speed Wealth) lập ra, hoặc cách quản lý tiền dùng 5 chiếc lọ của người Do Thái…Bản thân tôi thường dùng trang tính để quản lý. Thu nhập được chia thành nhiều quỹ (ăn uống, đi lại; sức khỏe, giáo dục; tiết kiệm, đầu tư; chi nhu cầu cá nhân; tri ân, từ thiện). Khi đó, tôi có thể dễ dàng cập nhật thu chi bằng điện thoại, tận dụng các công thức tài chính FV (tính giá trị tương lai của một khoản đầu tư), PV (tính giá trị hiện tại của một khoản đầu tư), IRR( tính tỉ suất sinh lời nội bộ của dòng tiền), hàm PMT (tính dòng tiền đều), hoặc bạn có thể tải các ứng dụng, máy tính tài chính dùng trên điện thoại,...Chẳng hạn, bạn đặt mục tiêu trong 3 năm tới bạn phải có được 150.000.000, giả sử lãi suất đầu tư là 7%/năm thì bạn dễ dàng tính được số tiền cần đầu tư mỗi tháng là 3.756.564 đồng. Với kế hoạch chi tiêu rõ ràng, tôi có thể mua những thứ mà tôi cần, làm những điều mà tôi muốn, miễn nằm trong phạm vi quy định hàng tháng, tránh chi tiêu quá đà, vượt định mức.

Tuy không ai giống ai nhưng nhiều chuyên gia khuyên rằng tài chính cá nhân nên tuân thủ các quy tắc chung sau đây:

Thanh toán các khoản nợ nghiêm túc, tránh nợ xấu (những thứ bạn mua bằng nợ xấu sẽ khấu hao giá trị thay vì lên giá)

Chi ít hơn thu: Ta chỉ sống một lần, điều này không sai nhưng không phải vì thế mà tiêu hoang phí quá số tiền mình kiếm được rồi lâm vào cảnh nợ nần. Không hoang phí nhưng cũng không quá tằn tiện, đó là cách chi tiêu bạn cần phải học. Phân biệt giữa cần và muốn để có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, hợp lý.

Tiết kiệm trước khi sử dụng: theo các chuyên gia tài chính mỗi tháng nên trích ra 10-15% số tiền lương ban đầu để tiết kiệm hoặc có thể hơn, tùy vào hoàn cảnh riêng của mỗi cá nhân. Điều này có hai lợi ích, một là giúp chúng ta an tâm vì có số tiền tiết kiệm mỗi tháng, hai là giúp tránh việc quá tằn tiện trong chi tiêu ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Luôn có một khoản dự phòng khẩn cấp dùng khi cần thiết: Khoản dự phòng sẽ giúp bạn chủ động tài chính trong mọi trường hợp để không phải vay nợ.

Tăng thu nhập: ngoài quan tâm đến chi tiêu, mỗi người cần chú ý đến việc gia tăng nguồn thu nhập, có thể từ chính công việc hiện tại hoặc tham gia đầu tư sinh lời với tiền nhàn rỗi.

Đặt mục tiêu tài chính cho bản thân hoặc hộ gia đình: Mục tiêu của bạn có thể là an toàn tài chính, đảm bảo tài chính, độc lập tài chính hay tự do tài chính,... Bạn có thể tham khảo cách vận dụng Quy tắc 4% của nhà tư vấn tài chính William Bengen tính số tiền cần thiết để đạt được độc lập tài chính bằng cách nhân số tiền cần tiêu hàng năm với 25. Ví dụ gia đình bạn trung bình chi tiêu tối thiểu hết 120 triệu đồng/năm (10 triệu đồng/tháng). Vậy để đạt được độc lập tài chính gia đình bạn cần có số tiền là: 120.000.000 x 25=3.000.000.000). Việc đặt mục tiêu tài chính tùy thuộc vào mong muốn và quan điểm sống của mỗi cá nhân. Do đó, cách thức thực hiện, lộ trình và thời gian dự kiến để đạt được mục tiêu của mỗi người là không giống nhau.

Nói tới đây tôi chợt nhớ đến câu chuyện Ông lão đánh cá và chàng doanh nhân mà tôi đã có lần đọc qua. Ông lão đánh cá chỉ cần kiếm vài con cá đủ ăn mỗi ngày, không cần kiếm nhiều tiền, chỉ thích tận hưởng cuộc sống nhàn hạ bên vợ con, mỗi chiều ngồi ngắm hoàng hôn trên biển, thỉnh thoảng uống rượu với mấy ông bạn trong làng. Còn chàng doanh nhân mong muốn kiếm tiền và luôn nghĩ cách để kiếm thật nhiều tiền để sau này nghỉ hưu tìm một nơi yên tĩnh sống một cuộc sống an nhàn, không cần phải làm việc để kiếm tiền, dành thời gian tận hưởng cuộc sống nhàn hạ, chiều chiều ngồi trên biển ngắm hoàng hôn, chẳng phải quan tâm đến bất cứ thứ gì trên thế giới này. Đây chẳng phải là cuộc sống mà ông lão đánh cá đang tận hưởng mỗi ngày hay sao? Câu chuyện đã được phân tích dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Với tôi, đây là một lời nhắc ý nghĩa để bản thân nhìn lại về mối quan hệ giữa tiền và hạnh phúc. Do thiên về ý nghĩa cuộc sống nên câu chuyện có phần thiếu thực tế. Theo tôi, với sự phát triển của xã hội ngày nay, chúng ta cần phải làm việc chăm chỉ, vừa để khẳng định giá trị bản thân, cống hiến cho xã hội, vừa để có điều kiện đảm bảo chất lượng cuộc sống. Đừng để bản thân vất vả cả đời mà phải đợi đến lúc về già mới tận hưởng. Do vậy tôi chọn một cuộc sống bình yên, chậm rãi, được làm những việc mà tôi thích, tận hưởng sự thịnh vượng dù không có quá nhiều tiền.

Tôi kiếm thêm thu nhập bằng cách học tập phát triển bản thân. Việc có thêm kiến thức không chỉ giúp bản thân trở nên có giá trị, tự tin hơn mà còn giúp tôi kiếm thêm thu nhập từ chính công việc của mình. Ngoài ra, tôi còn làm thêm ngoài giờ, kiếm thêm từ các khoản đầu tư nho nhỏ. Tuy nhiên, với chúng tôi, các khoản tăng thêm thu nhập là không đáng kể bởi do quan điểm sống. Chúng tôi không muốn dùng quá nhiều thời gian (lẽ ra nên dành cho bản thân và gia đình) để làm thêm. Thay vào đó chúng tôi tập trung vào việc tiết kiệm, chúng tôi tiết kiệm bằng mọi cách có thể:

Tối giản hoá cuộc sống ăn mặc đơn giản, phù hợp, thiết lập không gian sống thoáng, ít đồ đạc, chú trọng đầu tư chất lượng hơn số lượng, đầu tư cho những thứ có ích về lâu dài.

Lập kế hoạch tích lũy đủ tiền để mua sắm lớn và các sự kiện trong cuộc sống là điều cần thiết, tuy nhiên cần tính đến tỷ lệ tăng giá theo thời gian hoặc lạm phát khi chờ đạt mục tiêu tích lũy.

Tìm những cách làm hay, đầu tư trang thiết bị giúp giảm thời gian và công sức mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc, nhờ đó ta có thể làm thêm được nhiều việc để tăng thu nhập. Chẳng hạn, việc đầu tư một chiếc máy rửa bát và một em robot hút bụi, hai trợ thủ đắc lực giúp việc nhà của tôi, là hoàn toàn xứng đáng, ít nhất là cho đến thời điểm này.

Nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, chú trọng chăm lo, giáo dục con cái cũng là một cách tiết kiệm tiền. Chúng tôi thường xuyên nấu ăn ở nhà, hạn chế ăn vặt không lành mạnh (nhờ vậy thỉnh thoảng những dịp ra ngoài ăn cũng sẽ trở nên đặc biệt hơn), cà phê, tập thể dục ở nhà ngắm sân vườn do tự tay chúng tôi thiết kế,...

Bằng những cách này, cuộc sống của tôi vẫn được duy trì rất tốt mà bản thân không hề cảm thấy mình phải hy sinh quá nhiều.

Bạn biết đấy tôi không phải là một chuyên gia hoạch định về tài chính. Cùng trang lứa với tôi và thậm chí nhỏ tuổi hơn tôi đã có rất nhiều người thành công và có nhiều kinh nghiệm về tài chính cá nhân. Tôi chỉ là một trong số ít những người tiếp cận khá muộn màng về vấn đề này. Có thể khi đọc bài viết này nhiều người sẽ cho rằng tôi thật lạc hậu nhưng nếu cái dở của mình có thể giúp ích được cho người khác thì tôi cũng không ngại "khoe". Bạn thấy đó, tài chính là nỗi lo không hề nhỏ, đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp. Nhưng nếu ta biết quản lý đúng cách, có mục tiêu, có kế hoạch rõ ràng bạn sẽ giành được thế chủ động, cảm thấy an tâm hơn trong cuộc sống. Dù mới nhập môn nhưng tôi dám khẳng định rằng quản lý tài chính cá nhân thật sự quan trọng và cần thiết đối với tất cả mọi người. Quá trình học cách quản lý tài chính cá nhân đã giúp cuộc sống của tôi có nhiều thay đổi tích cực. Tôi đã học hỏi được rất nhiều điều và bắt đầu dạy con hiểu đúng về tiền từ khi còn nhỏ để chúng tập sử dụng, quản lý những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi của mình. Giờ đây tôi cảm thấy tự do hơn, dùng tiền thông minh hơn, an tâm hơn trong cuộc sống.. Mỗi người sẽ có quan điểm về việc quản lý tài chính cá nhân riêng cho bản thân. Tôi hy vọng các bạn trẻ sớm tiếp cận và có phương pháp quản lý tài chính cá nhân phù hợp để có được một tương lai thịnh vượng. Tôi làm được thì chắc chắn các bạn cũng sẽ làm được và còn làm tốt hơn thế. Tôi tin là như vậy!

Nguồn: https://thehappykey.wixsite.com/home/post/tai-chinh-ca-nhan-gia-nhu-toi-duoc-tiep-can-som-hon