Sáng 5/10, sau một trận mưa lớn, Hà Nội chứng kiến cảnh đường xá lầy lội. Giao thông thủ đô có phần khó khăn và hỗn loạn hơn vì người dân ai nấy đến vội vàng đến chỗ làm hoặc chỗ học. Vì thế mà đã có không ít những sự trớ trêu, oái oăm xảy ra trên đường.



Trên facebook, một tài khoản có tên T.N.T đã chia sẻ những bức ảnh ghi lại một trong những sự cố giao thông vào sáng 5/10 ở thủ đô: một người phụ nữ cùng chiếc xe máy của mình bị chèn chặt giữa một chiếc xe bus và một chiếc ô tô con.


webtretho


Người phụ nữ này bị chèn giữa xe buýt và xe hơi khi cố len lách qua luồng xe.


Người đăng những hình ảnh này cho biết nguyên nhân của sự cố là do người phụ nữ đã cố len vào giữa chiếc xe bus và chiếc ô tô con. Tưởng rằng có thể dễ dàng lách qua chỗ ách tắc, nhưng không ngờ chiếc xe bus lại bắt đầu chạy và do khoảng cách quá nhỏ, chiếc xe buýt đã áp người phụ nữ vào chiếc ô tô con và vô tình nhấc chị này cùng chiếc xe máy của chị lên.


webtretho


Người phụ nữ này cùng xe máy bị nhấc bổng lên khi xe buýt bắt đầu di chuyển.


Những người chứng kiến vụ việc đều bị một phen hú tim, hốt hoảng vì sợ người phụ nữ bị chèn chết. Cuối cùng, một người đi ô tô khác phải xuống xe và giúp chị này thoát khỏi tình huống ngặt nghèo, trớ trêu trên.


webtretho


Một người đi ô tô đã phải xuống xe để giúp người phụ nữ bị mắc kẹt.



Câu chuyện này một lần nữa minh chứng cho ý thức kém cỏi trong văn hóa tham gia giao thông của người dân nước ta. Giao thông muốn an toàn thì phải có trật tự, mà muốn có trật tự trong giao thông thì người dân phải tự có ý thức tuân thủ chặt chẽ các luật lệ đã được đặt ra.



Nhiều người Việt có ý thức giao thông quá kém, hay chen lấn, giành giật từng tấc đường, ưa luồn lách. Họ cho đó là một việc hiển nhiên, thậm chí còn nghĩ đó là một “kỹ năng”, một sự “khéo léo” đáng tự hào, vì đâu phải ai cũng là “tay lái lụa”.



Tôi có một người bạn có thói quen tham gia giao thông xấu như thế. Một lần cùng nhau đến một chỗ hẹn, trên đường đi gặp một chỗ đông xe ách tắc, anh bạn tôi thì luồn lách rất nhanh, lái xe leo lên cả lề, bóp còi inh ỏi không ngừng. Cuối cùng thì anh ấy dễ dàng thoát khỏi đám đông xe cộ ấy còn tôi thì vẫn kẹt lại phía sau. Khi tôi đến được chỗ hẹn thì anh bạn của tôi đã ở đấy trước nửa tiếng rồi. Anh ấy bèn nói với tôi rằng tôi lái xe quá “củ chuối”, lái kiểu đó thì mỗi ngày không biết phải tốn bao nhiêu thời gian di chuyển đi lại.



Tôi chỉ cười trừ trước những lời nhận xét cùng vẻ đắc ý của bạn. Tôi tự thấy mình đúng là người ngu thật, nhưng tôi thà làm người ngu mà có văn hóa chứ không muốn làm người khôn mà vô văn hóa như vậy. Anh bạn tôi không biết rằng anh đã gây phiền hà có bao nhiêu người khi cố luồn lách qua đám đông ách tắc bằng mọi giá. Anh leo xe lên lề và suýt nữa thì tông trúng một người đi bộ (và lề vốn là nới dành riêng cho họ), anh bóp kèn inh ỏi và làm mệt mỏi thêm cho những người đang mắc kẹt trong đám đông vốn đã rất mệt mỏi vì khói bụi, cái nóng và sự ngột ngạt rồi.



Tôi có một suy nghĩ như thế này. Cách nhiều người Việt tham gia giao thông cũng cho thấy phần nào cái tâm lý và lối sống “ăn xổi ở thì”, một thói xấu cần phải sửa của dân tộc ta. Muốn có một xã hội văn minh và trật tự như ở các nước phương Tây, chúng ta phải từ bỏ cái thói bạ đâu làm đấy và chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân nhỏ nhặt trước mắt. Điều này hẳn là không dễ dàng gì. Như anh bạn tôi và người phụ nữ trong câu chuyện trên, họ đặt thời gian và lợi ích của họ lên cái lợi ích chung của mọi người, thà làm phiền hà người khác, thà gây ra những rủi ro nguy hiểm không đáng có chứ không muốn làm chậm trễ một giây một phút nào của mình!



Có lẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới có được một đô thị văn minh thật sự với văn hóa giao thông trật tự, ngăn nắp. Còn bây giờ, những thành phố Việt Nam, dù lớn như Sài Gòn hay Hà Nội, cũng chỉ là những đô thị nửa mùa, chắng khác gì mấy chốn làng quê nơi trâu bò có thể tham gia “giao thông” cùng con người!