Tháng 6/2016 vừa qua, nhiều người Việt đã “mắt tròn mắt dẹt” khi tạp chí Forbes danh tiếng công bố Danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới và trong đó, xuất hiện một cái tên Việt bên cạnh những cái tên lẫy lừng khác như Christine Lagarde (người điều hành Quỹ Tiền tệ Thế giới).



Người phụ nữ Việt đáng ngưỡng mộ được Forbes vinh danh chính là nữ CEO của hãng hàng không Vietjet - hãng hàng không tư nhân duy nhất tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Bà Thảo đứng thứ 62 trong danh sách này, đứng thứ 14 xét về tuổi, và đứng thứ 8 trong lĩnh vực kinh doanh.




Bà sở hữu khối tài sản mà nhiều người ao ước: 95% cổ phần tại hãng hàng không Vietjet Air, dự án BĐS rộng 65 hecta ở TPHCM, 90% cổ phần tại Sovico Holdings, cổ phần tại Ngân hàng HDBank, vốn ở 3 khu nghỉ dưỡng Furama Resort (Đà Nẵng), Ana Mandara (Nha Trang), An Lam Ninh Van Bay Villas (Nha Trang). Đây là thành quả phấn đấu trong hơn 20 năm trời của nữ CEO 46 tuổi .



Tháng 5 vừa qua, trong chuyến thăm Việt Nam của mình, đích thân tổng thống Obama đã chứng kiến bà Nguyễn Thị Phương Thảo trong vai trò TGĐ Vietjet Air ký hợp đồng trị giá 11,3 tỷ đô la với ông Ray Conner, TGĐ Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing để mua 100 chiếc máy bay Boeing. Một lần nữa, bà Thảo đã chứng minh rằng bà là người phụ nữ có khả năng biến những tham vọng viển vông thành hiện thực.



webtretho


Bà Thảo ký hợp đồng mua 100 máy bay trước sự chứng kiến của Tổng thống Obama và chủ tịch Trần Đại Quang. Nguồn: Internet



Nguyễn Thị Phương Thảo - người đàn bà đầy tham vọng



Cái tên Nguyễn Thị Phương Thảo đã trở nên quá quen thuộc với những người trong giới kinh doanh và với cả công chúng. Bà Thảo luôn xuất hiện trên mặt báo với hình ảnh nền nã, tóc dài búi cao hay thắt bím, đường nét khuôn mặt thanh thoát, nụ cười niềm nở, tư thế nghiêm chỉnh. Đó là mẫu phụ nữ khi nhìn vào khiến ta có cảm giác mềm mại, uyển chuyển như nước.



Nhưng nếu biết rõ những gì bà Thảo đã làm và quan niệm trong kinh doanh của bà, nhiều người sẽ thảng thốt nhận ra rằng người phụ nữ trông dịu dàng như hoa ấy hóa ra lại là một “người đàn bà thép” đầy tham vọng. Trong giới đầu tư và thương mại quốc tế, những người biết bà Thảo không ai là không biết điều này.



Không phải bỗng dưng bà Thảo lại là một trong những nữ CEO ít ỏi trong ngành hàng không thế giới, nắm giữ vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực vốn là sân chơi khó nhằn của đàn ông. Không lạ khi John Leathy, TGĐ Thương mại toàn cầu của Airbus từng nhận xét về bà Thảo là: “CEO Vietjet là người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung. Cứ thử đàm phán hợp đồng với bà ấy mà xem”.



webtretho


Chân dung "người đàn bà thép" của ngành hàng không Việt. Nguồn: Internet


Người phụ nữ tham vọng và đầy cứng rắn ấy không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào trong cuộc đời của mình. Nếu nhìn lại bảng niên biểu sự nghiệp của bà Thảo, người ta sẽ thấy tính vận động liên tục và đa dạng trong các hoạt động đầu tư và quản lý của bà. Dường như chẳng bao giờ bà hài lòng với thành công của mình, khi đạt được một mục tiêu đề ra, bà lại nhanh chóng theo đuổi một mục tiêu khác, dĩ nhiên là với nhiều thách thức hơn.



Thời sinh viên bà vừa học vừa kiếm thêm thu nhập bằng công việc buôn bán quần áo. Bà đạt được thành công kinh doanh đầu đời khi kiếm được 1 triệu đô từ kinh doanh máy fax, nhựa cao su vào năm 1991. 1 năm sau, bà thành lập Sovico và trở thành Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này. Sau khi doanh nghiệp này vững mạnh, bà lại tham gia góp vốn lập Techcombank và VIB tại Việt Nam vào năm 2000. 3 năm sau đó, bà trở thành tổng giám đốc cho HDBank và là một cái tên nổi bật trong giới tài chính.



Quản lý một ngân hàng vẫn chưa đủ, bà Thảo đổ tiền vào đầu tư BĐS và là một cổ đông lớn của Công ty CP Địa ốc Phú Long vào năm 2004. Và chỉ 1 năm sau đó, bà khiến nhiều người phải trầm trồ thán phục khi là người Việt Nam đầu tiên sở hữu khách sạn 5 sao mua lại của nước ngoài (khách sạn Furama Đà Nẵng).



Từ lĩnh vực ngân hàng và địa ốc, bà “nhảy phốc” một cách đầy ngoạn mục sang lĩnh vực hàng không khi quyết định thành lập hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam là Vietjet vào năm 2007. Cuộc đời và sự nghiệp của bà Thảo gắn liền với nhiều kỷ lục “đầu tiên” mà chỉ một trong số đó thôi cũng đủ khiến người ta ngả mũ kính phục bà.



Vietjet Air, “đứa con tinh thần” thể hiện bản sắc của “người đàn bà sắt”




Bà Thảo từng giãi bày với Forbes rằng sự phát triển của Vietjet Air khiến người ta chú ý đến tên tuổi cho bà nhiều hơn, trong khi nỗ lực mà bà bỏ ra cho những “đứa con tinh thần” trước là không hề kém cạnh, có lẽ là do hàng không là mảnh đất không phải ai cũng muốn và cũng có thể chen chân vào được: “Tôi nghĩ vì hàng không hơi gây chú ý, nên mọi người tập trung vào nó và thấy rằng Vietjet tăng trưởng nhanh so với các hãng khác. Nhưng nếu so với những điều tôi làm từ trước đến giờ, thì sự tăng trưởng của nó đều nằm trong kế hoạch cả”.




Nhưng Vietjet Air xứng đáng được nhắc đến như “đứa con tinh thần” tiêu biểu nhất của bà, dù rằng trong tương lai, rất có thể bà sẽ có những “đứa con” khác, vì với hãng hàng không này, bà Thảo đã thể hiện được bản sắc riêng của mình trong vai trò là người lãnh đạo doanh nghiệp.




Bà không ngại gắn hãng hàng không của mình với hình ảnh của chiếc bikini và sự gợi cảm của người phụ nữ, một hình ảnh còn khá nhạy cảm với nhiều người Việt. Bằng chiến dịch truyền thông và quảng bá táo bạo, bà đã giới thiệu hình ảnh hãng hàng không của mình cùng với các giá trị đi ngược lại với truyền thống.




Thay vì chọn chiếc áo dài kín đáo, nền nã, bà lại chọn chiếc bikini gợi cảm táo bạo. Và bà đã thành công, một sự thành công đến từ tinh thần dám đi ngược lại với truyền thống, với những điều quen thuộc nhưng đã sáo mòn. Khi Vietjet bị chỉ trích là cho tiếp viên mặc bikini để làm chiêu trò quảng cáo, lấy phụ nữ làm công cụ kiếm tiền, bà Thảo đã thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ: “Trên thế giới hiện nay, có nhiều cuộc thi sắc đẹp mà ở đó các thí sinh mặc bikini để thi. Trang phục bikini thể hiện các nét đẹp. Thông điệp của chúng tôi tại Vietjet là chúng tôi làm điều này vì sắc đẹp và niềm vui”.



Bà không ngần ngại nói ra tham vọng muốn biến Vietjet thành Emirates thứ hai và hơn thế nữa, muốn làm cho máy bay thành một loại hình giao thông, di chuyển phổ biến như… xe buýt! Tham vọng này có vẻ viển vông nhưng khi nghe bà Thảo chia sẻ quan điểm của mình, người ta sẽ thấy chẳng có gì là… viển vông cả: “Tất cả đều là những mô hình vận chuyển hàng không đi theo hướng xã hội hóa rộng rãi, nó giúp cho việc đi bằng máy bay được đơn giản như xe buýt và taxi, thay vì quan niệm coi máy bay như cái gì đó rất xa xỉ. Thật ra máy bay cũng chỉ như bất kỳ loại hình vận chuyển nào khác. Nên mình muốn đem máy bay đến những nơi chưa phổ biến loại hình này”. Nhìn vào những nỗ lực trong hơn 20 năm qua của bà, người ta có cơ sở tin rằng người phụ nữ này có sức mạnh biến những tham vọng “viển vông” thành sự thật.