Phụ nữ sao phải tự nhận mình là phái yếu? Dù không mạnh mẽ như đàn ông, nhưng tôi không hề thích hai từ “phái yếu” đó chút nào. Nói đến phụ nữ, tôi chỉ nghĩ đến “phái đẹp”, “một nửa Thế giới”, để thấy được tầm quan trọng và giá trị cao quý của phụ nữ.



Sinh ra là phụ nữ, ai cũng xứng đáng được yêu thương, trân quý. Bên cạnh đó, đáng tôn vinh hơn cả chính là những người phụ nữ có đóng góp to lớn của họ với quốc gia và dân tộc. Họ đã làm nên những “kì tích” mà ngay cả đàn ông - phái mạnh cũng không thể làm được. Đó là Hai Bà Trưng, Nguyên phi Ỷ Lan, Hoàng hậu Ngọc Hân, Hoàng thái hậu Từ Dũ, nữ tướng Nguyễn Thị Định...



1. Hai Bà Trưng - Nữ vương đầu tiên trong lịch sử



Hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị) đã được tạc vào sử sách như những nữ anh hùng bất tử trong cuộc nổi dậy chống quân xâm lược nhà Hán vào năm 40 sau Công Nguyên. Hai bà xưng vương, lập nên nền độc lập cho nước Nam, tiếng tăm lẫy lừng, đến cả đàn ông cũng phải “cúi đầu, bó tay”



webtretho



Danh tiếng của hai bà đâu đâu cũng nghe thấy: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương.



Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy.” - (Trích Đại Việt sử ký toàn thư)



2. Nguyên phi Ỷ Lan - Mẫu nghi thiên hạ, tài sắc vẹn toàn



Nguyên phi Ỷ Lan (1044-1117)là vợ của vua Lý Thánh Tông. Bà có rất nhiều đóng góp tích cực vào cơ nghiệp của nhà Lý qua nhiều đời, là một trong những danh nhân huyền thoại của dân tộc Việt Nam bởi có tài trị nước xuất chúng.



webtretho



Năm Kỷ Dậu 1069, Lý Thánh Tông thân chinh cùng Lý Thường Kiệt mang quân đi đánh Chiêm Thành, trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Đây là lần đầu tiên bà làm nhiếp chính. Cũng năm ấy, nước Đại Việt gặp phải trận lụt lớn, cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn của người dân khiến nhiều nơi sinh loạn tặ. Nhưng nhờ có kế sách trị nước đúng đắn, dứt khoát, không ngần ngại, loạn lạc đã được dẹp yên, kịp thời cứu người dân khỏi nạn đói.



Sau lần đó, nhân dân đã tôn thờ Ỷ Lan là Quan Âm Nữ. Đến năm Nhâm Tý 1072, Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, con trai bà là hoàng thái tử Lý Càn Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi (là hoàng đế Lý Nhân Tông), bà được tôn làm Hoàng thái phi, sau đó là Hoàng thái hậu.



Triều đình trong tình cảnh rối ren, Ỷ Lan đã tiếp tục làm nhiếp chính điều khiển cả quốc gia, cùng tể tướng Lý Thường Kiệt đưa ra kế sách, kết quả hai lần đánh tan quân Tống xâm lược.



Có thể nói Nguyên phi Ỷ Lan không chỉ giỏi đánh giặc, mà còn giỏi trị quốc. Chưa kể, bà còn có công xây dựng hàng trăm ngôi chùa. Chính nhờ câu chuyện giữa bà và các vị sư thời Lý, mà đến nay mới biết được ngọn nguồn gốc tích quá trình truyền bá đạo Phật vào Việt Nam.



3. Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân



Nếu muốn nói đến một người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, được chồng vừa yêu vừa nể thì phải kể đến công chúa Ngọc Hân. Công chúa Lê Ngọc Hân (1770 – 1799), là con gái thứ 9 của vua Lê Hiển Tông và đồng thời là Bắc cung hoàng hậu của Hoàng đế Quang Trung.



webtretho



Vì giỏi văn thơ, Ngọc Hân được vua Quang Trung yêu say đắm. Không chỉ yêu vì nết, ông còn trọng Ngọc Hân vì tài năng và trí tuệ như một vĩ nhân. Ông giao cho vợ coi giữ các văn thư trọng yếu, còn phong cho chức nữ học sĩ, dạy dỗ các con cái và các cung nữ.



Không chỉ vậy, Ngọc Hân còn trở thành người cộng sự đắc lực, tin cẩn về lĩnh vực văn hóa, giáo dục cho chồng. Ngọc Hân được chồng sủng ái vì là một người vợ đức độ và là một “cận thần” tài năng, đáng tin cậy.



4. Hoàng thái hậu Từ Dũ



Triều đại nhà Nguyễn thế kỉ XX gắn liền với vai trò cực kì quan trọng của một người phụ nữ. Bà vừa là vợ, là mẹ, là bà và là cố vấn của các đời vua nhà Nguyễn trong suốt 78 năm. Đó chính là Thái hậu Từ Dũ (hay Từ Dụ) tên húy là Phạm Thị Hằng (1810 - 1902)



webtretho



Trong suốt 78 năm ở cạnh ngai vàng với cương vị cố vấn, bà tham gia bàn bạc chính sự, hết lòng hết sức vì dân vì nước, giữ trọn vai trò trọng yếu trong chính sự triều đình nhà Nguyễn vào khoảng nửa thế kỷ XIX. Bà đã nêu cao tấm gương sáng tuyệt vời về phẩm hạnh và đức độ của người phụ nữ Việt Nam. Tên của bà sống mãi cùng quê hương đất nước và được sử sách ghi danh muôn thuở.



Ngày nay, Bệnh viện phụ sản Sài Gòn mang tên “Từ Dũ” là để ghi nhớ công đức của bà.



5. Nguyễn Thị Định - nữ tướng đầu tiên của Việt Nam



Nữ tướng Nguyễn Thị Định sinh ngày 15-3-1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà là con út trong gia đình nông dân giàu lòng yêu nước.



webtretho



Năm 1936, vừa tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia cách mạng. Hai năm sau (1938) bà được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng Sản Đông Dương. Bà được Tỉnh ủy chọn làm thuyền trưởng chuyến đầu tiên vượt biển ra Bắc báo cáo với Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam bộ và xin vũ khí chi viện. Từ đó tên tuổi của bà đỏ thắm “đường Hồ Chí Minh trên biển”.



Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ-Diệm ác liệt, với luật 10/59 của Ngô Đình Diệm, địch lùng soát rất quyết liệt, chúng còn treo giải thưởng cho ai bắt được bà. Nhưng chúng đã không làm gì được vì bà luôn thay hình đổi dạng, khi thì giả làm thầy tu, lúc là thương buôn, nông dân… và luôn được sự đùm bọc, giúp đỡ của người dân để qua mắt kẻ địch.



Năm 1974, Bà được phong quân hàm Thiếu tướng. Mặc dù là tướng, Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng miền Nam nhưng bà rất nhân ái, rộng lượng, bao dung, sống chan hòa với mọi người.



Đó là đức tính cách mạng của nữ tướng Nguyễn Thị Định, bà đã soi sáng nhân cách làm người cho thế hệ hôm nay và mai sau. GS Trần Văn Giàu nói “Những người như chị sống làm tướng, chết thành thần”. Đền thờ bà đã được xây dựng và khánh thành vào ngày 20-12-2003 để nhân dân đến viếng và thắp hương tưởng niệm. Tiếp đến, ngày 8-4-2007, Bộ Quốc phòng đã tặng tượng đồng chân dung nữ tướng trong trang phục áo bà ba, khăn rằn quấn cổ đặt tại đền thờ.