Theo lời chú Tiến, căn nhà nhỏ này có lúc lên đến 42 cụ già từ Phú Yên vào Sài Gòn trú ngụ, kiếm sống bằng nghề bán vế số.



Nhà văn Nam Cao từng viết: "Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất". Thế nhưng suốt 5 năm qua, tại căn nhà nhỏ số 24/22A đường Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, Quận 1 này luôn đong đầy tình đồng hương của những mảnh đời cơ nhỡ.




Mái ấm này nằm khuất sâu trong một con hẻm nhỏ, là chốn nương thân của những cụ già neo đơn, từ Phú Yên vào Nam kiếm sống. Cùng cảnh phiêu bạt xa quê, họ cưu mang nhau, chia sẻ từng miếng cơm, chỗ ngủ và từng tháng tiền nhà. Những bữa cơm với họ không chỉ là thời gian để nghỉ ngơi, mà còn là lúc ngôi nhà có đông đủ thành viên nhất.




Cụ Đỗ Thị Lan chia sẻ nhiều lần bị kẻ xấu cướp mất vé số.


Nhiều năm trước, chú Ngô Văn Tiến rời miền quê nghèo Phú Yên vào Nam chạy xe ôm kiếm sống. Trong những ngày tháng rong ruổi khắp Sài Gòn, chú đã chứng kiến biết bao cụ già đồng hương bán vé số phải sống cảnh màn trời chiếu đất. Xót lòng trước những cảnh đời cơ nhỡ, nặng tình đồng hương, chú đã đứng ra thuê căn nhà này với giá 5 triệu đồng mỗi tháng và thuyết phục các cụ về ở cùng.



Trong suốt 5 năm qua, chú Tiến đã cưu mang không biết bao nhiêu những mảnh đời cơ nhỡ như thế. Họ gặp rồi dắt díu nhau về sống dưới một mái nhà. Có lúc, số thành viên tại đây lên đến 42 người. Về sau, người không còn đủ sức khỏe, người được con cháu đón về quê, nên hiện giờ còn 10 cụ già ở tại đây, trong đó, người cao tuổi nhất, cụ Võ Thị Mận cũng đã gần 90.




Chú Tiến năm nay cũng ngoài năm mươi, một bên mắt bị chứng bệnh cườm nước, gần như mù hẳn nên không thể đi xin việc. Từ ngày lập ra mái ấm này, thỉnh thoảng chú mới chạy xe ôm buổi tối. Còn ban ngày thì lo phần cơm nước, đưa đón các cụ đi bán. Ấy vậy mà chưa ngày nào chú chán nản hay muốn từ bỏ những người đồng hương của mình.



Mong cho những cụ già trong mái ấm và cả chú Tiến, sẽ luôn được khỏe mạnh, cùng sống hạnh phúc trong những ngày tháng đầy ấp nghĩa tình để viết tiếp những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.


Nguồn: Yan -
Xót lòng thăm mái ấm nghèo của các cụ già cơ nhỡ xa quê