Những ngày qua, khúc ruột miền Trung đang oằn mình gánh chịu hậu quả của trận mưa lũ lịch sử. Cuộc sống của người dân miền biển bỗng chốc diễn ra trên… mái nhà. Hình ảnh biển nước dâng cao mênh mông, nhấn chìm mọi nhà cửa, tài sản và hoa màu của bà con, có cả những sinh mạng đã mãi mãi trôi theo dòng nước cuồn cuộn… khiến bất kể ai cũng không thể kìm lòng mình được. Cả nước đang chung tay hướng về miền Trung ruột thịt. Đã có hàng trăm tỷ đồng, cùng hàng triệu tấn gạo, mỳ tôm, nước sạch, quần áo ấm từ khắp mọi nơi chuyển đến cho đồng bào miền Trung, nhưng liệu năm sau điệp khúc u ám này có lặp lại và hơn lần nữa người dân nơi đây lại oằn mình gánh chịu những mất mát, khốn khó…


Đã có những câu chuyện áng màu đau thương mỗi khi cơn lũ tràn về. Một bà cụ tên Nga, nhà ngay xã Sơn Thịnh, vùng rốn lũ huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Trong trận lụt lịch sử năm 2010, chồng bà đã mất vì không chịu nổi cái đói, cái lạnh. Nước dâng ngày một cao hơn, hai vợ chồng cụ phải trèo lên chạn (nóc) nhà mà ở tránh lũ. Rồi ông cụ mất trên đó, mất đi trước sự chứng kiến bất lực của bà cụ và biển nước mênh mông, giữa vùng bị cô lập. Ôm xác chồng đau khổ 10 ngày chờ nước rút hết, bà Nga mới chôn được ông, nhưng mọi tiền bạc, tài sản trong nhà đã bị lũ cuốn trôi mất. Thêm một lần nữa, người đàn bà ấy đau khổ hơn, khi không lo nổi cho chồng một chiếc áo quan. Về sau này, bà cụ treo hẳn lên chạn nhà một chiếc áo quan. Đó là bà cụ để dành phần mình, nhỡ đâu có chết giữa mùa lũ, nước rút còn có cái để người ta chôn cất bà đàng hoàng…


Và trong trận lũ lịch sử năm nay, cũng đã có những mảnh khăn tang quấn lên vội vã giữa dòng nước lũ còn chưa rút hết, mẹ khóc ơ hờ phải đứng nhìn từ xa mà chấp vái quan tài đứa con nhỏ bởi dòng nước chia cắt. Bà cụ 80 tuổi vẫy vùng trong chiếc màng rồi cũng lịm dần theo dòng nước lũ đột ngột tràn về, hay hai cha con ra đồng đánh lưới bắt cá rồi cũng đã mãi mãi không quay về...


Miền Trung đang oằn mình gánh lũ và những tổn thất sau lũ, hàng triệu tấm lòng đã hướng về nơi đau thương, mất mát đó. Chưa bao giờ, người Việt ta lại đoàn kết và đồng lòng như những lúc khốn khó thế này, nhưng liệu hàng triệu tấn gạo, hàng triệu thùng mỳ,... kia có đủ giúp người miền Trung chống chọi qua cơn lũ dữ này không? Dĩ nhiên là được, nhưng được ở lúc này, khi họ còn đang túng thiếu, đói khổ sau lũ. Nhưng năm sau, lũ lại tràn về, hay vài năm sau nữa người dân miền Trung lại hứng chịu những trận lũ lịch sử như thế này, giữa biển nước mênh mông và họ lại bị cô lập… Một vòng xoay lũ tràn về, người dân khốn khó và chung tay cứu trợ lương thực dường như cần như chưa đủ. Làm sao để vực họ dậy từ những trận lũ lịch sử mới là điều đủ đầy cần thiết?


webtretho


Nhà chống lũ ra đời như một sự tất yếu để bà con có thể chống chọi lại với lũ dữ. Nguồn: Internet



Dự án “Nhà chống lũ” ra đời có lẽ là câu trả lời đầy đủ, cần thiết và lâu dài nhất. Khi mà gần như mỗi năm miền Trung luôn phải gánh chịu cảnh “trời nước một màu”, thì những căn nhà trên cao như thế này sẽ là cứu cánh cho biết bao gia đình, biết bao con người đang vẫy vùng trong lũ dữ.


webtretho


"Triệu thùng mỳ gói không bằng nhà ngói trên cao" - câu nói như thắp lên hy vọng cho những người dân vùng lũ. Nguồn: Internet


“Triệu thùng mỳ gói không bằng nhà ngói trên cao” là câu nói xuyên suốt đi theo những con người thực hiện dự án Nhà chống lũ này. Đó là những ngôi nhà cấp bốn kết cấu không quá khác lạ với kiểu dáng truyền thống, điểm đặc biệt là chúng được xây cao lên, thiết kế tầng lửng có thể chống chọi được với con lũ cao 3, 4m. Dạng thứ hai là nhà phao chống lũ, đây là dạng nhà nổi, phần mái nhà kết cấu những vật liệu nhẹ, chỉ có khung nhà bằng gỗ/thanh sắt nhẹ, vách và mái bằng tôn; phần dưới chống đỡ là những thùng phuy bằng nhựa cứng, sắt rỗng ruột. Nước dâng đến đâu, nhà sẽ nổi đến đấy. Mô hình này được phát triển từ bè chuối, bè cây của ông cha ta ngày xưa, ông Lương Hùng - một trong những thành viên của dự án này cho biết.


webtretho


webtretho


Những căn nhà nổi lên theo mặt nước này đảm bảo cuộc sống của người diễn ra bình thường dù đang có lũ lớn. Nguồn: Internet


Dự án này đã được triển khai hai năm qua, nhưng mãi đến con lũ lịch sử vừa qua, nhiều người mới kinh ngạc với độ hiệu quả của nó. Đã có những hộ dân an toàn cả tính mạng và tài sản cũng được bảo quản nhờ những căn nhà như thế. Xã Tân Hóa của Quảng Bình là một sự đảm bảo thiết thực cho dự án này. Lượng thực và những vật dụng cần thiết đã được người dân vùng này đưa lên nhà phao từ những ngày đầu mùa lũ. Và khi cơn mưa nặng hạt kéo dài, họ bắt đầu chuyển dần những tài sản, vật dụng có giá trị lên cao, sẵn sàng dây thừng, trụ, cột kéo lại căn nhà phao cho vững chãi hơn. Thế là nước đến đâu, nhà phao chống lũ cao đến đó, người dân vẫn an toàn sống trong ngôi nhà của chính mình.


Đã có hàng trăm tỷ đồng được quyên góp khắp cả trong, ngoài nước dành cho người dân miền Trung đang khốn khó sau khi nước rút, nhưng con nước hung dữ đó vẫn còn chực chờ dâng có thể vào ngày năm sau và cũng có thể sẽ dâng cao hơn nữa. Lương thực, nước sạch, quần áo ấm những ngày qua đã kịp thời đến tay đồng bào miền Trung, nhưng để xoa dịu và chấm dứt nỗi đau thương mất mát mà họ phải gánh chịu hằng năm cần một biện pháp thiết thực và lâu dài hơn như Nhà chống lũ.


webtretho


Nhà chống lũ cao 3, 4m có thể chống chọi lại những cơn lũ có đặc tính lên nhanh rút nhanh ở miền Trung. Nguồn: Internet



Khi mà diễn biến khí hậu ngày một khắt nghiệt, lũ miền Trung lại rất thất thường, lên xuống rất nhanh, diễn biến phức tạp. Địa hình nơi đây lại đồi núi, sông ngòi hiểm trở. Việc di dời, cứu hộ cứu nạn luôn đặt trong tình trạng khó khăn, chia cắt hay cả “nhân tai” là việc xả lũ đột ngột của các nhà máy thủy điện đã trở thành nỗi lo thấp thỏm của những người dân. Thì để người dân biết chủ động ứng phó, sơ tán tài sản, gia súc,... nhanh nhất mà không mất nhiều sức lực, thời gian mới là điều cần nhất.


webtretho


Khánh thành một căn nhà chống lũ, căn nhà này vừa có thể ở trong điều kiện bình thường, tầng lửng phía trên để sơ tán mỗi khi lũ tràn về. Nguồn: Internet


Việc thiện nguyện, cứu trợ đến những người khó khăn hơn mình là điều tốt đẹp và cần được phát huy, nhưng sẽ hiệu quả và thiết thực hơn nếu sau “con cá” đó, chúng ta cho người dân miền Trung thêm một chiếc “cần câu”. Họ đã mạnh mẽ, kiên cường hơn trong những cơn lũ dữ vừa qua, nhưng họ càng phải độc lập và chủ động hơn cho những đợt ngập lụt có thể là “lịch sử” nữa sắp tới. Cân gạo, thùng mỳ hay quần áo ấm, chiếc phong bì không thể chỉ trao - nhận một cách thụ động như thế, và nếu không nói ngoa thì cũng sẽ không có “cân gạo, thùng mỳ” nào là mãi mãi.


Nhen nhóm dự án này trong suốt 2 năm qua, đã có hơn trăm “ngôi nhà vượt lũ” như thế được xây dựng nên ở những xã, ấp là rốn lũ của Tân Hóa, Hương Khê, Hương Sơn, Đức Tùng, Đức Thọ của Hà Tĩnh, Quảng Bình. Nhưng chỉ mấy trăm ngôi nhà này chưa đủ cho hàng ngàn ngôi nhà chỉ còn thấy nóc mỗi đợt lũ về. Những dự án Nhà chống lũ như thế này cần sự chung tay đóng góp xây dựng nhiều hơn nữa.


webtretho


Trẻ con vẫn có thể vui đùa trong chính căn nhà của mình - Những căn nhà chống lũ được thiết kế 2 trong 1 như thế này. Nguồn: Internet


Trong đợt lũ vừa rồi, giữa lúc hàng ngàn người vẫn đang vật lộn trên mái nhà, chưa biết sẽ cầm cự được bao lâu trước biển nước mênh mông thì dòng trạng thái trên Facebook của một thành viên trong dự án Nhà Chống Lũ đã cởi mở ra biết bao trăn trở của người dân vùng rốn lũ. Dòng tráng thái đó như sau:


"Quảng Bình, Hà Tĩnh đã lụt nặng.


2h sáng gọi điện cho bà con ở thung lũng Tân Hóa mà số nào cũng không liên lạc được, may đến 3h30 có Niên bắt máy, nói nước cao rồi, khoảng 3m, nhưng mà nhà Niên ổn, leo lên nhà phao trú, nước với đồ ăn trữ sẵn ở nhà phao đủ khoảng 4,5 ngày. Có điều chất lên hơi nhiều đồ nên nhà hơi nặng.


Niên nói mấy nhà quanh xóm Niên lên nhà phao ok hết rồi, không biết mấy xóm khác sao.


Đọc báo thấy có ông Năng bị mất tích, nghe nói ông Năng là ba anh Lực bán quán ăn ở xóm, mất do đi dắt bò về, qua chỗ ngàm nước. Thương ghê.


Giờ cứ vừa lo, vừa mừng. Trông cho trời mau sáng. Mấy năm lăn qua lăn lại với Tân Hóa để làm mấy chục nhà phao. Đi về không biết bao nhiêu bận, người nói ra nói vào, hai năm rồi không có lũ, nhà phao nằm đó không biết thế nào. Giờ lũ về đột ngột, nghe bà con sống được trên đó mừng thiệt là mừng.


Hồi đó mình nói với Vinh, mình phổ cập nhà phao cho Tân Hóa luôn. Nhưng rồi mình lại phải dừng trước khi mỗi nhà có 1 nhà phao. Sau đợt này mà bà con nói tốt, làm nữa, là mình đi xin tiền làm tiếp, làm tiếp.


Hồi này năm kia, chú trưởng thôn 4 dẫn mình đi tới mấy hộ để bàn chuyện làm nhà. Cũng mưa gió nhưng không có lũ.


Mấy nhà tôn xanh, đỏ là nhà phao đó."


Sau cơn lũ dữ, những chiếc xe tải chở lương thực, nước sạch, quần áo ấm về là cứu cánh cho bà con vùng thiệt hại. Nhưng lâu dài hơn, tất cả cần chung tay để đồng bào miền Trung có thể tự lo được tô mỳ, chén cơm trước khi sự cứu trợ cần thiết đến vùng lũ, nhất là những vùng rốn lũ, địa hình chia cắt, cô lập.