Lo lắng, bất an trước những tình huống khó khăn, căng thẳng trong cuộc sống là điều hết sức bình thường, ai cũng đã từng trải qua. Nhưng khi cảm giác lo lắng đó trở nên quá mức đối với một tình huống hoặc một sự việc thì lo âu đã trở thành một bệnh lý.

Đã từng có một thời gian, cuộc sống tôi luôn bị bao vây bởi sự lo lắng, bất an. Tôi hay lo âu một cách thái quá trước một tình huống hay về một vấn đề mà người khác cho là không đáng. Tôi luôn cảm thấy lo lắng và tìm cách né tránh việc nói chuyện trước đám đông, không làm việc được khi ai đó đang nhìn mình, sợ nói chuyện điện thoại, sợ gặp người lạ hoặc ngại ăn một mình ở nơi công cộng,... Cảm giác này cứ lặp lại và kéo dài, nó đè bẹp tôi, nhấn chìm tôi tận đáy sâu trong hố đen tiêu cực.

Tôi không rõ nguyên nhân bắt đầu từ đâu. Có thể là do cuộc sống quá nhiều áp lực và căng thẳng chăng? Nhưng tôi dám chắc một điều rằng, chính tính cách của tôi đã góp một phần không nhỏ trong đó.

Là một người hướng nội, tôi luôn bị hấp dẫn bởi thế giới nội tâm, suy nghĩ nhiều là điều không tránh khỏi. Thông thường, khi tiếp nhận thông tin, tôi luôn phân tích, xem xét mọi khía cạnh, ngóc ngách của vấn đề. Tôi nghĩ đến tất cả các khả năng, bất trắc có thể xảy ra, hậu quả sau đó... và hầu như tất cả đều theo chiều hướng tiêu cực. Rồi mọi thứ liên kết lại với nhau, ngày càng trở nên chằng chịt, cảm giác lo lắng, sợ hãi thừa thắng xông lên, vây lấy tôi ngày này qua ngày khác.

Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của tôi. Tôi thật sự mệt mỏi: ăn không ngon, ngủ không yên, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng. Không ai có đủ kiên nhẫn để nghe tôi, tôi sống thu mình lại, mắc chứng trầm cảm chỉ còn là điều sớm muộn. Tôi cố đi tìm giải pháp nào đó để bản thân thoát khỏi tình trạng tệ hại này. Chặn nguồn phát sinh, tập trung làm giảm cảm giác lo lắng, cố gắng kiểm soát và đánh lạc hướng chúng, cuối cùng là bồi bổ lại sức khỏe tinh thần bằng cách nạp thêm nhiều năng lượng tích cực là giải pháp hữu hiệu mà tôi đã và đang áp dụng để giúp bản thân vượt qua chứng rối loạn lo âu. Dưới đây là những chia sẻ từ kinh nghiệm của chính bản thân tôi:

Thứ nhất, hạn chế hoặc loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực khiến bạn lo âu

Việc tiếp cận quá nhiều thông tin tiêu cực sẽ khiến tình trạng lo âu của bạn thêm trầm trọng

Việc đầu tiên tôi làm là tạm ngừng sử dụng mạng xã hội, ngừng cập nhật tin tức online mà chỉ theo dõi tin tức chính thống một lần trong ngày. Tôi nhận ra việc tiếp cận quá nhiều thông tin tiêu cực từ các phương tiện truyền thông khiến cuộc sống của tôi trở nên bất an, lo âu về những mối hiểm nguy đang chờ chực. Việc dành quá nhiều thời gian trên các trang mạng xã hội khiến tôi xao nhãng với cuộc sống hiện tại. Tôi luôn bị chi phối bởi những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, oán giận, sợ hãi, ghen tỵ… khiến tâm trạng tôi ngày một nặng nề hơn.

Tránh những cuộc nói chuyện tẻ nhạt với những lời phàn nàn vô nghĩa. Ngừng than vãn, kêu ca... cũng là điều nên làm, bởi chúng chỉ khiến tâm trạng của tôi thêm chùng xuống. Những bộ phim kinh dị, bạo lực, bi thảm cũng không ngoại lệ. Cứ thế, tôi chủ động tránh xa các nguồn năng lượng tiêu cực, những thứ khiến đầu óc tôi phải suy nghĩ nhiều sinh ra lo lắng.

Thứ hai, thư giãn đầu óc, làm dịu bớt cảm giác lo âu

Có rất nhiều cách giúp bạn làm dịu não bộ, cải thiện tâm trạng, giảm bớt lo âu

Làm vườn là một trong số đó. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng làm vườn không chỉ tốt cho sức khỏe và còn giúp làm giảm các triệu chứng trầm cảm và lo lắng. Gần gũi với thiên nhiên, ngắm cỏ cây hoa lá, tôi cảm giác được tĩnh dưỡng hoàn toàn, tâm trí nhẹ nhàng, thư thái, giảm cảm giác tiêu cực.

Tất nhiên không thể không kể đến phương pháp tập thể dục. Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh của mỗi người, bạn có thể lựa chọn hình thức tập thể dục cho phù hợp. Bản thân tôi thường bắt đầu ngày mới bằng 30 phút đi bộ, hít thở không khí trong lành. Việc đi bộ sẽ làm mất dần các hormon adrenalin, cortisol khi chúng ta căng thẳng đồng thời thúc đẩy quá trình sản sinh và lưu thông các hormon endorphin giúp cải thiện tâm trạng và tạo nên cảm xúc tích cực. Hoạt động thể chất sẽ giúp bạn giảm thiểu các triệu chứng trầm cảm và lo lắng. Vậy nên, bạn hãy cố gắng duy trì thói quen tập luyện đều đặn mỗi ngày.

Ngoài ra, với lợi ích giải tỏa căng thẳng tuyệt vời, thiền cũng được xem là phương pháp hữu hiệu để điều trị các vấn đề về thần kinh, các bệnh lý như trầm cảm, mất ngủ, lo âu, stress...

Tất nhiên, để thiền được thành công là điều không dễ dàng. Bạn cần luyện tập đúng cách về tư thế ngồi, cách thở…, mỗi ngày giảm đi một ít những suy nghĩ trong đầu, bắt đầu từ 3 đến 5 phút rồi tăng dần khi đã quen, có thể mở nhạc nhẹ để giúp tĩnh tâm tốt hơn. Nếu có điều kiện bạn nên tìm đến sự hướng dẫn của các chuyên gia về Yoga.

Giải tỏa căng thẳng cũng là một trong rất nhiều lợi ích mà việc đọc sách có thể mang lại. Từ một nghiên cứu của cơ quan tư vấn Mindlab International thuộc Đại học Sussex (Anh), các nhà tâm lý học nhận thấy chỉ cần đọc sách 6 phút là có thể giảm mức căng thẳng khoảng 68%, hiệu quả hơn cả phương pháp nghe nhạc, đi bộ hoặc uống trà. Đặc biệt là các thể loại sách truyền cảm hứng, chúng sẽ cho bạn cảm giác được thấu hiểu, được sẻ chia, giúp bạn có thêm động lực và năng lượng sống. Việc tập trung toàn bộ suy nghĩ, tư duy, nhận thức vào từng câu, từng chữ trong từng trang sách khiến bạn quên đi cảm giác lo âu. Hãy bắt đầu thói quen đọc sách ngay hôm nay nhé! 

Thứ ba, cố gắng kiểm soát nỗi lo và đánh lạc hướng chúng

Càng cố ép mình không nghĩ thì lại càng nghĩ nhiều hơn chi bằng cứ trút hết ra giấy. Viết mỗi ngày là một cách để tôi có thể giải tỏa căng thẳng, giảm lo âu. Không câu nệ văn vẻ, không cần chú ý ngữ pháp, từ vựng hay chính tả, tôi viết một cách tự do, chỉ đơn giản là viết ra hết những suy nghĩ trong đầu để có thể dễ dàng kiểm soát chúng. Hãy chia chúng ra làm hai cột, một bên là những điều bạn có thể làm được và một bên là những điều còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan, bạn không thể tự quyết định và đừng quan tâm tới chúng, tập trung vào đó chỉ khiến tình hình của bạn thêm tệ hơn thôi.

Việc tiếp theo là bạn nên cố gắng đánh lạc hướng những suy nghĩ tiêu cực bằng cách tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát được. Ví dụ, thay vì lo lắng về sức khỏe của bản thân và gia đình trong mùa dịch, hãy bắt tay vào những việc có thể làm ngay hôm nay chẳng hạn nhắc nhở bản thân và gia đình đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế ra ngoài, ăn uống lành mạnh, tập thể dục nâng cao sức đề kháng cho cơ thể... Giữ cho bản thân luôn bận rộn bằng cách theo đuổi đam mê, sống hết mình với các sở thích cá nhân như đọc sách, vẽ tranh, thiết kế, chơi nhạc cụ, viết lách, nghiên cứu… Những việc làm mang lại giá trị tích cực ấy sẽ chuyển dần sự tập trung của não bộ ra khỏi các vấn đề của bản thân, bao gồm cả những lo âu và căng thẳng.

Thứ tư, bồi bổ sức khỏe tinh thần bằng năng lượng tích cực

Không gian sống bừa bộn, công việc rối tung cũng có thể là những tác nhân khiến bạn căng thẳng và lo lắng. Đã đến lúc bạn cần tối giản hóa mọi thứ, dọn dẹp nhà cửa, lập kế hoạch để quản lý thời gian tốt hơn, sắp xếp công việc khoa học hơn. Sống theo tinh thần Chủ nghĩa tối giản là một gợi ý cho bạn. Sống tối giản sẽ giúp bạn tìm thấy sự an yên trong tâm hồn, tập trung sống cho hiện tại để thưởng thức cuộc sống một cách trọn vẹn. Ngoài ra, hấp thu năng lượng tích cực từ những con người tích cực và những quyển sách truyền cảm hứng sẽ giúp bạn có đủ sức mạnh và niềm tin để vượt qua sợ hãi, lo âu. Bên cạnh đó, viết ra những điều bạn biết ơn mỗi ngày cũng là cách nuôi dưỡng tâm hồn giúp bạn sống lạc quan hơn, thúc đẩy lòng trắc ẩn với bản thân. Nhưng điều quan trọng là bạn phải luôn ý thức duy trì cuộc sống cân bằng và nuôi dưỡng tư duy tích cực để cảm xúc lo âu không có cơ hội xâm chiếm tâm trí bạn, chi phối cuộc sống và chế ngự con người bạn. Tuy nhiên nếu tình trạng lo âu hiện tại của bạn đã vượt ngoài tầm kiểm soát, tôi khuyên bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để được tư vấn và hỗ trợ thêm phương pháp điều trị bằng thuốc.

Nguồn: https://thehappykey.wixsite.com/home/post/giai-phap-tu-nhien-giup-giam-lo-au