Hẳn là bạn chưa từng nghe ai bảo như thế đúng không? Tất cả điều nói ngược lại: Bạn hãy là chính mình. Đừng để đánh mất bản thân.


Nhưng...



"Bạn cứ là chính mình làm gì trong khi bản thân đang là một thứ không đủ giỏi, lười biếng, vô trách nhiệm, thất bại và yếu kém?"


webtretho


Đã bao giờ bạn nghĩ như thế chưa?



Năm tôi học lớp 3, chuyển từ nhà quê lên thành phố, gặp rất nhiều trắc trở bởi sự chênh lệch quá nhiều từ một nơi thuộc vùng sâu vùng xa lên đô thị phồn hoa và phát triển. Tiếng xứ Quảng bao nhiêu năm người Sài Gòn chẳng nghe được. Thành tích nổi bần bật ở chốn quê lại chẳng là gì trong mắt thầy cô và bạn học. Đi đứng, ăn nói, cả cách cầm viết tay trái và tâm trạng lạ lẫm, bỡ ngỡ với những món đồ rất đỗi bình thường đều khiến đứa trẻ 9 tuổi rơi vào khủng hoảng tâm lí.


Trước sự trêu chọc, ghẻ lạnh và thương hại từ nhiều người, tôi quyết tâm thay đổi bằng cách lao đầu vào học. Học nói tiếng miền Nam, học cầm viết tay phải, học đi đứng nói cười, học cách vượt qua sự tự ti lẫn tự cao đang mâu thuẫn trong lòng mình.


Đến cuối năm đó, người ta không còn nhớ và hầu như chẳng ai nhận ra tôi từng là một đứa trẻ chân quê đến mức bông lúa còn vương trên đầu, tay chân còn nặng mùi phèn của ruộng đồng bát ngát. Khi ấy, tôi 10 tuổi chẳng còn là tôi 9 tuổi. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lúc đó tôi như bạn "Hãy cứ là chính mình"?



Năm tôi lên cấp 2, rơi vào giai đoạn mà mọi người hay bảo là "đánh mất chính mình". Chẳng còn là đứa trẻ ngoan hiền và luôn nỗ lực trong học tập. Ừ tôi đã có những tật xấu như "bùng học" đi game (thuở ấy Audition với Boom là hot rần rật), tụ tập bạn bè lêu lổng, bắt đầu biết dẻo miệng nịnh nọt người này người kia.


Hẳn là bạn sẽ nói, đấy, hãy là chính mình thì tốt rồi. Nhưng sẽ không có tôi của hôm nay biết cách giao tiếp, khéo léo torng chuyện nói năng để vừa bộc lộ được trọn vẹn ý định của mình, vừa khiến người khác vui vẻ. Không có thay đổi, tôi sẽ chẳng nhận ra đâu là con đường mình không được đặt chân lên nữa. Nếu cứ là chính mình như đứa bé lên 10 ngày xưa, có khi nào tôi thành một tên cù lần chỉ biết học chữ và học chữ, lạc lõng với sự đời, khuyết thiếu kĩ năng sống trầm trọng, hệt như một chú nai con vừa rời mẹ, lần đầu chạm đến rừng cây có hổ, sói, thỏ, rùa?



Rồi lên đại học. Là một người tốt. Bạn mến thầy cô yêu. Có năng lực, chịu khó học hỏi, luôn giúp đỡ bạn bè hết mức có thể, vui vẻ và hài hước. Rồi tôi lại đổi thay. Lần này là về ngoại hình.


Lần đầu nhuộm tóc. Tập tô son và chỉn chu trong trang phục. Tìm hiểu về dưỡng da. Và một tôi lột xác hoàn toàn. Đến cả bây giờ đôi khi xem lại mình 2 năm đầu đại học (lúc "còn là chính mình"), tôi và bạn bè, bố mẹ, anh chị em họ hàng còn chẳng nhận ra.


Xinh hơn, duyên dáng hơn, ý nhị hơn. Nhiều cơ hội làm việc đến, nhiều mối quan hệ được mở rộng. Ngày đó còn chưa biết đến ngoại hình quan trọng như thế nào, cứ chắc nịch rằng "tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Sau này nhận ra, giữa thế giới đồ nội thất, ai mà thèm ngó mắt đến một chiếc bàn gỗ quý khi nước sơn xấu xí, mẫu mã kẻm cỏi hơn các vật dụng khác rất nhiều. Đã không cho một ánh nhìn thì làm gì có cơ hội để biết "à, thì ra là gỗ tốt". Quan niệm đổi thay: cởi mở, đa diện, tiến bộ hơn.



Nhưng tôi vẫn chưa ngưng "đừng là chính mình".



Mỗi ngày đều không ngừng học hỏi. Chiếc bình vốn sống (tri thức, tư duy, cảm xúc, kinh nghiệm, kĩ năng...) của mình hôm nay phải nhiều hơn hôm qua. Can đảm nhìn đến những điều chưa thể thực hiện để nỗ lực bứt phá giới hạn đấy trong một ngày không xa. Mỗi ngày trôi qua đều khác đi một chút.


Cứ đà này, đến một ngày nào đó, sau mỗi dịp gặp nhau, người xung quanh tôi đều sẽ thấy bất ngờ với mỗi tôi trong mỗi lần gặp gỡ. Tốt hơn, vui hơn, nhiều màu sắc hơn.



Tôi bây giờ vẫn là một sản phẩm chưa hoàn thiện vì thế tôi luôn "đừng là chính mình", đừng là một sản phẩm dở dang để có thể tốt hơn mỗi ngày.


Người ta chỉ ngừng lại khi chết, mà tôi thì chưa chết, tôi còn trẻ, thế giới vẫn đang chờ tôi khám phá và quan trọng nhất là TÔI VẪN ĐANG CHỜ MÔT TÔI KHÁC Ở TƯƠNG LAI.



Còn bạn thì sao? Đã đọc đến những dòng này, bạn vẫn muốn "Hãy là chính mình" chứ?