Không một tấm bằng Đại học trên tay, cô sinh viên Nguyễn Hà Linh năm nào đã đi một chặng đường dài không mấy ai ngờ, để trở thành “cô chủ nhỏ của một hệ thống lớn” tại Việt Nam.



Trái với hình dung của chúng tôi về một người gây dựng sự nghiệp từ 2 bàn tay trắng (hẳn sẽ đầy mạnh mẽ và cứng rắn), từ đầu dây bên kia, một giọng nói cất lên – yếu ớt như một đứa trẻ và thều thào như một bà lão: "Bạn ơi, đêm qua mình đi phát quà Noel cho người vô gia cư, gặp mưa nên đang cảm lạnh. Hẹn bạn sáng mai nhé".



Nguyễn Hà Linh đã xuất hiện như vậy, gần gũi, bình dị và có phần mềm yếu như bao cô gái khác, nhưng ẩn sau đó là một bản lĩnh hiếm có trước mọi khó khăn và một đầu óc cực nhạy bén với thị trường.





Nguyễn Hà Linh




Khởi nghiệp với chỉ 250.000đ



Năm 2008, Linh đang theo học Khoa quản trị kinh doanh tại ĐH Hà Nội – một khoa mà tất cả quá trình dạy và học đều bằng tiếng Anh, trong khi tiếng Anh của cô còn khá non nớt. Linh mong muốn luyện thi IELTS nhưng lại không đủ tiền học tại các trung tâm lớn, và cũng không muốn trở thành gánh nặng cho bố mẹ, thế nên cô quyết định… tự mở lớp học cho mình.



Quyết định đó một phần đến từ công việc làm thêm của cô lúc bấy giờ (phát tờ rơi tại một trung tâm tiếng Anh). Nhận thấy ở đây có một giảng viên nước ngoài rất giỏi nhưng thu nhập chưa tương xứng với khả năng, Linh đã bàn với thầy để ngoài những buổi dạy tiếng Anh tại trung tâm, thầy có thể đến dạy thêm ở… lớp tiếng Anh chưa ra đời của cô.



Nói là làm, Linh cùng hai người bạn thân ráo riết tìm một phòng học nhỏ, thỏa thuận đặt cọc xong sẽ trả tiền theo buổi. Với 250.000đ đặt cọc, cô cùng 2 người bạn tìm mọi cách để quảng bá cho “lớp học” của mình, từ phát tờ rơi tại tất cả các trường học, hộ gia đình, đến đăng tin trên khắp các diễn đàn lớn bé, các blog 360 và Yahoo messenger thời bấy giờ. Ngày “tuyển sinh”, số lượng người đến đăng ký nhập học cao không ngờ. Ba bạn trẻ sững sờ với số tiền mình cầm trong tay ngay ngày đầu tiên khởi nghiệp: 200 triệu đồng!






Nhưng cũng vì doanh thu đạt được lớn ngoài mong đợi, Linh và người bạn thân làm cùng đã nảy sinh một số bất đồng quan điểm. Bạn của cô cho rằng ba người đã bỏ ra rất nhiều công sức và xứng đáng nhận được nhiều hơn so với thỏa thuận ban đầu với giảng viên.



“Mình không đồng ý, vì quan điểm của mình từ ngày đó cho đến tận bây giờ vẫn là: Luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Đã thỏa thuận thế nào thì phải giữ đúng như vậy, không được vì cái lợi trước mắt mà thay đổi. Thế nên mình vẫn tiếp tục với lớp tiếng Anh, còn bạn mình không làm nữa. Đó cũng là lý do mà trong các dự án sau này, mình hạn chế hợp tác với bạn thân. Nếu vì chuyện công việc mà tình bạn rạn nứt thì rất đáng tiếc”



Sau hai năm “quăng mình” từ nhà đến trường, từ trường đến các lớp tiếng Anh và từ các lớp tiếng Anh đến các dự án làm thêm khác, cô gái nhỏ đã không đủ sức cân bằng tất cả và đành quyết định tạm gác lại việc học.


Một điều tất yếu của cuộc sống là con người ta luôn luôn phải đứng trước những lựa chọn. Người thông minh là người biết nên chọn cái gì, hy sinh cái gì và vào thời điểm nào. Ngay trong năm Linh quyết định bỏ học, một trung tâm tiếng Anh đã ra đời, đánh dấu sự trưởng thành của Nguyễn Hà Linh – từ một cô sinh viên trở thành một doanh nhân.



Từ Cộng caphe…








“Ý tưởng mở quán cà phê thật ra rất đơn giản, vì bố mình lúc đó đã về hưu rồi, mình muốn bố có một nơi nào đó để đến vừa làm vừa chơi, gặp gỡ giao lưu với bạn bè.”



Linh luôn kể về những dự án của bản thân một cách nhẹ tênh như thế, như thể việc kinh doanh khởi nghiệp là điều… ai cũng làm được. Nhưng có đi sâu vào câu chuyện, người ta mới nhận ra sự quyết đoán và nhạy bén đặc biệt của cô với thị trường.



Vào thời điểm năm 2013, Cộng caphe bắt đầu nổi lên trong cộng đồng những người yêu cà phê tại Hà thành. Là một khách quen của Cộng, Linh nhận thấy “cái chất” không thể lẫn của quán cà phê này và tin rằng đây là mô hình kinh doanh có khả năng phát triển mạnh. Dù khi đó Cộng mới chỉ có 2 quán và chưa hề có “tiền lệ” nhượng quyền thương hiệu, nhưng cũng như cách đây 5 năm, khi Linh chủ động đề cập việc hợp tác với thầy giáo dạy tiếng Anh, giờ đây cô cũng chủ động hẹn gặp chủ quán Cộng và tự đề nghị được hợp tác, đầu tư franchise. Bốn quán Cộng caphe của cô gái 24 tuổi ra đời, khởi đầu cho sự bùng nổ của hệ thống Cộng caphe trên khắp các tỉnh thành.



… Đến Koh Samui





Ngay từ khi xuất hiện, các cửa hàng Koh Samui đã trở thành điểm đến yêu thích của giới trẻ Hà thành




Từ Cộng caphe đến Koh Samui lại là một cột mốc hết sức quan trọng nữa trong sự nghiệp của Nguyễn Hà Linh. Trong khi Cộng là mô hình kinh doanh nhượng quyền, việc của Linh là kế thừa và phát triển những tinh hóa có sẵn, thì Koh Samui thực sự là “đứa con tinh thần” mà cô phải “lao tâm khổ tứ”, tự mình xây đắp từ những viên gạch đầu tiên.



Cô cũng chia sẻ: “Tôi cũng đã từng thất bại nhiều lần, từng đóng cửa một số cửa hàng do sai sót trong quá trình điều hành, tính toán. Việc sai sót là không thể tránh khỏi đối với mỗi con người, cái quan trọng là chúng ta vẫn tiếp tục bước đi, tiếp tục cố gắng phấn đấu, hoàn thiện. Cái này không được thì cái khác phải được! Nỗ lực phấn đấu thì sẽ thành công, chúng ta phải tin vào điều đó!”



---


Có thể nói thất bại là mẹ thành công, và Nguyễn Hà Linh đã chứng minh được điều đó. Theo suy nghĩ của mình, thì dù cho cô gái này có nhận được sự giúp đỡ từ gia đình hay không, cái cốt yếu quan trọng ở đây chính là bản lĩnh và sự cầu tiến trong sự nghiệp của cô ấy. Vì nếu như ta có nguồn tài chính ở sau lưng, nhưng không biết cách đương đầu với thử thách thì núi cũng sẽ lở. Chính vì vậy, cộ gái này cũng là một tấm gương rất đáng khâm phục cho giới trẻ Việt Nam hiện nay :)



http://www.webtretho.com/forum/f3950/bi-quyet-thanh-cong-cua-7-vi-nhan-noi-tieng-tren-the-gioi-2171932/


http://www.webtretho.com/forum/f3950/tra-thu-tinh-cu-va-nhung-don-gay-ong-dap-lung-ong-2171922/


http://www.webtretho.com/forum/f3950/30-goi-y-mix-do-cuc-chat-khi-ban-khong-co-gi-de-mac-2171911/



Theo ttvn