Có thuốc nào thai phụ có thể uống để trị những chứng bệnh nhẹ thông thường được không?


Cách tốt nhất là hạn chế tất cả các nguy cơ cho thai là cố gắng hạn chế tối đa, tránh dùng các thuốc không thật cần thiết, đặc biệt là trong ba tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, sau đây sẽ là những lời khuyến cáo chung cho các thuốc bạn có thể dùng và không được dùng để trị các chứng bệnh nhẹ thông thường.


Nên nhớ: luôn hỏi bác sĩ hay dược sĩ trước khi uống bất cứ thuốc gì trong thai kỳ.


Táo bón


• Thử dùng các biện pháp không dùng thuốc như uống nhiều nước hơn hay ăn nhiều thực phẩm có chất xơ trước. Nếu các biện pháp này không hiệu quả, các loại thuốc nhuận trường thông dụng có thể dùng được trong thai kỳ.


• Các chất xơ tổng hợp như (Fybogel), methylcellulose có thể dùng được.


• Các thuốc nhuận trường làm mềm phân có thể dùng được.


Đau thượng vị và khó tiêu


• Các thuốc kháng acid dạ dày nói chung là vô hại, mặc dù bicarbonate có thể được hấp thu vào máu và nên tránh dùng trong thai kỳ để tránh natri hấp thụ vào cơ thể quá nhiều.


• Các thuốc như Gaviscon có thể dùng được, đặc biệt có hiệu quả đối với đau thượng vị khi thai lớn , tử cung đè lên dạ dày mẹ gây khó tiêu. Thuốc này làm cho thức ăn trong dạ dày trở nên đặc hơn và tránh thức ăn trào ngược lên thực quản.


Đau đầu hay đau lưng


• Thử dùng các biện pháp chữa trị không dùng thuốc trước. Xoa bóp bấm huyệt trên đầu có thể làm giảm cơn đau đầu, còn đau lưng có thể dịu đi nhờ các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng các bắp cơ lưng bị căng hay ngâm mình trong bồn nước ấm.


• Paracetamol nói chung được cho là vô hại nếu dùng ngắn ngày trong quá trình mang thai. Thuốc này được sử dụng rộng rãi để giảm đau và hạ sốt và có thể dùng ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ.


• Aspirin và các thuốc nhóm giảm đau hạ sốt kháng viêm (non-steroidal anti-inflammatory drugs NSAIDs) như ibuprofen không nên dùng trong thai kỳ vì có bác sĩ có nhiều thuốc khác có cùng công dụng mà lại an toàn hơn để dùng cho các bà bầu. Đặc biệt nên tránh dùng các thuốc này ở ba tháng cuối thai kỳ vì các thuốc này có thể làm thai già tháng, chuyển dạ kéo dài và có thể gây nhiều biến chứng lên trẻ sơ sinh. Ở liều uống để giảm đau, aspirin cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trên mẹ và con nếu dùng ở ba tháng cuối thai kỳ. Có bằng chứng đề nghị cũng không nên dùng các thuốc nhóm này cả trên ba tháng đầu thai kỳ và trên phụ nữ muốn mang thai vì các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai hay dị tật.


• Codeine và dihydrocodeine có thể ảnh hưởng lên hô hấp của em bé nếu dùng ở ba tháng cuối thai kỳ hoặc dùng liều cao trong quá trình mang thai. Dùng liều cao có thể gây ra hội chứng lệ thuộc thuốc ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, vẫn có thể dùng liều thấp trong thời gian ngắn để giảm đau trong ba tháng đầu và ba tháng giữa thai kỳ nhưng phải được bác sĩ chỉ định và theo dõi. Thai phụ cũng nên lưu ý rằng một số thuốc giảm đau bán không cần toa trên thị trường có chứa codeine hay dihydrocodeine. Hỏi ý kiến bác sĩ hay dược sĩ trước khi uống bất kỳ thuốc gì trong quá trình mang thai.


Các phản ứng dị ứng


• Đối với các dạng dị ứng, đầu tiên nên thử tránh tối đa việc tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng.


• Nếu biện pháp này không thực hiện được, thai phụ có thể dùng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi hay xịt mũi chứa cromoglicate trong cả ba giai đoạn thai kỳ.


• Dùng ngắn ngày các thuốc nhỏ hay xịt mũi có chứa corticosteroids như beclometasone để thay thế thì không sao nhưng nếu dùng dài ngày, lượng costicosteroid có thể hấp thụ vào thai nhi làm ảnh hưởng sự tăng trưởng của thai. Vì vậy các thuốc này chỉ nên dùng sau khi đã tham vấn kỹ lưỡng với bác sĩ hay dược sĩ.


• Các thuốc có chứa các chất kháng histamin như brompheniramine, meclozine, diphenhydramine, doxylamine, cetirizine và loratadine nói chung là nên tránh dùng vì không có đủ thông tin về độ an toàn của thuốc trên thai. Tuy nhiên, nếu phải dùng thuốc kháng histamin chống dị ứng thì chlorphenamine nói chung được coi là an toàn khi dùng trong cả ba tháng đầu giữa và cuối thai kỳ. Hỏi kỹ bác sĩ và dược sĩ trước khi uống bất cứ thuốc gì trong quá trình mang thai.


• Các thuốc nhỏ mắt, mũi có chứa chất kháng histamine: nên tránh sử dụng.


• Các thuốc giảm nghẹt mũi như pseudoephedrine, phenylephrine, xylometazoline, oxymetazoline nên tránh dùng vì không đủ cơ sở chứng minh độ an toàn của chúng. Xông mũi bằng hơi nước ấm cũng có tác dụng giảm nghẹt mũi.


Cảm ho



• Các thuốc trị cảm ho thường phối hợp nhiều dược chất, bao gồm thuốc giảm đau, kháng histamine chống nghẹt mũi như đã nêu ở trên, vì vậy điều quan trọng là phải chắc chắn là mỗi thành phần chứa trong các chế phẩm trị cảm ho này an toàn trước khi dùng. Hỏi kỹ bác sĩ và dược sĩ trước khi uống bất cứ thuốc gì trong quá trình mang thai.


• Các thuốc long đàm như guaifenesin giúp làm loãng đàm . Uống nhiều nước cũng có tác dụng làm loãng đàm tương tự như dùng thuốc. Xông mũi bằng nước ấm cũng làm cho đàm đỡ quánh đặc và dễ ho khạc ra ngoài hơn. Nên tránh dùng các thuốc ho long đàm có chứa iod vì iod có thể làm suy chức năng giáp trạng ở thai nhi.


• Các thuốc giảm ho như dextromethorphan đang được sử dụng rộng rãi và nói chung là an toàn cho thai. Nên sử dụng liều càng thấp và trong thời gian càng ngắn càng tốt. Tuy nhiên, tốt nhất là nên tránh dùng trong ba tháng đầu thai kỳ. Các thuốc ho chứa codein nên tránh dùng trong ba tháng cuối thai kỳ.


• Các chế phẩm làm dịu cơn ho như các loại xirô trị ho thông thường hay ngậm viên kẹo ngậm ho có chứa mật ong hay glycerol là cách an toàn nhất để giảm ho. Hỏi kỹ bác sĩ và dược sĩ trước khi uống bất cứ thuốc gì trong quá trình mang thai.


Tiêu chảy


• Thỉnh thoảng có vài lần tiêu chảy ngắn sẽ không gây hại cho em bé trong bụng mẹ nhưng nếu tiêu chảy kéo dài vài ngày có thể gây mất nước. Có thể bù nước bằng các dung dịch muối khoáng bù nước và điện giải (nước biển khô) như Dioralyte hay Oresol, loại này an toàn cho thai.


• Hỗn hợp chứa Kaolin cũng có thể dùng được để hạn chế tiêu chảy.


• Không dùng thuốc có Loperamide để cầm tiêu chảy vì không có đủ thông tin để kết luận là thuốc này có an toàn cho thai kỳ hay không.


Huyết trắng âm đạo


• Chưa đủ thông tin về tính an toàn của nhóm thuốc kháng nấm như (Canesten) hay fluconazole (Diflucan). Các nhóm thuốc này chỉ nên dùng sau khi bác sĩ cân nhắc giữa hiệu quả và nguy cơ khi dùng thuốc.


• Nếu bác sĩ khuyên bạn dùng thuốc đặt, nên tuân thủ đúng liều lượng thuốc đặt hay tránh dùng đồng thời nhiều loại thuốc đặt.



Chàm thể tạng, viêm và dị ứng da


• Các chế phẩm giữ ẩm hay mềm da nên được sử dụng đầu tiên vì chúng an toàn.


• Các loại kem có chứa steroid như hydrocortisone có thể dùng được trong thai kỳ nhưng tránh dùng trên diện tích da rộng trong thời gian dài vì một khi số lượng thuốc đủ lớn, có thể hấp thụ vào máu đi khắp cơ thể.


Bài viết đầy đủ ...


BS Đặng Thanh Huy - Sức Khỏe 360