Ở tuổi trung niên như anh và cô hầu hết người ta đã lui về an hưởng bình yên của tuổi về hưu. Vợ chồng tuổi này có lục đục cũng chỉ dám khe khẽ "trong nhà dạy nhau" chẳng dám to tiếng hay li dị vì nhiều lý do tế nhị và cả e ngại cách nhìn của người xung quanh.

Anh là bạn của hai vợ chồng chị rột của cô. Họ từng là hàng xóm của nhau khi anh và vợ con sống tại tiểu bang FL. Bảy năm sau, vì nhận một công việc tại NY, anh đến sống tại NY nhưng vẫn giữ liên lạc thân thiết với vợ chồng anh chị của cô. 

Anh có một quá khứ không mấy hạnh phúc. Anh định cư Mỹ nhờ vào gia đình vợ. Khi còn ở Việt nam, hai vợ chồng anh có cuộc sống tương đối, có nhà riêng, có một đứa con, anh giảng dạy tại một trường Đại học...Tất cả của anh thay đổi hoàn toàn khi đặt chân tới Mỹ. Không như bằng cấp ở Mỹ, anh trở thành thợ cơ khí, giao tiếp xã hội hạn chế vì rào cản ngôn ngữ, thu nhập từ đó cũng chỉ đủ ăn, đứa con thứ hai ra đời lại tạo thêm một số áp lực tâm lý...Trong khi đó, vợ anh làm nail, trở thành trụ cột tài chính gia đình, lo kinh tế cho chồng học Đại học. Là một người đàn ông truyền thống, anh ít nhiều cảm thấy áp lực tâm lý.

Anh tốt nghiệp Đại học thuận lợi, ngoại ngữ cũng tiến bộ rất nhiều, những tưởng cuộc sống gia đình anh sẽ tốt hơn nhưng rồi vợ chồng anh xảy ra mâu thuẫn và ly dị. Sau khi chia tay, vợ anh nuôi 2 con còn anh cấp dưỡng theo qui định pháp luật Mỹ. Thực tế, anh lúc đó phải ký nợ chứ không có tiền để trang trãi những khoản chi phí từ cuộc li hôn. Vợ và gia đình vợ cũng như bạn bè anh do đó cũng có thái độ xem thường...Anh mang một vali nhỏ bước ra khỏi nhà. Tất cả những tổn thương trong đổ vỡ hôn nhân, những ánh nhìn coi thường từ người xung quanh và gia đình vợ đã trở thành động lực để anh phấn đấu trong công việc. Anh trãi qua 2 năm thăng trầm rồi trở thành Manager tại một công ty khá lớn. Sau 5 năm, anh trả được tất cả các khoản nợ, anh mua xe cho con và thường xuyên thăm chúng. Ở tuổi U60, anh từng có suy nghĩ sẽ sống cùng các con vào những ngày cuối đời. Tuy nhiên, là những đứa trẻ banana (trẻ da màu sinh ra tại Mỹ hoàn toàn sống theo văn hóa Mỹ), con từng hỏi anh:

- Daddy từng nghĩ khi nào sẽ vào Nursing House chưa?

Anh cay đắng nhận ra ở bất kỳ đâu thì tình yêu thương cha mẹ cho con cái đều là nước chảy xuôi chẳng thể nào chảy ngược. Chẳng trông mong gì được vào các con ở tuổi về chiều. Anh chuyển sang tìm kiếm chân tình từ những mối quan hệ yêu đương.

Từ sau khi li dị, anh trãi qua 1 số mối tình nhưng chưa từng đi đến hôn nhân: Không hợp ngữ khí, không cùng quan điểm ứng xử, quan điểm tiền bạc...anh mãi vẫn chưa tìm ra một tình yêu như anh mong đợi.

Anh từng tâm sự điều này với vài người bạn nối khố thưở còn đi học ở Việt nam, bạn bè góp ý:

- Có điều kiện như mày, bên cạnh phải có vài em trẻ, đẹp, chân dài chăm sóc khi về Việt nam ăn nhậu chứ...

Anh thầm bất đồng quan điểm: "U60 mà đu đeo gái đôi mươi cho bị chửi mất nết hả".

Anh em trong gia đình cũng từng giới thiệu cho anh vài người, nhưng ngoài điều kiện tài chính tốt, nhiều điều khác ở họ thật sự không hợp với anh. Vậy là anh bắt đầu chủ động kiếm tìm từ những mối quan hệ bạn bè.

Ba năm trước, anh và cô từng có vài cuộc điện thoại khi cô đang tìm hiểu thông tin các trường học tại Mỹ cho con du học. Vì vậy một sáng của 3 năm sau, anh điện thoại cho cô. Thoạt đầu, cô nhận ra avatar của anh từ cuộc gọi, lúc ấy là 9g sáng tại Việt nam nghĩa là tầm 9~10g đêm tại Mỹ. Cô cho rằng anh bấm nhầm số vì vậy không nhấc máy. Sau đó, anh gọi thêm lần nữa và họ bắt đầu có những cuộc trò chuyện của những người quen biết nhưng chưa đến mức thân thiết.

Những cuộc trò chuyện thường bằng Messenger và kéo dài 3~4 tiếng, chủ yếu là anh chủ động giới thiệu bản thân và chia sẻ về quan điểm sống. Sau 3 tháng, anh chủ động đề xuất cô cùng anh mua một miếng đất tại Việt nam. Anh cũng bỏ nhỏ cô sẽ được chủ quyền miếng đất và anh sẽ không đứng tên tài sản. Đây sẽ là một đề nghị hấp dẫn với rất nhiều người, nhưng sau 2 lần dò hỏi anh nhận được câu hỏi ngược lại:

- Chi vậy ạ? Em đã nghỉ hưu ở nhà chăm sóc con. Em và con đang sống bằng tiền lãi tiết kiệm ngân hàng. Bọn em nhà đã có, không nợ nần ai nhưng cũng không dư dả để đầu tư thêm đất đai đâu ạ...

Anh khá bất ngờ và bất mãn. Rồi anh gác chuyện mua đất qua một bên và chia sẻ về những kế hoạch ăn nhậu, thăm thú tại Việt nam khi anh về Việt nam công tác. Anh hoàn toàn không phải người tham lam, nhưng đã là con người thì ai cũng có vài cái "muốn" từ đối phương. Anh muốn cô đưa anh cùng đi massage đôi, muốn cùng đi ăn nhậu, muốn được dùng những bữa cơm gia đình mà một người Việt độc thân tại Mỹ như anh vẫn mong mỏi...tất cả những điều đó cô nhanh chóng đồng ý trừ việc massage đôi. Cô giới thiệu cho anh số điện thoại một công ty vật lý trị liệu phục vụ massage tại nhà. Không khí trở nên ngượng ngùng đôi chút...rồi họ kết thúc 3 tiếng trò chuyện như thường lệ.

Một tháng nay, anh không gọi điện thoại cho cô. Sau vài lần gửi anh ảnh chụp những món ăn cô làm như thường lệ mà không có hồi đáp, cô cũng đã ngưng nhắn tin cho anh. Mọi thứ trở về trật tự trước đó. Có lẽ với anh, việc tìm kiếm tình yêu thương đang bắt đầu ở một nơi nào đó.

Câu chuyện của anh và cô khiến tôi, một người cùng độ tuổi và là bạn bè của họ có một vài suy nghĩ:  Tìm kiếm tình yêu thương tuổi U60 không phải là tìm một người biết yêu thương mình, sẵn sàng hy sinh thời gian, tiền bạc, công sức tất cả cho mình...để chộp lấy họ. Tình yêu thương là sự nổ lực hoàn thiện bản thân để chân thành đến với nhau, không dụ dỗ hay dựa dẫm, mà lá một  chân thành kết nối hai con người, hai thế giới một cách không vụ lợi. U60 cũng cần được yêu, nhưng tình yêu đó vẫn phải vô tư như tình yêu đầu thì mới có thể chạm vào trái tim một ai đó...