Sau khi được Nhật Phong cứu thoát khỏi nanh vuốt con chó Bec-giê thì hai đứa chính thức trở thành bạn. Chơi với Nhật Phong rất vui. Không như mấy đứa cận thần kia chỉ biết răm rắp nghe lời, Nhật Phong không những có chính kiến mà còn có nhiều sáng kiến với nhiều trò chơi mới lạ.

Buổi sáng chúng tôi rủ nhau đi bắt dế, bắt ve sầu, lên đồi hái sim, hái hoa rừng. Chiều chiều, hai đứa theo chân bọn trẻ ở quê ra ngọn đồi phía bìa làng. Đó chính là nơi lũ trẻ chăn trâu và đồng thời cũng là thiên đường tuổi thơ của chúng tôi với biết bao trò chơi hấp dẫn, nào là thả diều, ô ăn quan, ô chuồn chuồn, trồng nụ trồng hoa, thả đỉa ba ba…Tối tối thì cả bọn lại thi nhau bắt đom đóm để làm đèn lồng bằng lá cây rồi rước đèn tưng bừng khắp xóm.

Những hôm trăng sáng cả bọn trải chiếu giữa sân, cùng nằm dài trên chiếu vừa ngắm trăng vừa tưởng tượng cuộc sống trên cung trăng của chú Cuội và chị Hằng vừa ngêu ngao hát:

“Sân nhà em sáng quá


Nhờ ánh trăng sáng ngời


Trăng tròn như cái đĩa


Lơ lửng mà không rơi.”

Có thể nói đây chính là quãng thời gian vô tư và tươi đẹp nhất. Lúc nào, cả hai đứa cũng đều mong ngóng cho mau đến mùa hè để được về quê, được gặp nhau, cùng chơi những trò chơi lý thú, cùng hòa vào hương vị ngọt ngào của làng quê với những cánh đồng bao la, với bầu trời xanh biếc, với ngọn đồi đầy hoa xuyến chi, với những cây xoan đào rợp hoa trắng, với hương hoa bưởi nồng nàn và những đêm đầy sao được tắm trong ánh trăng vàng.

Thấm thoắt thì hai mùa hè đã trôi qua.

Trước khi tôi lên cấp hai, công ty của mẹ tổ chức đi du lịch Đà Nẵng bốn ngày ba đêm dành cho các gia đình. Bố bảo bận công tác nên chỉ có hai mẹ con đi cùng nhau. Đến hôm thứ hai, Sếp của mẹ yêu cầu mẹ về sớm để giải quyết việc đột xuất nên hai mẹ con đành phải luyến tiếc tạm biệt Đà Nẵng trước một ngày.

Khi hai mẹ con về đến nhà, vừa mở cửa, tôi nhìn thấy bên cạnh giầy của bố bỗng dưng có một đôi giầy cao gót lạ, màu đỏ. Lần đầu tiên tôi thấy vẻ mặt mẹ sợ hãi như thế, mẹ bảo tôi đứng yên đợi mẹ, nhưng tôi bỏ ngoài tai lời nói của mẹ mà vội vã chạy vào nhà và rồi sửng sốt nhìn thấy cảnh không nên nhìn.

Bố tôi đang dập dìu cùng một cô gái trong tình trạng không mảnh vải che thân. Hình ảnh đó ám ảnh tột độ khiến tôi sốc đến mức ngã lăn ra sàn bất tỉnh.

Sau ngày hôm đó là những đêm dài cãi vã của bố mẹ. Dù không cố tình nhưng tiếng cãi vã đó vẫn đập vào tai tôi.

Mẹ tôi sau khi sinh tôi thì có mang bầu lần hai, tuy nhiên do chửa ngoài tử cung nên không những không giữ được đứa bé mà mẹ còn phải cắt buồng trứng dẫn đến không thể mang thai lần nữa. Chính vì thế bố thanh minh rằng áp lực phải có con trai nối dõi khiến bố ngoại tình.

Việc cãi vã triền miên của bố mẹ khiến tôi vô cùng mệt mỏi.

Cho đến một hôm, tôi nghe thấy tiếng khóc nức nở của mẹ vọng ra từ phòng ngủ. Tôi sợ rằng bố đánh mẹ nên vội chạy tới. Khi định gõ cửa phòng thì chợt nghe thấy giọng nói của bố:

“Cô ấy đã có thai, đứa bé là con trai, anh xin lỗi, anh mong em hiểu cho anh!”

Tiếng khóc của mẹ ngày một dữ dội hơn.

“Anh xin lỗi...”

...

“Chúng ta li hôn đi!” Giọng mẹ cất lên.

“Anh xin lỗi...”

...

Tôi nghe thấy tiếng khóc của bố vang lên hoà lẫn cùng tiếng nức nở như xé gan xé ruột của mẹ.

Và thế là bố mẹ chính thức chia tay.

Tôi từng rất yêu bố, từng xem bố là thần tượng, là chỗ dựa vững chắc cho hai mẹ con. Nhưng bố đã khiến mẹ đau đớn tột cùng. Thêm nữa, hành động của bố và cô nhân tình hôm nọ khiến hình ảnh của bố trở nên vô cùng xấu xí trong mắt tôi. Chính vì thế khi bố mẹ chia tay không hiểu sao tôi lại có cảm giác như thể được giải thoát.

Tôi và mẹ vẫn sống trong ngôi nhà cũ còn bố thì ra đi.

Tưởng chừng vết thương lòng dần se lại thì một biến cố nữa lại ập đến.

Người bà vô cùng yêu quý của tôi bỗng lâm bệnh nặng. Việc li hôn của mẹ cũng tác động không nhỏ tới tâm lý của bà khiến bệnh tình ngày càng nặng thêm.

Một buổi chiều cuối đông lạnh lẽo. Tôi đang trầm ngâm nhìn về phía cây bàng già trước cổng trường. Một cơn gió thoảng qua khiến chiếc lá bàng cuối cùng rời cành và rụng xuống. Không hiểu sao tôi thấy buồn vô tận. Một nỗi buồn mênh mang cùng cảm giác mất mát  khó diễn tả thành lời ập đến.

Mẹ bỗng xuất hiện ngay tại lớp học. Như thể sét đánh ngang tai khi tôi hay tin bà qua đời.

Người bà hiền hoà ấm áp ấy đã không còn nữa.

Tôi sẽ không còn được nhìn thấy nụ cười móm mém đầy yêu thương.

Không còn được ăn những món ăn dân giã đồng quê bà vẫn thường nấu.

Không còn được cuộn tròn trong lòng bà với chiếc quạt mo phe phẩy giữa trưa hè cùng những câu chuyện cổ tích xa xưa.

Bà là kho chuyện cổ, là cả tuổi thơ, là niềm hối tiếc khôn nguôi suốt cuộc đời này.

Bà đã ra đi mãi mãi. Điều đó cũng có nghĩa rằng những ngày hè tuyệt vời như ngày xưa sẽ không còn nữa.

Từ đó tôi không còn gặp lại Nhật Phong…

***


Link chương trước: 

https://www.webtretho.com/f/tam-su-tinh-yeu/cau-la-tuoi-tho-va-thanh-xuan-cua-to-2

hình ảnh