Gần đây bạn có "suy nghĩ" không?


Không bận bịu công việc, không vật lộn với một đống to-do list hay chạy sô cùng hàng tá lo lắng ngổn ngang. Chỉ ngồi. Và suy nghĩ. Việc đó có khó khăn với bạn lắm không? Một giáo sư tại Đại học London đã tự hỏi điều đó, và ông quyết định thực hiện một thí nghiệm tương đối... kỳ cục để xem chúng ta thực sự dám bỏ bao nhiêu thời gian trong ngày dành cho việc suy nghĩ. Trước khi theo dõi câu chuyện này thì bạn hãy thành thực tự hỏi bản thân rằng: Gần đây, mình có "suy nghĩ" không?


***


"Triết học tự phát. Dừng lại, ngồi xuống, và chỉ nghĩ thôi". Đó là những gì tôi đã viết trên một chiếc bảng trắng. Tôi đã mang nó ra ngoài và đặt nó cạnh một chiếc ghế gấp nhỏ, gần lối vào văn phòng tôi ở trường City, University of London. Trong vòng một tuần, tôi đã đi vòng quanh London với hai cái ghế gấp và một chiếc bảng trắng. Mục tiêu của tôi là những vị trí trông cực kỳ... ngớ ngẩn.


Tôi đã sắp xếp "đạo cụ" của mình bên ngoài Sàn Giao dịch Chứng khoán London, một ngân hàng lớn, trước cửa Toà nhà Quốc hội, trên con phố Oxford, tại nhà thờ thánh Paul và ở trụ sở BBC. Giờ là lúc để đưa sự ngớ ngẩn lên một tầm cao mới—và tôi quyết định mang đồ nghề tới chính trường đại học của mình.



Sinh viên và cán bộ khoa đi tới đi lui, nhìn thấy những chiếc ghế, nhìn vào mặt tôi, đọc bảng hiệu của tôi. Một số tỏ ra rất ngạc nhiên. Số khác thì lôi smartphone ra chụp ảnh. Rất nhiều người đã cười ồ lên. Và chỉ một vài người ngồi xuống cùng với tôi, trải nghiệm vài phút trầm ngâm tĩnh lặng.


Trường đại học vốn thường được coi là nơi để học tập và là động lực của nền kinh tế tri thức. Nhưng sau một thập kỷ dành để nghiên cứu các tổ chức, tôi đã nhận ra rằng trường đại học là vườn ươm... sự ngớ ngẩn một cách có-bài-bản. Bản thân tôi là một giáo sư. Khi tôi yêu cầu đồng nghiệp của mình từ các trường đại học khác nhau hãy miêu tả đơn vị của họ, một trong số những từ phổ biến nhất là "ngu xuẩn".


Họ chia sẻ câu chuyện về một số trường đại học ở Anh tôn vinh một bài viết vài trang trên tạp chí khoa học còn hơn cả một chuyên đề khoa học kỳ công vài trăm trang. Tôi cũng được nghe về một ngôi trường công lập lớn đã chi nhiều chục triệu đô la phát triển một trường tư để thu hút một nhúm nhỏ vài học sinh. Biên tập viên của tôi thì nhắc đi nhắc lại về câu chuyện của một trường thuộc Ivy League tại Mỹ đã chi 25 triệu đô la để xây dựng một "mạng lưới kiến thức" online tên là Fathom, chỉ để chứng kiến nền tảng này đóng cửa sau 3 năm.


Câu chuyện châm biếm nhất có lẽ là về một chuyên gia nổi tiếng thế giới lên làm hiệu trưởng một trường đại học Mỹ, và sau đó đã chi hơn 1 triệu đô la chỉ cho những thay đổi về mặt quản trị. Trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình, ông này đã khiến cho nhân viên nhà trường nhìn mình với ánh mắt "kỳ thị" khi buộc họ phải mặc đồ màu nâu trong khuôn viên trường vào mỗi Thứ Sáu.



Càng tìm hiểu nhiều, tôi càng khám phá ra rằng các trường đại học đang có thói quen đầu tư thời gian, năng lượng và tiền bạc vào những mục tiêu vô nghĩa. Họ tạo ra một bộ máy quản trị đông đúc, khiến cho những nhiệm vụ đơn giản nhất cũng trở nên kém hiệu quả. Ngày nay các trường đại học có thói quen chạy các chiến dịch tái định vị thương hiệu thường xuyên, nhưng việc làm đó rốt cục lại chỉ khiến cho họ hoà lẫn vào nhau và thiếu cá tính riêng hơn. Hãy cứ thử vào website của bất kỳ trường đại học nào mà xem, bạn sẽ thấy một mô-típ PR y hệ nhau, với những nghiên cứu khoa học "hàng đầu", chương trình dạy học "đẳng cấp thế giới", gần với thực tiễn...


Sẽ có ba sinh viên đang nằm dài trên bãi cỏ, và kiểu gì trong đấy cũng có một người là nữ, một người da màu, một nam sinh da trắng... Thậm chí những ngôi trường ở những phần khác nhau của thế giới cũng có những chiến dịch làm thương hiệu y xì đúc.


Trường University at Buffalo tại Mỹ sử dụng một tấm ảnh chụp những toà nhà của trường với dòng chữ "Here is how". Và ở cách đó 9,000 dặm, trường Đại học Sydney cũng đăng tải một hình ảnh tương tự với những ngôi nhà cũ kỹ, kèm dòng mô tả "Here".