Gần đây thấy tv, đài báo nói nhiều về chuyện thi đại học quá, lại có bà hàng xóm cứ sang hỏi mình "cháu thấy cô cho em nó vào trướng x, y, z có được không?" làm mình nhớ cái thời "tuổi trẻ dại dột" của mình quá. Lên đây tâm sự với các mẹ xem có ai nghĩ sinh nhầm thời như mình không :D


Nếu được làm lại có lẽ tôi sẽ chọn mốc lớp 9, để có thể tự do chọn một ngôi trường cấp 3 mà mình mong muốn. Có lẽ nếu vào được ngôi trường đó, tôi sẽ không thấy mình ù lì như bây giờ.


Nhưng một con bé lớp 9 thì nghĩ được gì nhiều khi ngày ngày bố luôn “truyền âm” vào đầu tôi phải học cái này, học cái kia, học cái lọ, học cái chai. Tôi cũng muốn phản kháng nhưng lại sợ bị bố cho vài cái tát. Thế là thôi. Năm đó, tôi vào học lớp chọn ban A của ngôi trường cấp 3 gần nhà. 2 năm đầu tiên, tôi cũng miệt mài, học và học, toán hóa sinh sao mà ngán ngẩm.


Năm 2007 bùng nổ blog yahoo360, tôi bị hấp dẫn, ngày nào tôi cũng viết, tôi thấy hạnh phúc khi mỗi bài tôi viết ra đều có một lượng người đọc đáng kể, nhiều bạn đọc còn khen bài viết và lấy tôi làm mục tiêu phấn đấu. Có lẽ đó là khoảng thời gian ý nghĩa nhất trong ngày.


Tôi nói tôi muốn thi báo chí, tôi muốn làm phóng viên nhưng bố mẹ đã gạt phắt đi và cho rằng đó là ngành học vớ vẩn, công việc không ổn định và ông bà bắt tôi thi kế toán với lý do dễ xin việc, nhàn, phù hợp với con gái. Tôi dành nguyên một đêm khóc vì bất lực và thấy ôi sao mà đời bi đát. Năm đó tôi 18 tuổi.


Thế rồi tôi cũng thi kế toán mà chẳng dám ngho nghoe gì trước ánh mắt nghiêm khắc của bố. 4 năm đại học cứ lặng lẽ trôi qua, tôi học chống đối, học cho có cái bằng, học vì bố mẹ muốn. Nhưng thực tế là những gì bạn học trong nhà trường chẳng có tác dụng gì ở ngoài đời thực. Bằng chứng là ngoài những đứa có quan hệ và tiền tệ thì một loạt cử nhân kế toán trường tôi thất nghiệp, hoặc phải làm trái ngành nghề. Con bạn tôi giờ làm quản lý nhà hàng nói may mà nó lựa chọn làm công việc này nếu không với lương kế toán bèo bọt chắc không bon chen nổi ở cái Hà Nội này.


Năm 22 tuổi, tôi vẫn nuôi ước mơ làm nhà báo, thế là tôi tiếp tục thi văn bằng 2 báo chí, dành suốt những buổi tối trong 2 năm tuổi trẻ để mong nắm được cái đuôi của giấc mơ. Bố mẹ vẫn tiếp tục phản đối, nhưng kệ, lúc này tôi lớn rồi mà.


Thế nhưng tôi hoàn toàn sụp đổ vào nền giáo dục của Việt Nam. Sau 2 năm học tôi hối hận vô cùng, tôi chỉ có 1 tấm bằng, vài người bạn mới và những kiến thức tôi học được từ những anh chị cùng lớp đang hoạt động trong ngành báo chí chứ không phải từ những gì giáo viên truyền đạt. Nhưng cái tôi được hưởng nhiều nhất là những câu chuyện sai trái trong làng báo, là chuyện tiền tiền nong nong với giáo viên, là những bức xúc với cái phòng đào tạo và những chính sách, nội quy hạch sách sinh viên trên trời của cái trường này.


Năm 24 tuổi, tôi đỗ vào một trong những tờ báo điện tử lớn sau khi trải qua 3 vòng thi (xét hồ sơ – thi Gmat và viết – phỏng vấn). Tôi vui lắm. Tôi vào đó làm được 1 tháng thì người tôi quen nhất là chị lao công. Trong cùng một tòa soạn nhưng họ đấu đá nhau, nói xấu nhau, chia rẽ nhau, vân vân và mây mây những chuyện không thể tin được trong mắt một con bé sinh viên như tôi. Thế rồi một ngày chị trưởng phòng gọi tôi vào phòng và nói “chị rất muốn nhận em nhưng lực chưa đủ, bên trên gửi một người xuống, chị xin lỗi và hy vọng có ngày được làm việc cùng em”. Nói thật là tôi chán khủng khiếp, chưa bao giờ tôi mong muốn bố mẹ mình làm to, nhà mình giàu như lúc này.


Sau chuyện này tôi từ bỏ ước mơ làm nhà báo, nhưng vẫn theo nghiệp viết lách. Tôi tham gia khóa học ngắn hạn, xin làm thực tập tại một công ty truyền thông, tìm đọc tài liệu trên mạng, theo dõi facebook của những cây viết hay và giờ thu nhập của tôi từ công việc chính và những việc làm thêm cũng đủ cho tôi lo cho bố mẹ và cuộc sống riêng của mình.


Nhiều ngày nay trên các phương tiện truyền thông và newsfeed của tôi tràn ngập các vấn đề thi cử, xét tuyển, đốt bằng, chửi rủa, phẫn nộ… Này các bạn sinh viên, tôi không khuyên các bạn đốt đi tấm bằng đại học vì việc đó chẳng có nghĩa lý gì cả. Các bạn hãy tự nghĩ xem mình muốn gì và mình nên làm gì đi. Các bạn muốn gì chứ không phải bố mẹ các bạn hay xã hội muốn nhé. Hãy nhìn vào chính tôi kia kìa. Đừng bảo rằng mỗi người mỗi khác, vì cơ bản cốt lõi vấn đề thì vẫn là như vậy.


Xã hội bây giờ chính là thế, một thằng học giỏi nhất lớp lại đến làm thuê cho thằng trước đây luôn đội sổ; một cô chân dài não ngắn lại dễ dàng lọt vào danh sách trúng tuyển; một COCC chẳng phải lo nghĩ gì về công việc, cứ thoải mái chơi bời đi; những nhân viên công sở ngày ngày làm việc trong một cái hộp, đến và về như thói quen, công việc tẻ ngắt; một sinh viên mới ra trường chẳng chen chân vào nổi những công ty nhà nước mà không có quan hệ hay tiền tệ; những tấm bằng đại học vứt chỏng chơ trong cửa hiệu cầm đồ mà chẳng ai buồn quay lại lấy; nền giáo dục đi xuống, tinh thần người trẻ đi xuống, đam mê nhiệt huyết tuổi thanh xuân bị giết từ trong trứng nước.


Bạn ơi, hãy sống cho mình chứ đừng vì ai khác.


Nếu bạn muốn mở cửa hàng hãy học làm kinh doanh, học quản lý nhà hàng, hãy làm thêm trong nhà hàng từ những vị trí thấp nhất, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và nuôi dưỡng ước mơ ngay từ hôm nay. Chứ đừng lao đầu vào học một ngành mà mình không thích và chỉ thu được một bồ lý thuyết suông.


Nếu bạn thích ô tô, xe máy, thích sửa chữa chúng tại sao không học nghề, rồi đi làm thuê một thời gian, rồi mở một cửa hàng nhỏ, nho nhỏ thôi nhưng là của chính mình. Tại sao lại phải lao vào học Y, học Dược, học Tài chính, học Bách khoa…?!


Bạn còn trẻ, hãy sống với ước mơ, đại học không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công. À nhưng mà nếu bạn thích thì cũng có thể trải nghiệm 4 năm đại học rồi tự đúc kết kinh nghiệm cho chính mình. Học 4 năm ra rồi tìm kiếm một con đường đi khác cũng không sao. Vẫn còn thời gian cho bạn sửa chữa.


Còn các bậc phụ huynh ơi, cháu biết các bác, các cô, các chú đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con em mình nhưng đừng sống thay chúng, đừng mang con cái ra thực hiện thay ước mơ của mình, cũng đừng vì sỹ diện mà bằng mọi cách bắt con em mình phải có một cái bằng đại học. Những đứa trẻ có ước mơ và suy nghĩ riêng hãy để chúng được tự do thêu dệt những đôi cánh của riêng mình.


Nếu các bác, các cô, các chú tự tin rằng có thể nuôi nó cả đời, tự tin rằng những gì mình lựa chọn cũng chính là những gì các con mong muốn vậy thì… đứa bé đó sẽ mãi chỉ là một đứa bé con.


Tôi rất thích một câu nói: “Hãy lựa chọn công việc mình yêu thích để có thể vui vẻ từ 8h sáng đến 6h tối, và hãy tìm một người mình yêu thương để có thể tiếp tục vui vẻ từ 8h tối đến 6h sáng hôm sau”.