Ai cũng có thể làm giàu, bán hàng rong, làm phụ hồ, công nhân,...đều có khả năng giàu, nhưng tại sao vẫn còn người nghèo. Đây là sự thật tồn tại từ hồi nào giờ mà chưa ai chịu thừa nhận:



Người nghèo chưa chắc đã nghèo


(1) Một chú bán kem que 60 tuổi, lấy sỉ kem cây giá 1000đ đạp xe đạp bán giá 3000đ một cây, sáng từ 7-8h chiều tối 7-8h về, mỗi ngày chú bán trên dưới 200 cây, lời mỗi tháng hơn 10 triệu đồng!



(2) Một anh nông dân trồng lúa, nuôi thêm gà, lợn, thỏ... làm việc chăm chỉ ngày 10h, không nhậu nhẹt bê tha mỗi tháng kiếm trên dưới 8 triệu đồng, vốn Nhà Nước năn nỉ cho vay!



(3) Học nghề thợ may công nghiệp khoảng 6 tháng, nhận sửa đồ cho shop thời trang, mỗi cái 30k đến 50k, ngày sửa 5 đến 10 cái, tháng kiếm hơn 10 triệu!



(4) Shipper giao hàng mỗi chuyến tệ lắm 20k, ngày kết hợp giao 15-20 đơn hàng, trừ tiền xăng xe mỗi tháng còn trên dưới 10 triệu.



(5) Học hớt tóc 3 tháng, nhận đến nhà cắt lông chó mèo, cắt móng chân này kia giá 100-300k một con, ngày 3-4 con tháng kiếm hơn 10 triệu.



(6) Một cô gái năm 18 tuổi không có điều kiện ăn học nhưng mới 22 tuổi cô đã mở được 1 spa nho nhỏ tự làm chủ. Không phải lấy chồng đại gia hay làm nghề gì bất chính cả, cô xin vào làm nhân viên chăm sóc tại Spa bình dân lương tháng 3-4 triệu. Không phải tốn tiền học phí lại được bao ăn ở nên dù lương thấp vẫn tiết kiệm được 50-60 triệu/năm. Sau 4 năm đã đủ vốn mở tiệm.



(7) Bán bánh mì 10 ngàn/ổ, bán xôi 10 ngàn/hộp, súp cua 10 ngàn/ly. Nghe giá bán thấp vậy chứ chịu khó bán nguyên ngày thì mỗi tháng có dư 7-8 triệu là chuyện bình thường. Xôi gà bà chiểu nè, 1 gói tầm 15-20k mà doanh thu mỗi buổi tối tầm 15 triệu rồi.



(8) Trung bình mỗi ngày, một người bán vé số bán được 40-150 tờ và phải đi bộ hơn 20-30 km để bán. Mỗi vé lời chừng 800 đồng thì cũng lời được 3-4 triệu mỗi tháng. Siêng năng hơn 1 tí thì vừa bán vé số vừa bán thêm thẻ cào điện thoại, sim, lời thêm chừng vài chục ngàn mỗi ngày nữa thì cũng không ít rồi.



Vân vân và vân vân, còn rất nhiều việc mà nếu chịu khó siêng năng sẽ có cuộc sống sung túc tạm đủ!



Vậy tại sao Nghèo không đủ ăn đủ mặc, rất hiếm trường hợp do bệnh tật rủi ro, còn đa số xin thưa chắc chắn là:



- Lười Biếng: Chỉ làm vừa đủ, cảm thấy buôn bán, làm lụng nhiều là phí thời gian, phí tuổi trẻ nên chỉ làm đủ ăn, thấy đủ là dừng, không nghĩ cho những ngày “ế ẩm” mà để dành bù qua.



- Nhậu Nhẹt: Làm bao nhiêu đổ hết vào rượu chè ăn chơi. Đây là lý do phổ biến mà chúng ta thường hay biện hộ rằng lương ít cũng hết mà lương cao cũng hết. Nhiều khi ăn chẳng bao nhiêu mà tiền nhậu mới “ngốn” hết tiền kiếm được mỗi tháng.



- Cờ Bạc: “Cờ bạc là bác thằng Bần”, bình thường đã nghèo, chơi thêm cờ bạc thì càng nghèo thêm. Chẳng những tiền kiếm được bị nuốt hết mà còn bị âm vì vay mượn. Cho dù mỗi tháng kiếm hàng chục thì sao, cũng chưa đủ xoay nợ.



- Đẻ nhiều: Mỗi đứa con sinh ra không phải để đó là “trời sinh, trời nuôi” giống như ông bà ta khi xưa vẫn dạy. Giờ đây sinh con tốn vài chục, nuôi con đến 18 tuổi cũng tốn ít nhất gần cả tỷ nếu cộng dồn. Vậy đấy, nhà 1-2 đứa thì xoay nổi chứ, 4-5 đứa thì dù kiếm vài chục cũng khó đủ ăn huống hồ mà giàu.



- Hút sách: Đây là tệ nạn, “vui một phút, hút nghiện một thời, nghèo mạt rệp suốt đời”. Chẳng bao giờ bạn thấy 1 con nghiện có thể giàu, nhưng bạn sẽ thấy người giàu sau khi nghiện đều nghèo đi.



-Đổ thừa hoàn cảnh: Chắc chắn sẽ thấy không ít ngườilàm rất nhiều tiền nhưng lại tự đổ cho mình 1 trách nhiệm to lớn. Nhủ với bản thân là có tiền ra mới có tiền vô, luôn chi nhiều cho các khoản bạn bè, giao tiếp, mời mọc,...rồi rốt cục chính những cuộc hẹn không chọn lọc làm mình nghèo mạt rệp thêm.



- Cho vay: Làm ra tiền nhưng không biết cách giữ tiền, cho vay mượn mà không lấy lại được hoặc ham lãi cho vay lãi cao rồi bị quỵt nợ,...



- Chơi hụi nhưng không biết lựa đúng người cũng bị giựt hụi.



- Chiều con: Cũng là thương con nhưng có người sẽ thương cho roi cho vọt, nhưng lại có quá nhiều người sợ con thua thiệt, sợ con cái mất mặt với bạn bè nên đòi gì cũng cho. Làm bao nhiêu sao mà đủ để cho nó.



- Mua vé số: Nhiều người nghèo mong muốn làm giàu nhanh và trông chờ vào may mắn để đổi đời. Và đặc biệt là hay đổ thừa hoàn cảnh, chửi bới và mong muốn ăn bám xã hội! Vì thế, đối với những người nghèo lại thích mua vé số, vô tình đổ tiền và công sức nghiên cứu, truy tìm cũng khiến mình mãi nghèo.



Lời khuyên:Người Nghèo tôi thường không thương cảm và giúp đỡ từ thiện này kia, bởi vì họ chỉ biết ngửa tay chờ đợi xin xỏ, chứ có cho họ cái cần câu họ cũng chả chịu tự đi câu cá mà ăn, nếu chịu tôi sẽ mua cá của họ giá cao chứ đừng nói cho cần câu!



Các bạn cũng thế, tôi khuyên là thấy người nghèo thì 1 là gợi ý cho họ một công việc tốt hơn để họ có thu nhập tốt hơn, 2 là cho họ lời khuyên về cách sống, thay đổi tư duy của họ để họ có thể ‘tự lực cánh sinh” làm giàu. Chứ giúp được lúc này mai mốt không giúp thì họ vẫn nghèo hoàn nghèo mà thôi



Những ý kiến này do mình đọc được trên 1 trang facebook cá nhân chia sẻ, thấy quan điểm rất đúng đắn nên chia sẻ lại theo những ý kiến của mình. Giờ mình trích nguyên văn 1 câu rất hay mà mình đã đọc là: “Nếu chúng ta cứ uỷ mị thương hại những người Nghèo như thế thì Xã Hội này sẽ không phát triển được! Người Việt Nam cần phải "Đàn Ông" hơn nữa thì may ra!”.