Trong nhiều gia đình Việt Nam, người mẹ thường được nhắc đến nhiều hơn và các ngày lễ hướng về người phụ nữ cũng nhiều hơn. Ngày của Cha được biết đến là ngày 15/6 hàng năm, không phải mọi người đều biết. Thông qua cuộc thi, tôi gửi tới Bố lòng biết ơn, sự kính trọng và thương yêu vô vàn.


Bố tôi là người đàn ông hiền lành, cục mịch. Bố ít nói song tình yêu với gia đình là vô giá. Ngày cơ quan bố giảm biên chế, bố có tên trong danh sách phải về hưu sớm, bố buồn lắm. Về hưu rồi biết làm gì nuôi gia đình trong thời buổi kinh tế khó khăn này, bố trăn trở vô cùng. Thế rồi, từ một kỹ sư, bố chấp nhận công việc bán hàng rong. Bố bắt đầu từ công việc rao bán bánh mỳ từ sáng sớm tinh mơ, một ngày mùa đông rét buốt. Hàng ế ẩm, không có tiền nuôi con, bố tìm được mối bán kem. Vậy là bố trở thành người bán kem Tràng Tiền rong trên những tuyến phố buôn bán sầm uất của Hà Nội. Ngày ngày bố đi lấy kem rồi đi rong bán kem trên chiếc xe đạp cũ kỹ phía sau lưng là thùng xốp. Những ngày hè nóng như cháy da cháy thịt, kem Tràng Tiền bố bán cháy hàng, bố vui lắm, ngược lại những ngày kém oi bức hơn thì kem ế, hay kem chảy anh em chúng tôi hí hửng được ăn còn bố thì buồn vì không có lãi, thậm chí là lỗ vốn. Ngày ấy chưa có nhiều hãng kem như bây giờ, kem Tràng Tiền là kem truyền thống, chỉ những nhà giàu, những người buôn bán lớn mới dám mua kem ăn. Bố là người đầu tiên mua buôn kemTràng tiền về bán rong, người buôn bán, người giàu quen mặt bố. Ngày ấy phương tiện bán kem thô sơ là chiếc thùng xốp, bố học từ những người bán kem khác cách bảo quản kem trong thùng xốp. Nhờ học hỏi, kem của bố ít bị chảy hơn, Bố bán được nhiều kem hơn, tiền lãi thu về nhiều, kinh tế gia đình cải thiện hẳn.


Những năm sau đó, nhiều hãng kem mới xuất hiện, bố tôi nghỉ bán hàng, phần là do kem bán chậm vì nhiều người bán, phần nữa là vì ông nội tôi ốm. Bố là người thường trực chăm sóc ông trong bệnh viện, mẹ và chúng tôi, ngày đi làm, đi học, tối đến thay phiên nhau trông nom ông để bố được nghỉ ngơi. Nhờ chăm sóc tận tình, chu đáo, cuộc sống thực vật của ông nội kéo dài 3 năm rồi mất.


Bố tôi lúc này đã 60 tuổi, bố lại chiến đấu với căn bệnh ung thư tiền liệt tuyến, tiếp đó đến nay là bệnh tiểu đường, cùng với các biến chứng khác. Hàng ngày bố đều đặn uống thuốc theo đơn, hàng tháng bố đi khám bệnh. Thuốc uống chỉ giữ cho lượng đường ổn định ở mức trung bình, bố phải kiêng rất nhiều đồ ăn, thức uống, người bố gầy lắm. Tuổi già, sức yếu, sức ăn của bố cũng thay đổi. Bố ăn không còn thấy ngon miệng nữa. Chúng tôi mua sữa tiểu đường cho bố, động viên bố uống sữa đều đặn ngày 2-3 cốc để bù lại phần dinh dưỡng bị thiếu hụt do ăn kiêng. Trải qua bao nhiêu hãng sữa tiểu đường, bố hợp hơn với sữa DIECERNA của VINAMILK. Cơ thể bố khỏe mạnh hơn, đầy đặn hơn nhờ hấp thu tốt các dưỡng chất thiết yếu.


Thay cho lời biết ơn tới bố là bài thơ “Bố là…” của Nguyễn Thị Lâm


Bố là...


(Nguyễn Thị Lâm – Yên Hòa, HN)


Bố là trụ cột trong nhà


Nắng mưa gánh chịu phong ba cuộc đời


Là hải đăng giữa biển khơi


Đưa con thuyền nhỏ về nơi an toàn


Bờ vai bố rộng thênh thang


Cho con điểm tựa vững vàng tương lai


Bố là ánh nắng ban mai


Cho con soi sáng đêm dài u mê


Bố là vững chắc bờ đê


Cho con ngồi với bạn bè ngắm trăng


Bố là sông rộng mênh mông


Thuyền con thỏa sức vẫy vùng bố ơi


Là chồng yêu của mẹ tôi


Là lời dăn dậy khi tôi ngã lòng


Trời cao biển rộng mênh mông


Cũng không sánh được tấm lòng bố tôi



(Viết tháng 11/2013)