Vì topic kia đã gần 100 trang nên tớ mạn phép các mẹ, mở một topic mới. Link Topic cũ: http://webtretho.com/forum/showthread.php?t=306595



Tóm tắt sự việc:


Chị Béo và nhân dân vs. Mead Johnson Việt Nam


Vào cuối tháng 3/2009, khi hãng Mead Johnson có đợt khuyến mãi lớn mua hộp 650g tặng hộp 200g đối với loại sữa Enfagrow A+ số 3 loại sản xuất tại Thailand và đóng hộp tại Việt Nam, chị Lan đã mua hơn 10 triệu đồng tiền sữa về để cất cho hai bé nhà chị dùng dần. Trong một phút ngẫu hứng, chị Lan mang một hộp sữa 650g đến viện Pasteur để xem liệu thành phần của hộp sữa đó có thật sự như hãng công bố trên vỏ hộp. Kết quả: Trong 6 thành phần được Pasteur kiểm nghiệm, có một số thành phần sai lệch đến không ngờ. Trong đó, khác biệt lớn nhất là chỉ số calcium. Trên vỏ hộp hãng công bố là 560mg canxi/100g bột sữa, theo kết quả của Pasteur thì chỉ số đó là 1260mg/100g bột sữa.


Ngay lập tức, chị Lan đã gửi thư phản hồi đính kèm phản scan của kết quả xét nghiệm đến hãng sữa và yêu cầu có lời giải thích về sự sai lệch các chất có trong sữa Enfagrow A+ số 3 trong vòng 10 ngày. 15 ngày sau hãng liên lạc với chị Lan lần đầu tiên, và đưa ra câu trả lời là: Hãng đảm bảo về chất lượng của sản phẩm sữa Enfa. Sai lệch có thể do phương pháp của viện kiểm nghiệm pastuer khác với phương pháp kiểm nghiệm của hãng, và hãng yêu cầu chị Lan đợi một đợt kiểm nghiệm lại.


Sau gần 3 tháng, cụ thể là đến cuối tháng 6/2009 , với vài lần gặp gỡ và liên lạc giữa đại diện của hãng và chị Lan, thì chị Lan có được câu trả lời rất lòng vòng và kết luận rằng khi sản xuất sữa, thường các chất trong sữa sẽ được hãng đưa vào ở một mức CAO hơn công bố, để khi sữa lùi dần đến ngày hết hạn thì thành phần sữa trở về đúng mức được công bố là... vừa. Phía Mead Johnson cũng đưa cho chị Lan một tờ kết quả kiểm nghiệm sữa Enfagrow A+ số 3 được nói là mẫu lưu tại Thailand, trong đó mức canxi được xác định là 781mg/100g bột sữa và nói rằng do sữa cùng lô với chị Lan đã được bán hết trên thị trường nên họ dùng mẫu lưu ở hãng để thử.


Không hài lòng với câu trả lời đó, chị Lan đề nghị hãng dùng sữa của chính chị đã mua trong đợt khuyến mãi nọ để đi xét nghiệm cho khách quan. Hãng đồng ý nhưng đề nghị để họ tìm được phòng lab tại VN có phương pháp kiểm nghiệm giống như phòng lab ở Thái của họ rồi mới cùng chị Lan mang sữa ở nhà chị đi làm xét nghiệm, đồng thời xin 1 tháng, tức là đến ngày 23/6, để thực hiện quá trình tìm kiếm này. Trong thời gian đó, chị Lan tự mang tiếp một hộp sữa khác đến viện vệ sinh y tế công cộng TP HCM để làm xét nghiệm vì viện này có "phương pháp kiểm nghiệm" giống với phương pháp của hãng. Tại viện này thì có nhiều chỉ số được xác định hơn ở Pastuer, và tất nhiên, lại có thêm nhiều chỉ số nữa sai lệch với nhãn của hộp sữa như như các loại vitamin. Chỉ số canxi viện VSYTCC TPHCM đưa ra vẫn tiếp tục sai lệch so với nhãn, được xác định là 740mg/100g bột sữa. Chị Lan gửi tiếp bản xét nghiệm lần thứ 2 của mình đến hãng Mead Johnson, nhưng ko có câu trả lời.


Ngày 7/7/2009, bạn chị Lan lập một topic ở diễn đàn webtretho để thông báo sự việc đối với các thành viên của diễn đàn này. Chỉ trong vòng 10 ngày, topic “Khi sữa… không như chúng ta tưởng” đã thu hút được khoảng 1000 ý kiến của các thành viên về sự việc.


Một cách thật trùng hợp, ngày 8/7, đại diện của hãng MJ gọi điện hẹn chị Lan cùng làm xét nghiệm sữa một lần nữa.


Đến ngày 17/7, đại diện của MJ hẹn gặp chị Lan vào ngày thứ 2, 20/7 để giám đốc marketing của hãng cùng trao đổi với chị về vấn đề hàm lượng canxi trong sữa.


Chiều ngày 17/7, tổng giám đốc Mead Johnson tại Việt Nam đưa ra lời khẳng định rằng:


- Lượng canxi trong sữa Mead Johnson được xác định là 781mg/100g bột sữa, hoàn toàn nằm trong ngưỡng hãng đã đăng ký với bộ y tế và được phê duyệt.


- Với lượng canxi này thì trẻ ở độ tuổi dùng sữa Enfagrow A+ số 3 sẽ nạp vào cơ thể một lượng là 927mg/ngày, thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng tối đa của canxi là 2500mg/ngày (mức gây ngộ độc).


- Hãng sẽ tiến hành thu thập các thông tin cần thiết để khởi kiện những cá nhân có ý đồ bôi nhọ đến hãng cũng như sản phẩm của hãng trên các phương tiện truyền thông, blog, internet…


Sáng ngày 20/7/2009, đại diện hãng Mead Johnson hủy cuộc hẹn với chị Lan.


Ngày 24/7/2009, hãng Mead Johnson tổ chức một cuộc giao lưu trực tuyến với các thành viên diễn đàn webtretho bao gồm bác sĩ nhi, giảng viên hóa, và đại diện chính thức của Mead Johnson nhằm tư vấn cho người tiêu dùng tại diễn đàn trên về vấn đề canxi trong sữa Enfagrow. Phía Mead Johnson khẳng định như sau:


1. Mặc dù lượng canxi hàng ngày của trẻ từ 1-3 tuổi được FDA, FAO/WHO khuyến nghị là 500mg/ngày, tuy nhiên, lượng 927mg/ngày từ 3 cốc sữa Enfagrow A+ như hãng khuyến cáo không hề gây hại bởi nó thấp hơn ngưỡng ngộ độc 2500mg/ngày rất nhiều.


2. Các phương pháp xét nghiệm khác nhau, dẫn đến các kết quả xét nghiệm khác nhau. Lượng canxi của sữa Enfagrow A+ được hãng xác định là 781mg/100g bột sữa.


3. Hãng đưa ra biên độ dao động được đăng ký với bộ y tế và đã được approve là từ 448mg-1250mg canxi trong 100g bột sữa. Điều đó có nghĩa là tất cả các sản phẩm sữa Enfa nếu có lượng canxi nằm trong khoảng này là đạt, từ hộp có lượng canxi là 450mg đến hộp có 1250mg canxi, bất kể con số hãng công bố trên vỏ hộp là 560mg/100g bột sữa.


4. Hãng từ chối dùng sữa của chị Lan mua để kiểm nghiệm vì cho rằng sữa đó có thể không được bảo quản theo đúng quy định nên ko đạt yêu cầu về chất lượng.


Sau buổi giao lưu trực tuyến, các thành viên webtretho đưa ra nhận xét rằng:


1. Mead Johnson VN không quản lý được chất lượng sản phẩm của mình, nên mới có chuyện sữa có lượng 450mg canxi hay 1250mg canxi cũng đều ổn như nhau cả, và cụ thể hãng cũng không thể khẳng định được sữa của mình có lượng các chất là bao nhiêu nên mới in bừa trên vỏ hộp là 560mg.


2. Mead Johnson VN ko quản lý được chất lượng của chính các nhà phân phối của mình, nên mới cho rằng khi sữa được người tiêu dùng mua về không đạt yêu cầu bảo quản khi từ chối dùng sữa này để xét nghiệm.


3. Mead Johnson VN ko tôn trọng người tiêu dùng khi để sự việc kéo dài quá lâu, và câu trả lời của hãng không hợp lý, không xóa được thắc mắc đối với người tiêu dùng.


Một số thành viên diễn đàn này đang kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Mead Johnson.


Đồng thời, cũng trong buổi chiều ngày 24/7/2009, chị Lan nhận được văn bản trả lời chính thức của Mead Johnson về các thắc mắc của chị cũng với các thông tin như đại diện hãng đưa ra ở buổi giao lưu. Cũng trong ngày 24/7, chị Lan nhận được thư của một văn phòng luật sư tự nhận là đại diện pháp lý của Mead Johnson Việt Nam, trong đó:


1. Buộc chị Lan phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với những thiệt hại của hãng với các hành vi bôi nhọ danh dự của hãng và uy tín của sản phẩm trên blog của chị và diễn đàn webtretho vì những ý kiến đó hàm ý rằng sữa Enfagrow A+ có các thành phần dinh dưỡng và hàm lượng các chất không phù hợp, trong khi sữa Enfagrow A+ hoàn toàn nằm trong tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu đã được đăng ký và chấp nhận.


2. Yêu cầu chị Lan phải tháo các thông tin chị đã đưa ra về vụ việc trên blog và diễn đàn.


3. Cảnh cáo chị rằng hãng sẽ áp dụng các quyền của mình, ko ngoại trừ kiện chị Lan, yêu cầu chị bồi thường tổn thất và đề nghị tòa ban hành các lệnh thích đáng khác.


4. Gián tiếp cảnh cáo các đối tượng ở nước ngoài rằng sẽ làm việc với các nước sở tại đối với các hành vi xúc phạm của họ đối với hãng.


5. Yêu cầu chị Lan phải thông qua văn phòng luật sư nói trên đối với mọi vấn đề liên quan đến Mead Johnson Nutrition Việt Nam.


Về phía mình, chị Lan khẳng định rằng các thông tin chị đưa lên blog cũng như lên diễn đàn là hoàn toàn khách quan, rằng mục đích của chị chỉ là đi tìm một câu trả lời thỏa đáng cho những thắc mắc của mình đối với kết quả xét nghiệm và nhãn mác của Mead Johnson. Chị Lan cho rằng hãng đã và đang không tôn trọng người tiêu dùng trong với cách sử sự của mình trong suốt quá trình chị khiếu nại với hãng.


(sự vụ vẫn đang tiếp tục)


~ Đậu Dế ~