Tâm lý trẻ em theo phân tâm học: chuyện cổ tích và tâm lý trẻ em


Trẻ em bất kỳ nước nào cũng ham thích truyện cổ tích, mà truyện cổ tích của bất kỳ nước nào đều không phải là người thật việc thật, mà toàn là chuyện “hoang đường”, nào là tiên là bụt, khổng lồ và phù thủy; lại còn những câu chuyện thoạt xem như là tàn nhẫn, giết nhau là chuyện thường, oán thù khốc liệt, chết chóc không thiếu. Tại sao trẻ em lại thích thú những câu chuyện như vậy, tại sao những chuyện như vậy được truyền từ đời này sang đời khác, từ nước này sang nước khác, và cho đến nay trong văn học thiếu nhi vẫn không có gì thay thế được.


Câu trả lời của ông BRUNO BETTELHEIM là do những chuyện cổ tích đáp ứng những mối tâm tư sâu sắc của trẻ em: trong các chuyện cổ tích của nhiều dân tộc khác nhau, thường gặp những chủ đề khác nhau, và vì xoay quanh những chủ đề ấy, các chuyện cổ tích đáp ứng được một cách sâu sắc những nguyện vọng hoài niệm của trẻ em. Ông BB. Là một bác sĩ tâm thần chuyên quan sát và chăm chữa trẻ em trong mấy chục năm đã vận dụng những khái niệm phân tâm học để tìm hiểu chuyện cổ tích từ góc độ tâm lý học trẻ em. Chúng tôi xin sơ lược giới thiệu những những khái niệm ấy.



Đối với phân tâm học, cái “tâm” của trẻ em tức là trí khôn, tính tình nhân cách, được hình thành qua một quá trình phát triển nhiều năm với nhiều giai đoạn; quá trình ấy không đơn giản như người ta thường tưởng, mà rất phức tạp, đầy mâu thuẫn. Cuộc sống trẻ em không êm ả vui chơi, chỉ biết ăn chơi như người ta thường nghĩ, mà đầy rẫy những tấm kịch và tâm tư trẻ em cũng đầy rẫy những thắc mắc trăn trở, dằn vặt. Chỉ có một điều là trẻ em khác với người lớn, không nói lên được những mối tâm tư của mình; người lớn phải biết thông qua một vài biểu hiện, suy đoán những điều thắc mắc trăn trở ấy. Chính những tác giả thường là vô danh của các chuyện cổ tích là những nhà tâm lý học tài tình đã đoán trúng, cho nên các chuyện cổ tích được truyền lại lâu đời và mãi mãi được trẻ em ham chuộng. Theo B.B những tác giả truyện cổ tích đã phát hiện những điều mà trường phái phân tâm học sau gần một trăm năm nghiên cứu đã dần dần hệ thống hóa. Ngày nay, nói đến tâm lý trẻ em, có thể đồng ý hay không đồng ý về điểm này hay điểm khác, nhưng không thể biết đến phân tâm học xuất phát từ mấy điểm:


Cái tâm của con người gồm hai khu vực, có thể gọi là hai “cõi lòng”, một bên là hữu thức, hữu ý, một bên là vô thức. Tình cảm và hành vi của con người do phần vô thức quyết định một phần lớn, có hiểu được cái vô thức mới hiểu được con người.


Con người sinh ra mang sẵn những bản năng, những nhu cầu sinh lý cần được thỏa mãn; đó là những xung lực thôi thúc con người có những ứng xử hành vi nhất định. Được thỏa mãn, thì tạo ra những khoái cảm, không được thỏa mãn thì gây ra khó chịu, hẫng hụt ấm ức, như được ăn no hay phải nhịn đói, bị lạnh hay nóng, được vuốt ve hay không, được thỏa mãn tính dục hay không; có một điểm mà người ta ít nghĩ đến nhưng phân tâm học phát hiện ra, là việc tiểu tiện đại tiện được thoải mái hay không thoải mái cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý con người.


Những nhu cầu và bản năng về ăn uống, tính dục, tiểu tiện và nói chung về “xác thịt”, mỗi loại khác nhau, nhưng cùng chung một gốc là thể chất con người, và theo phân tâm học cũng dễ chuyển hoán từ cái này sang cái khác nếu về mặt này không được thỏa mãn thì có thể tìm lối thoát về phía khác. Theo phân tâm học thì bản năng tính dục chiếm ưu thế, chi phối cuộc sống tình cảm của con người. Vì vậy, dù có phân biệt bản năng này bản năng khác phân tâm học tập hợp lại thành một xung lực bản năng chung lấy tên latinh là libido, ta có thể gọi là dục vọng, và sát hơn là nhục dục. Từ bé đến lớn, từ những hành vi hằng ngày đến những tội ác hay những sự nghiệp lớn lao, tất cả đều bắt nguồn từ cội nguồn nhục dục, biến thiên biến dạng muôn hình muôn vẻ.


Thỏa mãn những nhu cầu bản năng này phải vượt qua “thực tế”. Thực tế có hai mặt, một bên là thế giới tự nhiên, một bên là những ràng buộc của xã hội. Trẻ em sinh ra hoàn toàn bất lực, hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người lớn, không phải lúc nào đòi hỏi gì cũng thỏa mãn ngay. Có những đòi hỏi phải trì hoãn, nhiều khi bị cấm đoán, có những tình cảm, ý nghĩ không được phép bộc lộ, tóm lại nhiều tâm tư phải dồn nén xuống, biến thành vô thức. Nhưng vô thức không có nghĩa là vô hiệu, như một dòng nước bị chậm lại, mối tâm tư ấy chóng chầy cũng tìm ra lối thoát dưới nhiều hình thức nhiều khi khá xa lạ. Những nhà phân tâm học đã cố gắng tìm hiểu những cơ cấu và cơ chế tâm lý được hình thành trong vô thức qua quá trình phát triển từ bé đến lớn, trong cuộc sống bình thường cũng như trong trường hợp bệnh lý.


Nhân cách con người khi đã hình thành thì gồm có ba ngôi:
cái ấy, cái tôi và cái siêu tôi
. Cái ấy gồm tất cả những xung lực bản năng thôi thúc đứa bé đòi hỏi được thỏa mãn để tìm khoái cảm; hoạt động của cái ấy hoàn toàn vô thức, chạy theo khoái cảm, không cần biết đến thực tế vật chất hay xã hội. Mới sinh ra, em bé được bố mẹ đáp ứng mọi nhu cầu, nhưng dần dần bố mẹ buộc em bé tuân theo một số ràng buộc. Mâu thuẫn giữa em bé và thực tế dần dần tạo ra cái tôi, em bé cảm nhận về bản chất của mình đối lập với các đồ vật và những người khác, tức cảm nhận được thực tế. Đó là nguồn gốc của cái tôi, sau này chính là cái ý thức của con người, biết suy nghĩ và hành động đòi hỏi của thực tế, chứ không phải theo dục vọng của bản thân. Những cấm đoán, mệnh lệnh, khuyên bảo của người lớn dần dần được nhập tâm, cũng biến thành vô thức chi phối hành vi của đứa bé đó, là cái siêu tôi; lúc này không còn là mệnh lệnh của bố mẹ nữa mà những quy tắc trừu tượng ẩn náu trong vô thức, như là xuất phát tự đáy lòng của đứa trẻ. Không lạ gì, thường xảy ra xung đột mâu thuẫn giữa ba ngôi này, giữa cái ấy, cái tôi và cái siêu tôi.


(Ps: mời theo dõi tiếp bài viết 2)