Sự phát triển trí não của trẻ cho thấy khả năng tiếp thu của chúng hầu như hoàn chỉnh vào thời gian bắt đầu đi học. Cha mẹ hãy giúp trẻ bằng những bài học rèn luyện giác quan cho con từ khi còn nhỏ.


Xúc giác


Đây là cơ quan bao quát hầu hết cơ thể vì các tế bào thần kinh phân bố rộng. Việc hầu hết động vật liếm con sạch nước ối và màng nhầy là sự kích thích xúc giác đầu tiên.


Từ khi bé ra đời, bạn cần tập cho con cảm nhận và làm quen với sự tiếp xúc, vòng tay âu yếm và nụ hôn ngọt ngào. Những trò chơi có liên quan đến thân thể và trực giác như trò trốn tìm, cụng đầu, cùng múa hát nhảy nhót với con là các bài tập tốt cho sự vận động cơ thể toàn diện.


Thị giác


Sự phát triển của thị giác là cả quá trình phức tạp. Thực ra, trẻ phải học cách nhìn. Con bạn cần được kích thích ngay từ khi chào đời bằng những ấn tượng về thị giác để não phát triển và tạo cho trẻ khả năng hiểu được những gì mình nhìn thấy.


Khi mới sinh, trẻ chỉ có khả năng chăm chú vào một vật gì hoặc nhìn vào mặt mẹ chứ chưa có khả năng liếc. Mắt bé điều chỉnh khoảng cách bằng một cơ nằm quanh thủy tinh thể.


Bài tập đầu tiên về thị giác cho trẻ là cho bé nhìn chăm chú vào những vật có màu sắc sặc sỡ và sinh động treo quanh nôi, giường. Não của trẻ sơ sinh không phân biệt được màu sắc chúng nhìn thấy.


Trong năm đầu đời trẻ thích nhất là màu vàng và đỏ. Lớn hơn, trẻ cần bài tập về khả năng phối hợp vận động với thị giác như đá bóng vào lưới, chứa nước trong lòng bàn tay. Nếu thiếu trò chơi này, con bạn sẽ gặp khó khăn khi học cắt và viết, khó phân biệt các vật ở những góc độ khác nhau.


Thính giác


Thính giác của trẻ phát triển rất chậm. Khi mới sinh, trẻ có thể nghe và nhận ra giọng nói của cha mẹ nhưng không hiểu được ý nghĩa của âm thanh.


Để phát triển thính giác và lời nói, trẻ không lắng nghe những âm thanh xung quanh phát ra như thế nào mà tự tạo ra từ ngữ của riêng mình. Giai đoạn này, bạn cần giúp trẻ nhận biết âm thanh.


Ghi nhớ thính giác cũng là một khả năng quan trọng. Đây là yếu tố cần thiết nhất để trẻ có thể nghe, học rồi nhớ những gì mình hay người khác nói. Bạn nên kể một câu chuyện, hát một bài hát lặp đi lặp lại nhiều lần và tập cho trẻ lặp lại. Giai đoạn này bạn cần tránh phát âm sai hay giả giọng đớt để chuyện trò với trẻ ma dùng ngôn ngữ đơn giản.


Nếu không được rèn luyện về thính giác thường xuyên hay không có cơ hội để phát ra âm thanh, nghe nhạc... trẻ sẽ có nguy cơ bị nặng tai.