(Webtretho) Mọi đứa trẻ đều có thể có những nỗi sợ hãi – bé sơ sinh hoảng hốt khi người lạ bế lên, bé vừa biết đi thì sợ chó, bé học lớp ba tự nhiên đau bụng vào ngày đầu tiên đến trường mới… Nhìn con bồn chồn, lo lắng đã đau lòng lắm rồi, nhưng có phải càng đau lòng hơn nếu bạn không biết chắc liệu con mình có đang lo lắng quá mức và cần được giúp đỡ hay không. :-S


Dấu hiệu cho thấy bé đang bồn chồn, lo lắng


Khác biệt giữa lo lắng bình thường với chứng rối loạn lo âu là ở mức độ nghiêm trọng của chúng. Bồn chồn, lo âu là một phản ứng tự nhiên khi gặp hoàn cảnh nguy hiểm hay áp lực; nhưng một đứa trẻ có thể cần phải được chữa trị nếu sự bồn chồn bứt rứt này vượt ra ngoài khuôn khổ bình thường, kéo dài, hoặc nếu nó gây tác động xấu đến cuộc sống và sự phát triển lành mạnh của bé. Nếu bé lo có chuyện gì xảy ra với cha mẹ, bé có thể sẽ không chịu rời cha mẹ ra hoặc khó ngủ; nếu không ngừng lo bị bệnh, bé sẽ thường xuyên tìm kiếm sự đảm bảo, an ủi và rửa tay liên tục…


Một đứa trẻ bị sự lo lắng trấn áp sẽ không nhận ra được rằng hầu hết những nỗi lo ấy là vô căn cứ hoặc đang bị cường điệu hóa, và có thể trẻ không thể hiện những cảm xúc của mình ra được, trừ khi qua hành vi, tìm cách tránh né yếu tố gây ra điều đó. Nếu một đứa trẻ từ chối tham gia vào các hoạt động mà những đứa trẻ khác yêu thích; nếu bé quấy khóc ăn vạ khi chuẩn bị đi khám răng hoặc đi bác sĩ; nếu bé bị bệnh vào tối Chủ nhật, hoặc mất quá nhiều thời gian ở phòng y tế của trường… chứng rối loạn lo âu nghiêm trọng có thể là thủ phạm.



Hãy chú ý nếu con bạn tỏ ra "cực kỳ đau khổ" khi phải xa bố mẹ (Ảnh: Inmagine)



Rối loạn lo âu chia cách


Nếu viễn cảnh bị chia cách với cha mẹ hoặc người chăm sóc khiến đứa trẻ cực kỳ đau khổ, bé có thể đang bị rối loạn lo âu chia cách. Khó khăn trong việc chia ly là bình thường trong giai đoạn thơ ấu, nhưng nó sẽ trở thành rối loạn nếu sợ hãi và lo lắng gây trở ngại cho việc đứa trẻ có những hành vi phù hợp với lứa tuổi như chịu để cho cha mẹ rời khỏi tầm mắt khi được 18 tháng tuổi hoặc chịu đến trường ở tuổi lên 7.


Một đứa trẻ lo lắng chia cách có thể gặp nhiều khó khăn khi nói lời tạm biệt với cha mẹ, khi ở một mình một tầng nhà, hoặc đi ngủ trong căn phòng tối… vì bé sợ điều gì đó sẽ xảy ra với gia đình hoặc với chính bản thân nếu tách rời nhau ra. Bé có thể thấy đau bụng, đau đầu và chóng mặt do lo lắng về chuyện chia ly. Bé có thể tránh né việc đi chơi với bạn bè hoặc đi ăn sinh nhật; ở nhà, bé sẽ bám dính lấy bố mẹ…


Rối loạn lo âu tổng quát


Nếu một đứa trẻ dường như lo lắng quá nhiều, quá thường xuyên về những điều bình thường xảy ra hàng ngày, bé có thể đã mắc chứng rối loạn lo âu tổng quát. Loại lo lắng này thường tập trung vào kết quả học tập hoặc thể thao – “Mình có qua được các bài kiểm tra không?” “Rủi mình chơi không tốt thì sao?” “Mình có đậu vào trường đại học tốt được không?” Tất cả những điều đó có thể khiến trẻ lao đầu vào học hành hoặc luyện tập, tự trở thành “nhà độc tài” với chính bản thân mình.


Trẻ em bị rối loạn lo âu tổng quát không ngừng lo lắng về khả năng đáp ứng các kỳ vọng của mình và có xu hướng tìm kiếm sự bảo đảm để làm dịu nỗi sợ hãi. Stress có thể khiến đứa trẻ cứng nhắc và dễ cáu kỉnh, dẫn đến các triệu chứng thể chất bao gồm mệt mỏi, đau bụng, và nhức đầu.


Chứng ám ảnh sợ hãi


Nếu một đứa trẻ bình thường không hay lo lắng nhưng lại sợ hãi quá mức một đối tượng hoặc tình huống cụ thể, bé có thể đã mắc chứng ám ảnh sợ hãi đặc biệt. Nỗi sợ hãi làm tê liệt cả người này sẽ thể hiện khi bé phải đối mặt với điều đó – chó, chú hề, tiếng động lớn, nước, côn trùng, bóng tối… – một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, chẳng hạn như nhìn thấy một hình ảnh hoặc nghe một bài hát về nó.


Trẻ em bị mắc nỗi sợ cụ thể sẽ dự đoán và tránh né những điều gây nên sự sợ hãi của chúng, đồng nghĩa với việc tự hạn chế mình khỏi nhiều loại hoạt động. Chúng có thể khóc quấy hoặc làm mình làm mẩy lên để tránh các đối tượng gây sợ hãi, hoặc gặp những triệu chứng cơ thể như run rẩy, chóng mặt, đổ mồ hôi.



Trẻ lớn một chút thường bị áp lực mình sẽ bị đánh giá không tốt (Ảnh: Inmagine)



Rối loạn lo âu xã hội


Hầu hết trẻ em đều có lúc nhút nhát hoặc thiếu tự tin, nhưng khi một đứa trẻ (thường là một thiếu niên) quá lo lắng về việc gây ra chuyện đáng xấu hổ hoặc sẽ bị đánh giá tiêu cực, chúng có thể đã mắc chứng rối loạn lo âu xã hội. Sợ gây chuyện gì đó bị người khác chê cười có thể khiến trẻ trở nên không thích đi học hoặc né tránh các tình huống xã hội khác, và khóc lóc hoặc làm mình làm mẩy khi bị bắt đi.


Một số trẻ em mắc chứng lo âu xã hội tập trung ở việc thể hiện trước đám đông – chẳng hạn như phát biểu trong lớp học, gọi món tại nhà hàng hay mua sắm trong các cửa hàng. Một số trẻ khác cũng lo lắng trong các tình huống xã hội ngay cả khi không ở tâm điểm chú ý, khiến sợ đi học, sợ ăn ở nơi công cộng hay sử dụng nhà vệ sinh công cộng.


Cấm khẩu có chọn lọc


Nếu một đứa trẻ nói nhiều trong gia đình nhưng lại hiếm khi mở lời ở trường học và các tình huống xã hội khác, bé có thể bị “cấm khẩu” có chọn lọc. Phụ huynh và giáo viên đôi khi xem sự im lặng này là cứng đầu bướng bỉnh, nhưng thực ra đứa trẻ đã bị tê liệt bởi sự thiếu tự tin.


“Cấm khẩu” có chọn lọc có thể khiến trẻ hết sức khổ sở – bé không thể giao tiếp ngay cả khi đau đớn hoặc cần kíp – và việc này có thể ngăn cản bé tham gia vào các hoạt động của trường lớp hoặc các họat động khác. Một số trẻ dường như đông cứng người lại như con nai bị rọi đèn khi được gọi phát biểu; những trẻ khác sẽ sử dụng cử chỉ, nét mặt, và gật đầu để giao tiếp chứ không chịu nói. Thậm chí ngay cả ở nhà, một số trẻ sẽ rơi vào im lặng khi có mặt bất cứ ai không phải thành viên trong gia đình.


Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)


Nếu một đứa trẻ ngập trong nỗi sợ hãi mãnh liệt và cảm thấy bắt buộc phải thực hiện các nghi thức lặp đi lặp lại để xua chúng đi, trẻ có thể đã mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Trẻ em mắc chứng OCD bị xâm chiếm bởi những suy nghĩ không mong muốn và nỗi sợ hãi (ám ảnh) mà chúng phải tháo gỡ hoặc trung hòa bằng những hành động lặp đi lặp lại (cưỡng chế).


Nỗi ám ảnh thường gặp là sợ dơ bẩn, sợ bản thân hoặc người thân bị tổn hại, sợ chính mình sẽ làm gì đó khủng khiếp. Trẻ rửa tay, khóa đi khóa lại cửa ra vào, hoặc chạm vào các bộ phận trên cơ thể đối xứng nhau để trung hòa sự sợ hãi và làm cho bản thân cảm thấy thoải mái. Chúng cũng có thể liên tục đặt câu hỏi để tìm kiếm sự trấn an, và yêu cầu những người khác tham gia vào các “thủ tục” của chúng.



Hãy kiên trì giúp con vượt qua những âu lo (Ảnh: Inmagine)




Làm gì nếu con của bạn cần giúp đỡ


Bước đầu tiên trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ cho trẻ là định bệnh, bạn nên theo dõi các hành vi khiến bạn lo lắng và thời điểm chúng xảy ra để giúp xác định nguyên nhân khả dĩ. Việc theo dõi và điều trị phải được tiến hành lâu dài chứ nếu chỉ chẩn đoán và điều trị chớp nhoáng không thôi thì không đủ để giải quyết được vấn đề gì cả.


Khi lựa chọn một chuyên gia để điều trị cho con, tốt nhất bạn nên tìm người nào đó được đào tạo để làm việc với trẻ em – một bác sĩ tâm thần trẻ em hoặc thanh thiếu niên có chuyên môn, hoặc một nhà tâm lý học được cấp giấy phép. Các bác sĩ phải giải thích được rõ ràng những gì quá trình điều trị đòi hỏi, hiệu quả của chúng, tại sao đề nghị đưa vào, và mức độ chuyên môn và kinh nghiệm họ từng trải qua với phương pháp đó.


Nguồn: Webtretho (lược dịch)/ Theo Parents