Năm 16 tuổi chỉ cao 1,36m, nhưng sau bốn năm điều trị bằng hormone tăng trưởng, hiện nay chị T.H.Y, 20 tuổi, ngụ tại Cần Thơ, đã cao thêm 22cm. Đây là bệnh nhân thiếu hormone tăng trưởng đầu tiên được điều trị tại BV Đại học Y Dược TPHCM.


Bác sĩ ơi, sao tôi với ông xã đều cao mà con tôi lại thấp thế? Tôi nghe nói hiện có thuốc giúp trẻ tăng trưởng chiều cao, vậy tôi cho cháu dùng được chứ?”. Không ít bà mẹ đã đặt câu hỏi này với bác sĩ Nguyễn Bích Phượng, Khoa Thận Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TPHCM.



Theo dõi biểu đồ tăng trưởng


Trước thông tin có thuốc giúp trẻ tăng chiều cao, nhiều bà mẹ rất muốn cho con mình sử dụng với hy vọng cải thiện chiều cao của trẻ.


Chị N.C.Thanh, 35 tuổi, ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức - TPHCM, nói: “Bây giờ càng cao càng đẹp, nếu sử dụng được tôi cũng mua cho con dùng”.


Bác sĩ Bích Phượng cho biết, thuốc tăng trưởng chiều cao đã có khoảng ba, bốn năm nay tại VN và hiện chỉ có một loại duy nhất sử dụng theo dạng chích. Tuy nhiên, không phải bất cứ trẻ nào cũng sử dụng được, mà thuốc chỉ tác dụng đối với trẻ thiếu hormone tăng trưởng.


Dấu hiệu của thiếu hormone tăng trưởng là hằng năm trẻ phát triển chiều cao ít hơn 4cm. Để phát hiện dấu hiệu này, các bậc cha mẹ cần theo dõi biểu đồ tăng trưởng hằng năm của trẻ. Một điều cần lưu ý là trẻ thiếu hormone tăng trưởng chỉ được phát hiện sau ba tuổi vì trong ba năm đầu trẻ vẫn phát triển bình thường.


Theo bác sĩ Bích Phượng, có nhiều nguyên nhân gây chậm phát triển chiều cao ở trẻ như do thể tạng, di truyền, mắc một số bệnh lý về xương, bệnh lý mãn tính (suy thận mạn, bệnh tiểu đường nhưng kiểm soát không tốt...), bệnh lý nội tiết hoặc suy dinh dưỡng. Vì vậy, sau khi khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ mới kết luận được bệnh nhân có bị thiếu hormone tăng trưởng hay không.


Điều trị càng sớm càng tốt


Tại TPHCM, BV Đại học Y Dược là nơi đầu tiên tiến hành điều trị cho bệnh nhân bị thiếu hormone tăng trưởng. Bác sĩ Trần Quang Khánh, Bộ môn Nội Tiết Đại học Y Dược TPHCM cho biết, hiện nay số người bị thiếu hormone tăng trưởng đến khám bệnh khá nhiều nhưng số người duy trì điều trị lại rất ít.


Từ khi điều trị cho bệnh nhân đầu tiên (năm 2002) đến nay, BV Đại học Y Dược chỉ theo dõi và điều trị được cho 13 bệnh nhân. Nguyên nhân một phần vì giá thuốc rất mắc, phần khác vì nếu không điều trị thì bệnh nhân chỉ không phát triển chiều cao chứ trí tuệ vẫn phát triển bình thường.


Vì thế, theo bác sĩ Khánh, những gia đình không đủ điều kiện kinh tế để theo đuổi điều trị thì nên tập trung cho trẻ học hành. Bác sĩ Khánh nói: “Lùn không phải là một bệnh, đó chỉ là tình trạng chậm tăng trưởng so với với cộng đồng, hơn nữa giá trị của con người không phải dựa vào chiều cao”.


Còn với trẻ thiếu hormone tăng trưởng được gia đình quyết định điều trị thì bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp dùng hormone tăng trưởng thay thế. Bệnh nhân phải chích thuốc năm, sáu ngày/tuần, điều trị càng sớm, chiều cao của trẻ càng đạt gần với những người bình thường.


Thời gian lý tưởng để bắt đầu điều trị là khi trẻ được từ sáu đến tám tuổi. Bệnh nhân phải điều trị liên tục, kéo dài cho tới qua tuổi dậy thì.


Theo bác sĩ Bích Phượng, trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ được theo dõi tốc độ tăng trưởng. Trường hợp không tăng được 2cm/năm, nghĩa là thuốc đã không có tác dụng, khi đó bệnh nhân phải ngưng điều trị.



Chưa gặp tác dụng phụ


Hiện nay, trên mạng có quảng cáo một số loại thuốc làm từ thảo dược uống vào cũng có tác dụng làm tăng chiều cao. Trước thông tin này, bác sĩ Quang Khánh khẳng định, tất cả những loại thuốc tăng chiều cao hoặc kích thích cơ thể tiết ra hormone tăng trưởng dạng uống cho đến nay hoàn toàn không có chứng cứ y học.


Trong suốt quá trình điều trị cho 13 bệnh nhân thiếu hormone tăng trưởng bằng liệu pháp dùng hormone tăng trưởng thay thế, đến nay bác sĩ Quang Khánh vẫn chưa gặp trường hợp nào bị tác dụng phụ.


Tuy nhiên, trên lý thuyết hormone tăng trưởng sẽ có những tác dụng phụ như gây đau khớp, gây trượt chỏm xương đùi, khối u tân sinh, làm tăng đường huyết, tăng áp lực nội sọ lành tính...


Phẫu thuật kéo dài chi có nhiều mặt hại


Theo bác sĩ Nguyễn Bích Phượng, chiều cao của một người phụ thuộc vào ba yếu tố: Di truyền, dinh dưỡng và hormone tăng trưởng.


Trong số này, chỉ có yếu tố gia đình là không can thiệp được, còn dinh dưỡng và hormone tăng trưởng đều tác động được. Về mặt dinh dưỡng, để có thể phát triển chiều cao tối đa, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trưởng Khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 1 cho biết, trẻ cần bảo đảm có một chế độ dinh dưỡng tốt ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ.


Sau khi ra đời, trẻ phải bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu. Ngoài ra, trẻ cần được tắm nắng, ngủ đủ giấc, vận động ngoài trời.


Với người bình thường, muốn cao thêm có một cách là phẫu thuật kéo dài chi. Trước đây, BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM đã thực hiện loại hình phẫu thuật này.


Nhưng theo bác sĩ giám đốc Trần Thanh Mỹ thì BV đã ngưng từ hơn một năm nay vì theo ông kéo dài chi có thể cải thiện về chiều cao nhưng để lại sẹo xấu ở chỗ phẫu thuật, chưa kể đến những tai biến như không lành xương, nhiễm trùng vết mổ.


Hiện BV chỉ phẫu thuật kéo dài chi cho những trường hợp có chỉ định cần thiết như chân thấp-chân cao, bị cắt xương trong trường hợp có u, bướu, v.v...


Theo NLĐ