Bạn đừng cười khi đứa con 3-4 tuổi của mình sợ tiếng giội nước trong bồn cầu hoặc tiếng còi hú. Nên nói chuyện về nỗi sợ của con, bởi vì bé sẽ không bao giờ hết sợ hãi một thứ gì đó nếu như bạn cố tình phớt lờ chúng đi.


Lo lắng là một trạng thái giúp chúng ta đối phó với những kinh nghiệm mới và tránh khỏi các nguy hiểm. Trẻ 3-4 tuổi có nhiều nỗi sợ hãi vì trí tưởng tượng của bé rất phong phú. Bé dễ lo lắng về các nhân vật không có thật, sức khỏe của bé (cả sức khỏe của bạn), cái chết và đau.


Sợ bị đau là một nỗi sợ phổ biến khác của trẻ; đó là lý do tại sao các bé ở lứa tuổi này muốn che đi cả vết trầy xước hoặc vết đứt tay nhỏ nhất. Hầu hết các bé 3 đến 4 tuổi đều hết sợ khi cảm thấy an toàn hơn và quen với môi trường xung quanh. Bạn có thể giúp bé hết lo sợ theo các phương pháp dưới đây:


Thừa nhận nỗi sợ của bé: Nỗi sợ của bé có vẻ như ngốc nghếch và vô lý, nhưng đó là điều có thật và quan trọng đối với bé. Bạn đừng cười khi bé nói rằng bé sợ tiếng giội nước trong bệ xí hoặc tiếng còi hú. Nên nói rằng bạn hiểu bé sợ điều gì. Nếu bạn bảo đảm và an ủi, bé sẽ hiểu rằng không có gì xấu hổ khi sợ hãi một điều gì đó. Hãy nói chuyện về nỗi sợ đó, bởi vì bé sẽ không bao giờ hết sợ hãi nếu bạn cố tình phớt lờ chúng đi.


Bạn sẽ thất bại khi cố gắng thuyết phục rằng điều đó không có gì đáng sợ cả. Bé sẽ buồn hơn nếu bạn nói với bé rằng: “Không có gì phải sợ cả, con chó sẽ không làm con đau đâu”. Thay vì vậy, hãy thử nói rằng “Mẹ biết con sợ con chó. Nào, chúng ta hãy cùng đi qua. Nếu con không muốn vậy thì mẹ sẽ bế con qua.”


Nếu bạn nghĩ rằng nguồn gốc nỗi lo sợ của con xuất phát từ cảm giác giận dữ hoặc lo lắng khi đối mặt với những tình huống mới (như đến nhà một người bạn mới hoặc mới bắt đầu đi học), hãy tìm cách để bé diễn đạt cảm xúc của mình qua các trò chơi tưởng tượng. Hoặc bạn đoán trước cảm xúc của con: “Mẹ biết là đôi khi con muốn bạn ấy đi, nhưng rồi bạn sẽ chơi vui vẻ với con.”


Dùng những đồ vật yêu thích: Một số bé ở lứa tuổi này vẫn thích những đồ vật thân thiết như cái chăn hoặc con gấu nhồi bông sờn cũ. Những đồ vật này có tác dụng an ủi bé khi bé cảm thấy lo lắng, đặc biệt trong thời gian có thay đổi như đi trẻ hoặc ngủ riêng.


Những đồ vật yêu thích giúp bé cảm thấy thoải mái hơn khi gặp người lạ, tham gia một nhóm bạn hoặc đi gặp bác sĩ. Do đó, bạn hãy để bé cầm chiếc chăn hoặc những đồ chơi đặc biệt mà bé yêu thích. Bạn đừng khiến bé cảm thấy mình “trẻ con” khi mang theo những đồ vật đó, hoặc khăng khăng bắt bé để chúng ở nhà. Bé sẽ không cần mang theo những đồ vật này khi được 4 tuổi. Lúc đó, bé sẽ biết dùng cách khác để tự trấn an mình khi hoảng sợ.


Giải thích: Đôi khi bé sẽ hết sợ hãi nếu bạn giải thích nỗi lo sợ của nó một cách đơn giản và hợp lý; nhưng từ ngữ phải có tính thuyết phục hơn so với khi bé 2 tuổi. Bạn có thể giúp bé không sợ lạc giữa đám đông khi nói với nó rằng “Chừng nào con còn ở gần mẹ và nắm tay mẹ, thì con sẽ không bị lạc. Nhưng nếu đột nhiên con lạc mẹ, con phải đứng im ở chỗ này, mẹ sẽ tìm thấy con.”


Nếu những kinh nghiệm trong quá khứ khiến bé sợ hãi, như tiêm phòng chẳng hạn, đừng nói dối hoặc tô vẽ những kỷ niệm đó, nhưng cũng đừng nhắc đi nhắc lại. Hãy nhẹ nhàng nói với con rằng mũi tiêm có thể khiến bé đau đớn lúc đầu, nhưng sẽ nhanh và sau đó hai mẹ con có thể cùng chơi một trò vui. Điều quan trọng là bạn phải ở bên cạnh con trong lúc bé đau để chỉ cho nó thấy rằng, bạn ủng hộ việc tiêm phòng nhưng bạn cũng không bỏ rơi bé.


Bạn còn có thể giúp con tìm hiểu về những thứ khiến bé sợ ở một khoảng cách an toàn; giúp bé khắc phục nỗi lo sợ bằng cách cho xem sách, băng đĩa. Ví dụ, nếu bé ngại đi xe đạp bởi sợ ngã và xước đầu gối, bạn hãy đọc cho nó nghe những câu chuyện kể về một cậu bé tập đi xe đạp thành công mà không bị thương. Tương tự như vậy, bé có thể hết sợ những con quái vật dưới gầm giường nếu được xem một cuốn băng kể về một cậu bé giúp đỡ những con quái vật vui tính và thân thiện. Nếu bé sợ động vật, bạn hãy dẫn bé đi thăm vườn thú, nơi mà mọi người vuốt ve và cho thú ăn.


Cùng nhau giải quyết vấn đề: Nếu con bạn sợ bóng tối, hãy bật đèn sáng. Trong quá trình thử nghiệm và gặp sai lầm, bạn và con sẽ tìm ra cách để giúp bé điều khiển những thứ gây sợ hãi. Bạn đừng mong bé khắc phục nỗi sợ trong một vài ngày. Bé phải mất vài tháng (thậm chí một năm) để vượt qua nỗi sợ đó.


Nên luyện tập thông qua các trò chơi tưởng tượng. Nếu con bạn sợ bác sĩ, bạn hãy để bé đóng vai bác sĩ (cung cấp cho bé một bộ đồ chơi bác sĩ). Nếu con bạn sợ người lạ, bạn hãy để bé chạm trán với những con búp bê hoặc những con giống nhồi bông. Nếu bé sợ các nhân vật phù thủy, bạn hãy cùng bé mặc những bộ quần áo của các nhân vật đó và vẽ mặt cho giống.


Các bé từ 3 đến 4 tuổi còn học trấn an bằng cách chơi với bạn bè. Khi bé có một số bạn thân cùng chơi cải trang giống những con quái vật huyên náo hoặc làm một ngôi nhà ma, bé cảm thấy đó là những hoạt động vui vẻ chứ không phải đáng sợ.


Bạn đừng tỏ ra sợ hãi. Nếu bé nhìn thấy bố mẹ cũng sợ đi máy bay, hoặc co rúm người lại khi đi vào phòng khám răng thì sau đó nó cũng sợ những thứ này. Do đó, hãy cố gắng vượt qua những nỗi sợ của chính bạn, hoặc ít nhất thì bạn cũng đừng thể hiện nỗi sợ ấy ra.


Tuy nhiên, có thể thú nhận với bé rằng bạn không thích gặp nha sĩ giống như bé, nhưng vẫn đi khám để giữ răng khỏe mạnh. Khi bạn thú nhận như vậy, bé sẽ cảm thấy mình không cô đơn và điều đó giúp bé sẽ biết cách vượt qua nỗi sợ.


Nếu nỗi sợ của con bạn lặp lại thường xuyên, chi phối các hoạt động bình thường hằng ngày (chẳng hạn không muốn đi ngủ do sợ bóng tối, hoặc không chịu ở nhà vì sợ nhìn thấy con chó), nên thảo luận với bác sĩ nhi, đặc biệt là khi bé ngày càng trở nên sợ hãi hơn. Bé có thể bị ám ảnh thật sự; nỗi ám ảnh đó là một nỗi sợ vô lý, dai dẳng và khi đó, bạn cần đến sự giúp đỡ của các nhà tâm lý.


Theo Lamchame.com