Lâu rồi tôi mới vào mục tâm sự, đọc nhiều bài nào là chuyện xích mích mẹ chồng nàng dâu, chồng đánh vợ, ngoại tình,...thấy buồn cho nhiều cảnh đời, nhớ lại những khó khăn đã trải qua, tôi bỗng muốn được chia sẻ với các mẹ câu chuyện của mình. Cho đến hiện nay thì tôi vẫn tin Hạnh phúc có thể được tạo ra từ nỗ lực của bản thân. Có thể một phần là may mắn, nhưng hãy cứ cố gắng rồi "trời sẽ chẳng phụ lòng người".



"Tôi sinh ra và lớn lên trên 1 con ngõ nhỏ, nơi ghi dấu tích oai hùng & bi thương của những ngày B52 Mỹ dội bom Hà Nội, nơi được mệnh danh là “đáy của xã hội”.



Tuổi thơ tôi được sống trong hạnh phúc có lẽ chỉ hết năm 2 tuổi theo như lời mẹ kể. Cuộc sống gia đình bắt đầu xuống dốc không phanh kể từ khi đó, khi mà bố tôi đã bước sang năm nghiện (thuốc phiện) thứ tư, khi mà ma túy trở thành cơm bữa của bố, và thu nhập từ đồng lương công nhân xây dựng ít ỏi không còn đủ chi trả cho các “bữa cơm” này. Bố cũng không còn đủ sức khỏe để làm công việc xây dựng vốn kén lao động, kể cả không nghiện thì cũng không nhiều người có thể làm công việc nặng nhọc đó. Để duy trì “cơm” ngày 4 bữa của bố, mẹ chắt chiu từ khoản dành dụm sửa căn nhà cấp 4 dột nát để bố mua 1 chiếc xích lô chở khách. Vậy là ước mơ sửa lại căn nhà dột nát đành gác lại. Thu nhập từ chiếc xích lô cũng không đủ cho các “bữa cơm” ngày một tăng liều của bố, mẹ phải còng lưng làm đủ nghề sau giờ làm việc tại công trường.



Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thể hiểu nổi mẹ lấy đâu ra sức lực để chống chọi suốt ngần ấy năm, sáng dậy từ 4h để đồ xôi bán sáng, đến 8h đi làm, 5h chiều về lại tất tưởi lên chầu trực ở cửa hàng bia mậu dịch, năn nỉ mấy cô bán hàng để được mua nhiều hơn 2 cốc/ lần, xếp hàng nhiều lần để có khoảng 3 chục cốc bia bán lại cho khách ngại xếp hàng, 8h tối lại kê vài chiếc ghế con ngoài hè khi thì ốc luộc, khi thì nộm, khi thì bánh tôm, bánh gối. Trong ký ức tôi vẫn còn nhớ như in cái cảnh 3 anh em lít nhít ngồi ngoài bậc cửa đợi mẹ về mỗi tối muộn (bố mẹ tôi 4 năm sinh 3 anh em nên chúng tôi chỉ hơn kém nhau 1,2 tuổi), có hôm thấy bóng mẹ từ xa đã trào nước mắt vì tủi thân. Mẹ đi từ sáng sớm đến tối mịt, bố thì mải mê xoay trần với các “bữa cơm” của mình, nên anh em chúng tôi cứ lớn lên như cỏ dại giữa những vòng xoáy của “đáy xã hội”, một ngày bố “ăn” 4 bữa thì 4 lần chúng tôi phải thay nhau “vào động” mua “cơm” cho bố, tuy còn nhỏ nhưng chúng tôi cũng đã biết xấu hổ và lo sợ mỗi lần vào đó, lúc nào cũng phải đi lòng vòng mấy lần để khi nào không thấy có người đi qua khu vực đó thì mới dám vào, “cơm” nó nhỏ lắm màu nâu nâu cánh gián, gói trong 1 tờ giấy xi măng chỉ như con giun nhỏ, có lần sơ ý tôi làm rơi mất và ăn no đòn.



“Cơm” của bố ngày một tăng liều tỉ lệ nghịch với số tiền bố kiếm được từ việc đạp xích lô và tỉ lệ thuận với những trận đòn bố dành cho mẹ khi mẹ không đáp ứng được số tiền bố cần, cái bát điếu bay vào mặt, cái ghế vào đầu, vào lưng, vào bất cứ chỗ nào trên cơ thể mẹ, đòn roi trút xuống chúng tôi cũng ngày một nhiều hơn vì chúng tôi che cho mẹ hay chỉ đơn giản là chẳng có lý do gì. Của nả trong nhà cũng đội nón đi dần, quạt điện, bàn là, giường, tủ,… cảnh anh em chúng tôi dắt díu đợi mẹ cách nhà vài chục mét hàng đêm để tránh đòn roi của bố cũng ngày một nhiều thêm, số lần chúng tôi phải xúc gạo để đổi “cơm” cho bố tỉ lệ thuận với những cơn đói cồn cào."



(còn tiếp)