THANH ĐIỆU

Thơ, khác với văn, phải được giàu về nhạc. Bởi thế, để có nhạc, một bài thơ cần phải được điều chỉnh theo ba yếu tố: thanh, điệu và vần. Vần, vì là một vấn đề quan trọng, dành để bàn riêng, nên trong một chương này xin hãy nói về thanh và điệu.

Điệu là nhịp, vậy thi điệu tức là âm tiết của một bài thơ. Cái âm tiết đó dài hay ngắn thật không nhất định: có khi nó ngắn 4 hay 5 chữ, có khi nó dài 7 hay 8 chữ. Ngoài ra, ngay trong một bài thơ, nó lại có thể dài ngắn khác hoặc như nhau:

+ Nếu như nhau mà 7 chữ thì đó là bài thơ theo thể thất ngôn

+ Nếu như nhau mà 5 chữ thì…ngũ ngôn

+ Nếu khác nhau cứ 6 chữ rồi 8 chữ thì…lục bát

+ Nếu khác nhau cứ một 6, một 8, rồi hai 7 thì…song thất lục bát

+ Mà nếu khác nhau ngoài mọi quy thức thì đó là bài thơ phá thể, âm tiết dài ngắn không kỳ.

Cái âm tiết đó, tự nó, lại chia ra làm 2 hoặc 3 nhịp ngắn. Những nhịp ngắn này-vì mỗi âm tiết của bài thơ nằm gồm trong mỗi câu thơ – được người ta gọi là điệu của câu hay là cú điệu. Nếu chỉ nói riêng về một lối thơ thất ngôn Đường luật, thì cú điệu thường chia ra hai nhịp, trước 4 sau 3:

Từng mây lơ lửng + trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co + khách vắng teo

(Yên Đổ)

…và một đôi khi, trước 3 hay sau 4:

Văn Hà Tĩnh + chuyện đời Gia tĩnh

Nhớ Át Kiều + thương nghiệp Thúy Kiều

(Vũ Hoàng Chương)

Còn vào trường hợp chia ra 3 nhịp thì trước 2, giữa 2, sau 3:

Bắc yến + nam hồng + thư mấy bức

Đông đào + tây liễu + khách đôi nơi.

(Chiêu Lỳ)

…và một đôi khi trước 1, giữa 3, sau 3:

Ồ + vui vẻ nhỉ + đàn con nít

Khéo + nhởn nhơ thay + lũ gái măng

(Vô danh)

…hoặc trước 2, giữa 3, sau 2:

Vạn thuở + đắng cay gì + đỏ vũ

Một cành + yên ổn chứ + tiêu lieu

(Vũ Hoàng Chương)

Tuy nhiên, chia thì chia vậy, mà ai cũng phải nhận rằng trong lối thơ thất ngôn, cái tinh thần cú điệu bao giờ cũng xui người ta ngắt nhịp ở chữ thứ tư, một chỗ quan trọng nhất trong câu có tên là “gối hạc”

Đó là nói về điệu, còn nói về thanh thì cũng như tiếng Tàu, tiếng ta có 8 thanh độ chia làm hai loại:

Loại bình:

Thượng bình (chữ không có dấu: tan)

Hạ bình (chữ có dấu huyền: tàn)

Loại trắc:

Thượng thượng (chữ có dấu sắc nhưng không có hậu phụ âm): t p c ch: tán)

Hạ thượng (chữ có dấu ngã: tãn)

Thượng khứ (chữ có dấu hỏi: tản)

Hạ khứ (chữ có dấu nặng nhưng không có hậu phụ âm t p c ch: tạn)

Thượng nhập (chữ có dấu sắc và có hậu phụ âm t p c ch: tác)

Hạ nhập (chữ có dấu nặng và có hậu phụ âm t p c ch: tạc)

Về 8 thanh độ ấy, người Việt Nam bây giờ rất dễ nhận biết, nhờ ở 5 dấu sắc huyền hỏi ngã nặng và 4 hậu phụ âm t p c ch như đã chỉ rõ trên đây. Nhưng đối với các cụ ta hồi trước thì đó lại là một việc nhiêu khê. Các cụ, để biết thanh độ của tiếng nói, đã phải thuộc làm lòng một câu tỉ hiệu nào đó, rồi mỗi khi cần biết thanh độ của một tiếng thì đem câu tỉ hiệu ấy so xem. Chẳng hạn câu tỉ hiệu là “sô sồ số sỗ sổ sộ sác sạc” mà chữ phải tìm biết thanh độ là chữ CHIẾT thì các cụ sẽ: vừa nhẩm đọc nhiều lần câu tỉ hiệu ấy vừa phát âm nhiều lần chữ chiết để cân nhắc xem thanh độ của chữ này giống với thanh độ của chữ nào trong câu tỉ hiệu; và đến khi nhận thấy chiết giống sác, sẽ biết chiết có thanh độ thượng nhập cũng như sác vậy.

Nhưng tìm biết thanh độ của mỗi tiếng để làm gì? Trước hết, để theo được đúng thanh luật và niêm luật, sau nữa để gây được nhiều thi nhạc trong lúc điều chỉnh âm thanh.

Hãy nói về thanh luật và niêm luật mà người ta thường gọi tắt là luật và niêm; niêm là luật về thanh (bình hay trắc) trong sự phối hợp của tất cả các câu thơ, còn luật là luật về thanh (bình hay trắc) của riêng một câu nào đó.

NIÊM

Trong 1 câu thơ thất ngôn, chữ thứ sáu tức chữ đứng trên chữ chót (1) nếu ở thanh bình thì câu thơ đó theo bình luật, nếu ở thanh trắc thì câu thơ đó theo trắc luật. Thí dụ:

Câu thơ trắc luật: Tạo hóa gây chi cuộc Hí trường

Câu thơ bình luật: Đến nay thấm thoát mấy TINH sương.

Đã biết một câu thơ theo bình luật hay trắc luật, ta sẽ theo niêm mà đặt định các câu thơ:

+ Câu 1, câu 4, câu 5, câu 8, phải cùng một cú luật

+ Câu 2, câu 3, câu 6, câu 7 phải cùng một cú luật khác với cú luật của những câu kia.

Vậy nếu gọi tắt câu trắc luật là T, câu bình luật là B, thì 8 câu trong bài sẽ xếp đặt theo thứ tự: TBBTTBBT hoặc BTTBBTTB. Và như thế, ta đã thấy có 2 thể luật: thể luật mà câu đầu theo bình luật gọi là thể luật bằng hay thơ luật bằng; thể luật mà câu đầu theo trắc luật gọi là thể luật trắc hay thơ luật trắc.

LUẬT

Trong một câu thơ,  bất cứ câu nào, cũng có những chữ cố định hoặc bất luận về thanh loại. Ở một câu thất ngôn, ta thấy:

  1. Chữ thứ nhất hoàn toàn bất luận. Thí dụ: chữ tạo có thể đổi ra thanh bình trong câu “Tạo hóa gây chi cuộc hí trường”
  2. Chữ thứ hai thứ tư thứ sáu cố định, và phải là +B+T+B+ nếu ở một câu bình thể, phải là +T+B+T+ nếu ở câu trắc thể. Thí dụ: “Tạo hóa gây chi cuộc hí trường” “Đến nay thấm thoát mấy tinh sương”
  3. Chữ thứ ba bất luận: nhưng vào trường hợp một câu thơ trắc thể có thể vận ngữ thì nó cố định và ở thanh bình. Thí dụ: chữ gây không thể đổi ra thanh trắc trong câu “Tạo hóa gây chi cuộc hí trường”, chữ thấm có thể đổi ra thanh bình trong câu “Đến nay thấm thoát mấy tinh sương”, chữ bền có thể đổi ra thanh trắc trong câu “Đá vẫn bền gan cùng tuế nguyệt”
  4. Chữ thứ bảy phải áp vận, và trừ những trường hợp ngoại lệ thì bao giờ cũng trái thanh loại với chữ thứ năm. Do đó, nếu kể thứ tự từ câu đầu xuống câu chót, ta sẽ thấy: BBTBTBTB.

Luật và niêm thì như vậy, nhưng để có thi nhạc, thi nhân lại phải biết sử dụng thanh độ đến được chỗ toàn năng; như đã nói, niêm luật chỉ bảo người ta phân biệt có hai thanh loại trắc và bình, song mỗi tiếng có đến tám thanh, độ bổng trầm chứ đâu phải chỉ riêng bình và trắc? Vậy kẻ làm thơ không thể cứ khư khư ở một chỗ luật và niêm, cần phải biết vượt hẳn ra ngoài lề lối ấy bằng cách tìm hiểu cái đại vị khinh hay trọng của mỗi chữ trong câu. Và đây, mỗi câu có 7 chữ, thì:

+ Trọng nhất là chữ thứ bảy (vì nó ở cuối câu, nghĩa là cuối âm tiết)

+ Trọng thi là chữ thứ tư (vì nó chữ gối hạc, nghĩa là tiếng cuối một nhịp quan trọng của âm tiết)

+ Trọng ba là 2 chữ thứ hai và thứ sáu (vi nó là hai cái đòn cân về thanh độ đặt hai bên chữ gối hạc: chữ gối hạc nếu bổng thì nó trầm, nếu trầm thì nó bổng)

(Chú ý: Bốn chữ trên đây đều là những chữ có thanh độ cố định)

+ Khinh là 3 chữ thứ nhất thứ ba thứ năm (vì trừ những trường hợp ngoại lệ, nó chỉ là chữ cần phải đọc liền hơi với những chữ đứng sau nó). Tuy nhiên giữa nó với nó, theo cái định luật “trên khinh dưới trọng”, cũng có sự trọng khinh: chữ 1 hoàn toàn không đáng kể (hoàn toàn bất luận), chữ 3 cũng đáng kể một đôi khi (một đôi khi cố định), còn chữ 5 thì nhiều khi đáng kể (rất ít khi bất luận).

Đã biết các địa vị trọng khinh của mỗi chữ, dưới đây tôi xin nêu ra ít trường hợp mà ta nên cân nhắc kỹ hai mực trầm bổng của thanh bình, một thanh loại rất cần phải phân biệt về thanh độ:

  1. Thi nhạc sẽ nghèo nàn, nếu trong 1 câu thơ trắc luật và có vận ngữ, vận ngữ và chữ thứ tư cùng 1 thanh độ thượng bình:

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

(Yên Đổ)

  1. Nhất là cùng một thanh độ hạ bình:

Từng cúc tuy mừng hãy đặng còn

(Thủ Khoa Huân)

  1. Nếu năm vận ngữ cùng một thanh độ thượng bình:

Già yếu xa xôi bấy đến nay

Làng chơi loáng thoáng lại buồn thay

Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá

Sư cụ năm chung với khói mây

Dặm thế ngõ đâu từng trúc ấy

Thuyền ai khách đợi bến dâu đây.

Chuông trưa vắng tiếng người không biết

Trâu thả sườn non ngủ gốc cây

(Yên Đổ)

  1. Nhất là nếu cùng một thanh độ hạ bình:

Sao bỗng đem thân bỏ chiến tràng

Ba quan xao xác ngọn cờ hàng

Sá chi bèo bọt tôi vì nước

Thẹn với non sông thiếp phụ chàng

Cung oán nỉ non đàn bạc mệnh

Duyên may dun dủi lưới Tiên đường

Mười lăm năm ấy người trong mộng

Chẳng những là đây mới đoạn trường

(Chu Mạnh Trinh)

  1. Nếu trong một câu thơ bình luật và có vận ngữ, hai chữ cuối câu cùng một thanh độ hạ bình:

Ba quân xao xác ngọn cờ hàng

(Chu Mạnh Trinh)

  1. Nếu trong một câu thơ bình luật và có vận ngữ, vận ngữ và chữ thứ hai cùng một thanh độ hạ bình:

Suối vàng ai nhắn hộ đôi lời

(Chiêu Lỳ)

*P/S:  NXB Nguyễn Hiến Lê - 08/11/1957

hình ảnh