Như bao ngày, sau khi hoàn tất công việc, Nghĩa lại đi sâu vào một quán cà phê sân vườn nằm trong hẻm nhỏ gần công ty anh. Không gian quán rộng với nhạc không lời và khá yên tĩnh. Nghĩa ngồi một mình trong quán, từ từ thưởng thức ly cà phê nóng và nhìn lại những tấm hình cả lớp anh chụp với nhau ngày tốt nghiệp. Lòng Nghĩa bồi hồi khi nhớ lại bao kỷ niệm thời sinh viên. Nghĩa lưu giữ đầy đủ toàn bộ hình ảnh chụp từ hồi năm nhất đến khi ra trường trong điện thoại di động, một số ít được lưu trong chiếc máy ảnh mà anh coi là “vật bất ly thân” của mình.



Lướt qua những bức ảnh được chụp hồi lớp Nghĩa sinh hoạt Đoàn ở Bến Nhà Rồng, có một bức anh đứng cạnh với một người con gái. Nhiều lần Nghĩa đã định xóa bức hình này, nhưng anh biết nếu làm vậy cũng không giúp anh quên được những điều cần phải quên. Đến giờ, anh vẫn nhớ như in khoảnh khắc đầu tiên đó.



Hơn một năm về trước, trong một ngày tháng 4, Nghĩa và những người bạn cùng lớp tổ chức một buổi tiệc liên hoan để ăn mừng việc hoàn thành xong bài tập nhóm của cô chủ nhiệm. Do muốn có một bữa no say thật đặc biệt nên cả nhóm quyết định hẹn nhau tại một quán nhậu ở Quận Gò Gấp.



Nghĩa chạy xe từ nhà đến quán nhậu mất gần 2 tiếng. Xui cho Nghĩa là khi gần đến nơi thì chiếc xe máy lâu năm bất ngờ bị chết máy. Dưới cái nóng oi ả của Sài Gòn, Nghĩa dắt bộ chiếc xe vô công viên Gia Định để nghỉ mệt. Nghĩa coi đồng hồ thì thấy đã hơn 12 giờ trưa. Trong lúc đang bực bội không biết xử lý chiếc xe như thế nào thì Nghĩa thấy bên kia đường có một cửa hàng sửa xe máy. Nghĩa thở phào nhẹ nhõm rồi tức tốc đứng dậy. Dòng xe từ các phía càng lúc càng đông khiến việc dắt xe qua lộ của Nghĩa không nhanh như anh tưởng.



Cùng lúc đó, Huyền từ phía sau đi tới. Tay Huyền cầm một túi quần áo rất to. Vì đường vẫn còn đông xe qua lại nên Nghĩa lùi xe mình lên lề. Nhìn Huyền, Nghĩa nghĩ chắc Huyền cũng là người qua đường như mình. Nhưng khi quan sát Huyền bước đi thẫn thờ xuống vạch kẻ đường rồi đứng yên đó, tự nhiên Nghĩa linh cảm sắp có chuyện không hay sẽ đến với cô gái này. Từ đằng xa, Nghĩa thấy nhiều chiếc xe đang lao tới với tốc độ rất cao, còn Huyền thì vẫn bước đi bước dừng không để ý gì đến xe cộ xung quanh. Lo sợ Huyền gặp nguy hiểm, Nghĩa lao nhanh ra và gọi lớn:



- Nè, em gì đó ơi! Em có làm sao không?



Nghe tiếng Nghĩa, Huyền loạng choạng như muốn ngã xuống. Nghĩa đỡ Huyền đứng dậy và dìu Huyền vô ngồi trong công viên. Nghĩa nói:



- Vừa rồi nếu tôi không nhắc là em gặp nguy hiểm rồi đấy. Đoạn đường này giao thông phức tạp lắm, khi băng qua em phải tập trung hơn chứ.



Huyền như người mất hồn, gương mặt cô phờ phạc và ủ rũ. Cô ngồi khóc nức nở chẳng nói một câu. Nghĩa đoán chắc cô gái này vừa mới trải qua một cú sốc nào đó rất lớn nên mới đau khổ như vậy. Nghĩa để Huyền bình tĩnh lại một hồi rồi hỏi:



- Em tên gì vậy?



- Huyền! – Huyền trả lời cụt ngủn.



Nghĩa hỏi tiếp:



- Em còn đi học không?



Lúc này, khi đã nhẹ lòng hơn một chút, Huyền mới nói chuyện có đầu đuôi. Giọng nói của cô lạnh lùng:



- Tôi đang học năm nhất trung cấp kế toán, nhưng tôi sắp phải nghỉ học rồi.



- Tại sao vậy? – Nghĩa thắc mắc.



- Tôi còn nợ tiền học phí của trường. Bây giờ, tôi không biết làm gì để kiếm tiền. Tôi cũng bị đuổi ra khỏi nhà trọ luôn rồi. Tôi không biết mình phải đi về đâu nữa.



- Ba mẹ của em đâu? Sao em không nói ba mẹ em gửi tiền cho em?



Những giọt nước mắt của Huyền lại tuôn ra. Cô không kiềm nén được lòng mình mỗi khi nhớ về ba mẹ.



- Gia đình tôi ở ngoài Quảng Ngãi, cuộc sống rất khó khăn. Ba mẹ tôi hiện giờ phải đi làm thuê rất vất vả, tôi không muốn ba mẹ phải mệt mỏi hơn nữa.



Nghĩa ngạc nhiên khi biết Huyền là đồng hương với mình. Một sự trùng hợp kỳ lạ khiến Nghĩa bắt đầu thấy muốn nói nhiều điều hơn với cô.



- Vậy từ lúc vào Sài Gòn, tiền ở đâu để em trang trải cuộc sống?



Huyền giải bày mọi chuyện nhưng vẫn che giấu cái thai trong bụng mình vì sợ Nghĩa chê cười:



- Tôi ở chung nhà trọ với người yêu nên mọi thứ đều được anh ấy lo hết. Bây giờ thì chia tay rồi, anh ấy bỏ tôi ra đi nên tôi không còn ai để ở bên cạnh lo cho mình nữa.



- Ồ! Thì ra là vậy
– Nghĩa tỏ vẻ hơi bất ngờ.


Ngồi cạnh Huyền được nửa tiếng, cảm thấy mình không giúp được gì cho Huyền nên Nghĩa không nói gì thêm. Giờ nhập tiệc với nhóm bạn đã tới, Nghĩa vội vàng dắt xe đi sửa để kịp tới điểm hẹn. Huyền ngồi lại công viên với tâm trạng u sầu, cô quá chán nản và không biết tìm ai để giúp đỡ mình.



Buổi đi chơi của Nghĩa và nhóm bạn kết thúc khá muộn sau một màn nhậu linh đình và đi hát karaoke. Trên đường chạy về nhà, ngang qua công viên Gia Định, Nghĩa nhìn vào thì thấy Huyền vẫn đi lang thang một mình. Nghĩa liền kêu Huyền:



- Giờ này mà em còn ở đây nữa à? Anh tưởng là em đi lâu rồi chứ.



Huyền đi lại chỗ Nghĩa. Đôi mắt Huyền ướt đẫm, giọng nói của cô như nghẹn lại:



- Tôi biết đi đâu đây? Trong túi tôi bây giờ chỉ còn lại ít tiền thôi. Tôi không có bạn bè nào thân thiết để tìm đến hết.



- Không lẽ em định ở công viên hết đêm nay luôn sao?



Huyền kêu Nghĩa đi về và đừng để ý chuyện của cô nữa nhưng Nghĩa vẫn một mực ở lại công viên cùng cô. Nghĩa rất muốn giúp Huyền nhưng vẫn còn lấn cấn một điều gì đó. Nghĩa nghe điện thoại, mẹ anh gọi hỏi xem khi nào anh về nhà. Vì đã khuya và thấy thương cho hoàn cảnh của Huyền, Nghĩa mới hỏi Huyền có đồng ý để anh dẫn cô đi tìm chỗ ở không.



Huyền không suy nghĩ gì nhiều, trong tích tắc cô gật đầu đồng ý ngay dù không biết Nghĩa là người tốt hay xấu. Vào lúc bế tắc không ai bên cạnh, điều mà Huyền cần nhất đó chính là một bờ vai để cô dựa vào, và Nghĩa tình cờ xuất hiện đúng lúc mang đến cho cô sự ấm áp, sẻ chia. Chính điều này làm Huyền tin Nghĩa sẽ không làm chuyện gì tổn hại đến cô.



Huyền lên xe đi về cùng Nghĩa. Nhà Nghĩa nằm ở Quận 9, gia đình anh đã chuyển vào Sài Gòn sinh sống khi anh học lớp 10. Ông Hùng – ba anh – là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản, còn mẹ anh – bà Mai – là một giáo viên đã về hưu, hiện bà đang làm chủ một shop thời trang nhỏ. Nghĩa còn một người em trai đang du học ở nước ngoài. Là con trai trưởng được sự giáo dục nghiêm khắc của ba mẹ từ nhỏ nên không bao giờ Nghĩa dám làm điều gì trái ý ba mẹ mình. Cả trong chuyện tình cảm nam nữ, Nghĩa cũng ít khi thổ lộ với ba mẹ vì sợ bị phản đối. Vậy mà bây giờ anh lại dám dắt một người con gái mới quen chưa rõ tính tình về nhà. Nghĩa không biết bản thân mình có đang làm một chuyện điên rồ hay không.



Cả hai tới nơi lúc 10 giờ tối. Khi Nghĩa dừng xe lại, một căn biệt thự sang trọng hiện ra trước mắt Huyền khiến cô choáng ngợp. Nhìn chiếc Wave cũ kỹ và vẻ ngoài giản dị của Nghĩa, cô không nghĩ Nghĩa lại là con trai trong một gia đình giàu có. Trước khi bước vào trong nhà, Nghĩa nói với Huyền vài điều:



- Đêm nay Huyền cứ ở lại nhà tôi. Mà Huyền nhớ lời tôi dặn, đừng để cho ba mẹ tôi biết chuyện của Huyền.



- Em biết rồi, nhưng liệu ba mẹ anh có cho em ngủ lại đây không?



- Huyền yên tâm đi, chỉ là ở tạm đêm nay thôi, ba mẹ tôi không nói gì đâu. Ngày mai, tôi sẽ tranh thủ đi tìm nhà trọ cho Huyền.



Trước vị khách lạ mặt đi cùng Nghĩa, ông Hùng và bà Mai tỏ ra bất ngờ. Họ tưởng đứa con trai cưng đem bạn gái về ra mắt. Bà Mai lên tiếng:



- Con trai của mẹ hôm nay dắt người yêu về cho ba mẹ xem mắt đấy à!



Nghĩa cười và liền giải thích:



- Mẹ hiểu lầm rồi, đây là Huyền, bạn của con chứ không phải người yêu như mẹ tưởng tượng đâu!



Huyền chào ba mẹ Nghĩa rồi ngồi xuống ghế. Cô cảm thấy không thoải mái và khá e dè. Nghĩa giới thiệu Huyền cho ba mẹ anh:



- Dạ, Huyền và con học chung trường đại học, Huyền kém con 4 tuổi. Tụi con quen nhau lúc tham gia Câu lạc bộ Văn nghệ xung kích trong trường. Quê Huyền cũng ở Quảng Ngãi đó ba mẹ.



Biết Nghĩa có bạn cùng quê, bà Mai vô cùng vui mừng. Bà hỏi Huyền:



- Thì ra hai đứa là bạn thân của nhau. Trước đây, gia đình cô ở trong thành phố Quảng Ngãi, còn con?



- Nhà con ở huyện Mộ Đức thưa cô.



- Mà con học năm mấy rồi?



Huyền ấp úng không biết trả lời bà Mai như thế nào. Nghĩa lập tức “nhảy ngang vào”:



- Huyền đang học năm nhất đó mẹ, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sắp tới có thể Huyền sẽ nghỉ học.



- Thương cho con quá! Nhìn con đẹp gái, thông minh như vậy mà. Thôi ráng lên con, bây giờ con nghỉ học nửa chừng thì con sẽ mất cả tương lai sau này đó. Nếu khó khăn về chuyện học phí, cô chú sẽ giúp con được không?


Cảm thấy tình hình đang đi theo chiều hướng tốt đẹp, Nghĩa liền vào “vấn đề chính” với ba mẹ anh:



- Thưa ba mẹ, hiện giờ Huyền đang gặp khó khăn về chỗ ở, ba mẹ có thể cho Huyền ở lại nhà mình đêm nay được không ba mẹ?



Quá bất ngờ trước trước những gì Nghĩa nói, bà Mai không phản ứng gì hết. Trước giờ, những việc lớn nhỏ trong nhà đều do ba Nghĩa quyết định nên bà Mai thường không đưa ra ý kiến. Thấy ba mình nãy giờ chỉ ngồi nhâm nhi trà và im lặng, Nghĩa mới chuyển sang xin ba anh:



- Ba đồng ý cho Huyền ngủ lại một đêm đi ba! Sáng mai, con sẽ chở Huyền đi kiếm nhà trọ.



Sau khi đắn đo suy nghĩ, ông Hùng nói:



- Ba tưởng chuyện gì to tát. Hai đứa con là bạn thân của nhau không lẽ ba mẹ lại hẹp hòi như vậy sao. Huyền này! Đêm nay, con cứ ở lại gia đình chú. Trên lầu còn phòng trống, con cứ tự nhiên nhé!



Nghĩa hồi hộp đến nỗi tim muốn rơi ra bên ngoài. Lòng anh nhẹ nhõm khi cuối cùng ba mẹ anh cũng cho Huyền ở lại, trái ngược với nỗi sợ ban đầu khi anh dắt Huyền về nhà.



Ba mẹ Nghĩa dẫn Huyền lên căn phòng trên lầu 2. Trước đây, căn phòng này là của chị họ Nghĩa ở. Huyền bước vô phòng, lần đầu tiên trong đời cô được ở trong một căn phòng rộng rãi, thoáng mát và đầy đủ tiện nghi như thế này. Một chiếc giường êm ái, một bộ bàn trang điểm nhỏ gọn, một chiếc tivi màn hình lớn, một phòng tắm hiện đại và khung cửa sổ hướng ra ngoài cổng, tất cả cứ như là một giấc mơ đối với Huyền.



Mọi thứ mà cô hằng mơ ước bấy lâu đã đến trong nháy mắt. Bỗng dưng Huyền suy nghĩ “giá như mình có thể ở lại căn nhà này lâu thiệt là lâu, hay giá như mình là bạn gái của Nghĩa thì hay biết mấy”.