Chẳng biết từ khi nào tôi mất đi cái quyền được rảnh rang. Cái quyền mà tự điển ưu ái dành cho nó năm chữ cái ghép vần để đọc là “an yên”. Không nhớ nữa. Chỉ biết là từ sau cái đêm hôm đó, cái đêm mà chỉ có hai người, để rồi sau đó một người được mất và một người bị mất quyền ràng buộc với nhau. Cứa rách trang đời.



Tôi, thằng con trai sắp đến tuổi tam thập nhi chưa lập, rồi cũng là đàn ông. Thằng đàn ông mẹ cứ hối thúc cưới vợ, sinh con. Rồi lại bảo: “Chị hai mầy xấu số, lấy chồng cũng như không, biết vậy đừng lập gia đình như mầy cho khỏe. Cái thời buổi gì mà người ta thay chồng đổi vợ như thay áo”. Nghĩ cũng lạ. Ngày chị hai lấy chồng, mẹ vui như xây nhà mới. Ngày chị hai thôi chồng, bồng con về nhà chung sống thì mẹ cũng vui. Cái bàn, cái ghế, bộ salon, tủ ly, tủ rượu, giá bếp, thậm chí thảm lót chân mẹ cũng thay mới. Tôi xót của còn sử dụng được thì mẹ lại kêu người ta cho, dứt khoát cho chứ không bán. Mẹ quan niệm vậy, nên cái gì không xài là đem cho, cho riết nên mang bệnh ghiền mua sắm cái mới, căn nhà lúc nào cũng như tân gia. Tôi cũng chẳng quan tâm đến sở thích “đem cho” này của bà.



Nghe đâu sau lần ba tôi trúng số độc đắc thì bỏ nhà đi mất biệt đúng ngay năm tôi vào lớp một. Chuyện thật hay không tôi cũng không biết. Chỉ thấy mẹ, chị hai cứ thản nhiên sống mà không cần sự có mặt của ông. Không ai nhắc đến tên ông trong căn nhà này. “Mồ côi cha ăn cơm với cá”, nên cuộc sống hai chị em tôi đã mấy chục năm ăn cá như vậy mà không còn biết mình có cảm giác mong muốn gặp ba hay không. Dì Ba tôi thì mỗi lần lên chơi là nhắc đi nhắc lại một câu: “Núi cũng lở nghen bây”. Mẹ tôi tằng hắng một tiếng thật lớn, phủi phạch phạch cái áo đầm dù trong nhà không hề có chút bụi, bởi ngày nào mà chị Tư giúp việc nhà cũng lau chùi mọi thứ láng cóng.



Ngôi biệt thự nhà tôi nằm sau đường quốc lộ, cửa kín, tường cao. Mẹ ung dung ngồi giũa móng tay, giặm phấn, đắp mặt nạ cho sánh với tuổi xuân các bạn của bà trong câu lạc bộ khiêu vũ ở nhà văn hóa tỉnh. Dàn Karaoke khủng cả trăm triệu đặt ngay phòng khách, ngày nào cũng vang lên những bài ca thập niên bảy mươi, tám mươi, tình khúc bolero ủy mị, ướt át, não tình. Chị Hai tôi muốn gì được nấy, ngay cả chuyện lấy chồng và thôi chồng cũng vậy, mẹ chẳng quan tâm gì. “Bây lớn hết rồi, tự mỗi đứa lo!”