Hai người mẹ, hai cách “dạy” con và kết cục trong suy nghĩ của người con là cha mẹ đã không tôn trọng mình.






Bố mẹ đã yêu thương không đúng cách?



Tôi có hai con (con trai năm nay lên lớp 12, còn con gái út chuẩn bị lên lớp 8). Cũng có thể nói rằng vì muốn con có được thành quả học tập tốt nhất, tôi đã vô tình biến con thành cá biệt.



Biết rõ lực học của con trai chỉ thuộc tốp khá của lớp nên tôi khá lo lắng. Năm học lớp 10, con trai bắt đầu phản kháng mạnh mẽ khi biết tôi bí mật đến gặp riêng cô giáo chủ nhiệm và các thầy cô giáo mấy môn chính để “nhờ cậy”.



Tôi sửng sốt khi con phản ứng: “Con đâu cần mẹ phải nói với cô giáo rằng con là cục cưng của nhà mình?”. Tôi đớ lưỡi mấy giây rồi cố trấn tĩnh để thanh minh với con: “Mẹ chỉ muốn con được thầy cô quan tâm hơn thôi. Vì tương lai của con nên mẹ chẳng thể làm khác”.



Con càng lớn tiếng hơn: “Nhưng con muốn có sự công bằng giữa các thành viên trong lớp. Cùng đóng tiền như nhau, cùng học một lớp mọi người phải đều được đối xử như nhau”.



Tôi đã nghĩ rằng tôi làm thế vì muốn tốt cho con, là vô hại với con. Nhưng tôi đâu ngờ khi biết sự thật, con phản ứng ngược lại với những điều tôi muốn, tôi nghĩ lâu nay, bởi con cho rằng con đang sống phụ thuộc vào bố mẹ. Con thấy bố mẹ thường xuyên “đi đêm” như vậy là qua mặt con, và nhất là con khẳng định sự giả dối như vậy thật đáng sợ.



Con còn cho rằng bấy lâu nay con chỉ là đứa chẳng ra gì, vô tích sự, chỉ có mỗi việc ăn với học cũng không nên, để bố mẹ phải đi cầu cạnh điểm số với thầy cô.



Tôi đau đớn hơn khi con la lớn: “Con thấy mất niềm tin vào bố mẹ. Từ nay sao con dám ngước mặt nhìn thầy cô và bạn bè nữa?”. Tôi không thể tưởng tượng được mọi sự cố gắng của mình bấy lâu nay lại ra nông nỗi này.



Tôi cũng không thể nghĩ rằng giúp con có được danh hiệu học sinh giỏi lại khiến con thấy bị tổn thương tự trọng và mất danh dự như thế (theo đúng như lời con nói).



Tôi giật mình khi con nói trong nước mắt: “Bố mẹ đã yêu thương không đúng cách...”. Sau chuyện đó con trở nên bất cần, tỏ ra chống đối bố mẹ trong tất cả mọi việc.



Điều khiến tôi choáng váng hơn nữa là con học tụt dốc, đây là điều mà ngay cả trong mơ tôi cũng không tưởng tượng được.



Khi tôi nhỏ nhẹ nói chuyện thì con tỏ ra bất cần: “Đấy, con trả lại mẹ những danh hiệu mà bấy lâu nay mẹ mong muốn đấy. Con không cần những thứ đấy. Mẹ có biết là con rất xấu hổ khi mẹ đi xin điểm không? Con không cần học sinh giỏi vì có bàn tay của mẹ sắp đặt. Mẹ hãy lên lớp mà xem các bạn trong lớp bàn tán về con”. Chao ôi, biết bao nỗi đau dồn nén khiến tôi như nghẹt thở. Tôi chết lặng trước những lời con nói.



Tôi luôn cố gắng hết sức để cuối năm con có thể chễm chệ trên bục nhận giấy khen học sinh giỏi. Còn con khi phát hiện mọi thứ có sự sắp đặt của mẹ thì niềm tin vỡ vụn.



Sau đó, khi con học lớp 11, kết quả học tập của con thật thê thảm. Vợ chồng tôi trước đây thường thay phiên nhau lén giám sát con, hay gặp gỡ trò chuyện thân tình với thầy cô để nhờ cậy thì giờ đây lại thường xuyên được mời lên trường làm việc chỉ vì con trai chơi bời, trốn tiết và thường xuyên đánh nhau trong trường. Bước vào lớp 12 rồi nhưng con trai không chú tâm vào bài vở khiến tôi rất lo lắng và ân hận.



Có lẽ những người làm bố, làm mẹ nên rút ra bài học từ sự sai lầm của vợ chồng tôi. Hãy tôn trọng con dù là một thành quả nhỏ nhất con làm được. Đừng phủ nhận mọi sự cố gắng, nỗ lực của con. Đừng để con từ đứa con ngoan, biết nghe lời trở nên cá biệt, cứng đầu chỉ vì bị bố mẹ “chăn” quá kỹ. Tôi cứ suy nghĩ mãi câu nói của con, đúng là yêu thương cũng cần phải đúng cách.Nguyệt Linh (Hà Nội)




Xin mẹ đừng thành kiến với trường thường!



Ngay từ bé lúc nào mẹ cũng răn: “Bố mẹ đều là giáo viên cả, con đừng bao giờ thua bạn bè kẻo bố mẹ phải xấu hổ với đồng nghiệp và học trò”.



Con trải qua những năm tháng tiểu học thực hiện được mong muốn của bố mẹ. Nhưng từ khi bước chân vào THCS, trong khi con yêu thích các môn văn, sử, địa thì mẹ cho rằng chỉ học giỏi các môn tự nhiên mới được coi là giỏi, còn giỏi những môn xã hội vẫn bị xem là dốt. Thế nên mẹ định hướng cho con học khối A để thi vào trường chuyên.



Vì yếu các môn tự nhiên nên con gặp rất nhiều khó khăn nhưng mẹ gạt đi. Con đã không thi đỗ vào trường chuyên, với mẹ đó là nỗi nhục nhã không gì tả nổi. Khi con hài lòng với kết quả vào một trường bình thường thì mẹ lại hết lời chê bai: “Con học trường thường để mà đánh mất tương lai à?”.



Lúc nào mẹ cũng bảo rằng con trượt trường chuyên nên mỗi khi đồng nghiệp hỏi han là mẹ thấy xấu hổ. Mẹ còn bảo rằng mẹ thấy nhục nhã chẳng dám nhìn mặt đồng nghiệp nữa. Con nói rằng con chỉ muốn học một trường vừa sức chứ nhiều người là lớp chọn đấy, trường chuyên đấy mà vẫn trượt đại học như thường. Nhưng với mẹ thì chỉ khi con học trường chuyên mới “nở mày nở mặt” được thôi.



Con muốn chứng minh cho mẹ thấy rằng con học một trường bình thường nhưng vẫn đạt kết quả tốt nhất. Nhưng mẹ phủ nhận: “Học giỏi ở trường thường cũng chẳng bằng một phần học dốt ở trường chuyên”.



Con tiu nghỉu nhìn mẹ, một cảm giác thất vọng, hụt hẫng mà mẹ không bao giờ nhìn thấy trong lòng con. Con nỗ lực thế nào cũng không bao giờ đủ trong mắt mẹ. Mẹ luôn cho rằng những thành tích của con đạt được chẳng nhằm nhò gì.



Ngay cả việc con đứng đầu toàn khối lớp 10 cũng không làm mẹ vui. Năm lớp 11, con là một trong ba học sinh được điểm 10 môn toán trong kỳ thi học kỳ, mẹ bĩu môi: “Có đáng để đọ với mấy đứa lớp chuyên không?”.



Hôm họp phụ huynh cho con, khi cô giáo chủ nhiệm khen con thì mẹ phán một câu: “Ở nhà nhất mẹ nhì con thôi cô ạ”. Khi đang rót nước cho các bác phụ huynh, nghe mẹ nói vậy, không hiểu sao mắt con rơm rớm.



Mẹ kỳ thị ngôi trường con đang theo học, thành kiến với thành tích con có được và phủ nhận sự cố gắng của con. Chưa một lần mẹ động viên con cố gắng học tốt. Mẹ cho rằng con đang ảo tưởng về bản thân, ảo tưởng về điểm số. Vậy nên con không biết phải làm sao để vừa lòng mẹ.



Đang học năm cuối cấp, sắp sửa đối mặt với những kỳ thi quan trọng, nhưng hằng ngày cứ phải nghe mẹ nói: “Mẹ không biết thầy cô trường con có giúp con đỗ đại học được hay không?”. Mẹ ơi, mẹ có biết rằng con đang cảm thấy tù túng, bất lực trước kỳ vọng quá lớn của mẹ? Xin mẹ đừng thành kiến với trường thường.




Theo: Phương Linh/ Tuoitre.vn