Đọc bài này mình ưng ý quá. Nhiều lúc chịu không nổi với những trò phá bĩnh của con và tính ngang bướng cố hữu của bé. Mình cứ nghĩ là "cha mẹ sinh con trời sinh tính" nhưng cha mẹ quyết định tính cách của con đấy.


Nguyên tắc chỉnh hành vi xấu:


==> Thời lượng ngắn, tần số cao. (nhắc đi nhắc lại đến khi bé nhớ – đó cũng chính là nguyên tắc khi em dạy mọi điều cho bé). Đánh mắng bé vô tình cũng là vậy, sau 10 lần đánh mắng bé mới nhớ.


==> Cảnh báo ngắn gọn, mô tả đầy đủ.


==> Thưởng đúng lúc, đúng liều lượng.


Xây Dựng Bản Năng Nghe Lời Cho Bé


Mỗi lần con không nghe lời, bố mẹ thường quát con hư, đánh tay con, đe con bằng cách dọa con làm thế nữa sẽ bị bắt đi… Tất cả các việc làm đó đều không làm bé bỏ đi tật xấu của mình mà vô hình chung còn đem đến những thói quen xấu cho con như đánh người nếu mình không vừa ý. Sau đây mình xin đưa ra một số ý kiến về việc xây dựng bản năng nghe lời cho trẻ mà mình tham khảo được trên mạng. Chúc các bố mẹ có cách ứng xử thông minh mỗi khi con không nghe lời.



Con đánh bạn mẹ không biết phải làm thế nào


Con hay đánh bạn, vứt đồ chơi


Các mẹ ơi, tư vấn cho e với! Em có 1 cháu trai đc 25 tháng tuổi, cháu có những hành động sau mà e chưa tìm đc cách giải quyết:


1. Cháu rất hay vứt đồ, hiện tại khi con làm vậy có lúc em nói bé không đc làm vậy, có lúc e đánh vào tay con 1 cái và nói con không được vứt đồ, nhưng cháu vẫn tiếp diễn hành động như vậy.


2. Cháu có hành động đánh bạn (tuy không phải thường xuyên).


Cả 2 hành động trên nếu bị mắng hay bị đánh vào tay thì cháu rất hay khóc ăn vạ, nếu để bé khóc lâu không giỗ thì lại dẫn đến tình trạng nôn ọe.


Các mẹ cho em xin tư vấn nhé! Cảm ơn các mẹ nhiều!


Trả Lời:


Điều đầu tiên cần nhớ: mẹ không đánh con hay quát con hư khi con làm việc mình không muốn. Hãy nhớ rằng con làm sai vì con chưa được hướng dẫn đúng, hãy tỏ ra nhiệt tình để hướng dẫn cho con mỗi khi con làm gì đó chưa đúng, chưa hài lòng. Con hay đánh bạn vì con đã nhìn thấy ở đâu đó, bố mẹ ông bà cô giáo đánh chừa vào tay các bạn hư, khi không nghe lời, con nhìn vào và học theo.


1. Chỉnh hành vi vứt đồ:


Con vứt đồ em đừng đánh con. Việc đầu tiên là em nói “con vứt đồ hết ra nhà rồi” (mô tả sự việc), “vứt đồ ra mà không nhặt lại con sẽ không có đồ chơi” (mô tả hậu quả), “con phải nhặt lên, cất gọn lại”(mô tả cách xử lý). Nếu con chưa biết làm, em hãy cầm tay con làm (gọi là giúp đỡ toàn phần – giúp đỡ chứ không làm hộ nhé). Làm xong khen con ngay. Và sau đó mới nói con đừng vứt đồ bừa bãi, vứt rồi không có để chơi. Lần tiếp theo con biết khái niệm nhặt lên, cất đi rồi, em hãy nói con nhặt lên, cất đi, delay một xíu xem phản ứng của con. 5s thôi, con chưa hành động, mình lại cưỡng chế bằng trợ giúp toàn phần. Khen con. Sau đó lại nghiêm nghị nói: vứt đồ xấu lắm, mình phải đi dọn dẹp đấy. Em hãy thử, chị tin 10 – 20 lần, bạn ấy sẽ có chuyển biến. Luôn kiên trì và nhẹ nhàng em nhé.


2. Chỉnh hành vi đánh bạn:


Hãy hỏi xem “ai đánh con không” “cô giáo à?” “mẹ à” … nếu con vẫn chưa biết cách nói, hãy nhìn thái độ gật lắc hoặc dạy con dần dần. Bên cạnh đó, cần sửa hành vi đánh bạn càng sớm càng tốt.


Nguyên tắc chỉnh hành vi xấu (ví dụ đánh người khác của con em) là ở đây.


==> Thời lượng ngắn, tần số cao. (nhắc đi nhắc lại đến khi bé nhớ – đó cũng chính là nguyên tắc khi em dạy mọi điều cho bé). Đánh mắng bé vô tình cũng là vậy, sau 10 lần đánh mắng bé mới nhớ.


==> Cảnh báo ngắn gọn, mô tả đầy đủ.


==> Thưởng đúng lúc, đúng liều lượng.


Trường hợp con em hay đánh, khi con giơ tay chuẩn bị đánh, hãy cầm ngay cổ tay con lại, nghiêm mặt nói với con: “đánh người khác vô cớ là rất xấu, con sẽ làm mẹ/bạn đau”. Bạn ấy tất nhiên bị mình giữ tay sẽ không đánh mình được. Em nói tiếp: “con bỏ tay xuống đi” và cưỡng chế kéo tay bạn ấy xuống. Khen con ngay khi cánh tay con đã hạ xuống, dù là do mẹ cưỡng chế chứ chưa phải tự giác. Lặp lại liên tục như vậy và quan sát phản ứng của con trong các lần sau. Đến khi mẹ không phải cưỡng chế nữa mà con tự hạ tay xuống coi như đã tương đối thành công.



Con ăn vạ bằng cách khóc và trớ


Bạn Phạm Bích Ngọc hỏi: Con nhà em 21 tháng tuổi. Dạo này con hay ăn vạ điển hình nhất là giờ đi ngủ, vì anh ta rất ham vui, dù là buồn ngủ rũ mắt ra. Vào giờ ngủ thì em tắt hết đèn, chỉ để lại đèn ngủ, 2 mẹ con lên giường, bú xong là con bật dậy chơi ngay, em cũng để cho chơi một lúc, khoảng 10-15 phút rồi nhắc con đi ngủ. Vì con sẽ không chịu nằm xuống ngay, nên em thường nói “chơi đủ rồi, đến giờ ngủ rồi con, nằm xuống đây mẹ kể chuyện / mẹ xoa lưng / mẹ ôm con / … ” cũng phải nói vài lần từ nhẹ nhàng đến nghiêm khắc thì anh ý mới nằm xuống. Có lúc rất hợp tác (mặc dù nằm xuống cũng chưa ngủ ngay), nhưng có lúc ngồi gào, cố tình ói ra. Trường hợp gào ói thì em xử lý như sau :


– Khi con ăn vạ, em nghiêm giọng và nói ngắn gọn “con nín, nằm xuống ngủ ” / ” con ngủ cùng mẹ hay ngồi chơi một mình “. Thông thường Con sẽ ngần ngừ và chọn khóc tiếp cho đến ói, thỉnh thoảng mới nằm xuống ngay.


– Trường hợp ói : thấy có hiện tượng là em dựng dậy cho ói ngay, sau khi thay quần áo, con lại tươi tỉnh cười nịnh, lại lặp lại quy trình nhắc đi ngủ, có khi 3 lần ói mới ngủ. Trong tình huống này thì em xử lý như vậy đã được chưa ạ? Khoảng 8h là con buồn ngủ rồi, nhưng nếu để cho chơi thì 10h mắt vẫn còn sáng như sao ý.


Trả lời:


Như vậy bạn này không ăn vạ bằng cách khóc mà bạn ấy ói để ăn vạ. Tuy nhiên có lúc bạn ấy hợp tác, có lúc bạn ấy chướng lên thì bạn ấy khóc và ói. Mẹ sẽ phải điều chỉnh bạn ấy hai vấn đề : chỉnh khi bạn ấy khóc ói và đi ngủ đúng giờ.


1. Chỉnh vụ khóc ói:


Mẹ hỏi : “con nằm xuống ngủ với mẹ hay con chơi một mình?” Lựa chọn này mẹ đưa ra chưa có tính sống còn, nên con chọn khóc để ăn vạ. Mẹ nên nói thế này: “Con nằm xuống ngủ với mẹ hoặc con ra ngoài hành lang chơi/khóc/ói một mình”. Lựa chọn này mang tính kiên quyết hơn, hoặc là chọn quyền lợi, hoặc là chọn thiệt hại không thể chấp nhận. Thường lần đầu tiên mẹ nói thế, con sẽ vẫn chọn khóc ói, hãy bế con ra khỏi phòng, đặt con vào chỗ nào con có thể ngồi một mình an toàn, để cho con khóc/ói. Nói với con ngắn gọn rõ ràng: “con khóc con tự nín, con ói xong mẹ sẽ dọn. Mẹ không nói chuyện với bạn nào vừa khóc vừa ói”. Đằng nào con ói cũng phải đi tắm rửa, cứ để bé ói hết, ngồi đạp vào chỗ ói , tri trét gì cũng được, nhưng mẹ cương quyết không nhượng bộ. Mẹ hãy nghe bé khóc. Bé khóc mệt sẽ có lúc khóc yếu đi (lấy hơi để khóc tiếp), mẹ hãy ngay lúc nghe tiếng khóc yếu đi nhất, xuất hiện và hỏi “bạn sắp nín rồi hả, mẹ nói chuyện với bạn được chưa?”. Bé sẽ ngay lập tức khóc tiếp, gào to hơn cũng có, mẹ lại nói: ” tự khóc tự nín…”, tiếp tục chu trình, đến khi bé khóc yếu nhất, lại hỏi “bạn sắp nín rồi hả, mẹ nói chuyện với bạn được chưa?”. Tùy bé mà chu trình khóc sẽ ngắn hay dài. Nhưng thường 3 đến 4 lần bé sẽ nín hẳn. Lúc đó, mẹ nói : “con ói nên phải đi tắm cho sạch, tắm xong mẹ nói chuyện với bạn nhé”, và tắm rửa cho con. Sau đó, cho con lựa chọn: “con vào giường nằm xuống nhắm mắt ngủ ngay với mẹ chứ?” Bạn đồng ý thì cho bạn vào giường, bạn ngần ngừ thì nói tiếp:”Hay là con ra kia chơi/khóc/ói một mình? Con chọn cách nào?”. Con thường sẽ chọn vào giường. Nhưng vào giường vẫn sẽ có thể xảy ra mè nheo. mẹ hãy lặp lại chu trình như ban đầu, cương quyết như ban đầu. Chị tin ba hôm là bạn sẽ bỏ hẳn khóc ói ăn vạ.


Còn vấn đề thứ hai là chỉnh thói quen đi ngủ của con. Em nói tắt đèn, bú xong là bạn ngồi bật dậy chơi. Vậy theo ý kiến cá nhân chị, em hãy cho con uống sữa trước, chà răng sạch sẽ, thay quần áo ngủ (nếu cần) rồi mới tắt đèn đi ngủ. Hãy nói trước với bạn ấy, thật trịnh trọng: con uống sữa tối, rồi mình chơi 10 phút, rồi mình đi chà răng, sau đó mình lên giường nhé. Khi đã xong hết các việc kia, đã lên giường rồi, em hãy nói với bạn ấy: ” Mẹ hát một bài/ kể một câu chuyện/ xoa lưng cho bạn/…. xong rồi đi ngủ nhé”. Như vậy vẫn trình tự cũ, nhưng thiết lập cách miêu tả mới, lựa chọn mới. Con ok thì mẹ làm, không ok thì cho lựa chọn: “Con nhắm mắt ngủ luôn hay mẹ kể chuyện con nghe rồi con ôm gối ngủ?” (nên tập ôm gối ngủ, không ôm mẹ ngủ, để bạn độc lập và không phụ thuộc hoặc ghiền mẹ khi bạn ấy lớn hơn). Thường bạn chọn mẹ kể con nghe, rồi sau đó bạn sẽ vòi vĩnh thêm một truyện nữa. Mẹ có thể thêm một truyện ngắn nữa trước khi giao kèo truyện này rồi ngủ nhé. Khi vòi thêm nữa thì hỏi bạn: “kể xong truyện vừa rồi mình làm gì con nhỉ?” Bạn nói “đi ngủ” thì thôi, mình cho bạn ngủ; bạn nói ” chơi, hoặc kể chuyện nữa” thì hỏi lại bạn: “thế ai nói kể xong sẽ đi ngủ?” bạn sẽ im lặng, hoặc sẽ bảo “con nói”, lúc đó mẹ bảo: “thế thì ngủ thôi”; Còn nếu bạn chướng , ăn vạ, quay về bước chỉnh khóc ăn vạ như đã nêu trên.


Nguyên tắc: Lặp đi lặp lại nhiều lần – ngắn gọn – mẹ không nhìn con khóc.


Có những bạn khóc dai đến 1h đồng hồ cơ đấy các mẹ ạ, nhưng mà xử lý vẫn phải xử lý. Chỉnh ứng xử là dứt khoát không khoan nhượng. Khoan nhượng 1 lần sẽ mất 1 năm điều chỉnh lại, giống như lờn thuốc vậy đó nhé. Kháng sinh phải đúng và đủ liều. Không đủ liều bệnh không khỏi mà còn phải tăng đô thuốc là khổ cả mẹ cả con á


Không nhìn con khóc (không làm khán giả) nhưng hãy nghe con khóc. Chắc chắn bạn ấy khóc sẽ có lúc mệt chỉ rên hư hư.. hic hic .. thôi, rồi tủi thân khóc tiếp,… Mình không để vụ tủi thân khóc tiếp xảy ra, mà mình sẽ hỏi ngay khi con mệt, khóc nhỏ tiếng, mình nhảy vô hỏi liền “bạn sắp nín rồi hả, mẹ nói chuyện được chưa?” , bạn ấy có tác động, có khán giả sẽ khóc tiếp, và theo quy trình đó liên tục đến khi con nín hẳn. Mẹ không nhìn, nhưng mẹ luôn ở đó, lắng nghe, xuất hiện đúng lúc, để bạn ấy đừng “quên” là bạn ấy đang khóc đòi cái gì, và mẹ không động lòng đâu, chỉ có nín mới nói chuyện thôi.


Link nguồn: http://webnuoicon.com/xay-dung-ban-nang-nghe-loi-cho-be/