Kính chào các Ông Bố Bà Mẹ,


Mấy hôm nay nghe trên TV, đài báo lại về vấn đề cũ rích là cải tổ nền giáo dục Việt Nam, nào chương trình học, nào nội dung sách giáo khoa, T.B lôi lại đống "nghiên cứu" ngày xưa ra, đã được các thầy cô giáo của T.B ở bên Úc ngày xưa cực kỳ hưởng ứng (định cho đăng tạp chí ở bên Úc nhưng mẹ T.B lúc đấy muốn phắn về với chồng nên không làm thêm một số thủ tục để gửi lên tòa soạn, khoe tý, hẹn các cô là về rồi gửi form sang nhưng về rồi lười quá, với cả chẳng hiểu sao, hơi ngượng!).


Anyway, bây giờ viết lên đây vì nghĩ rằng có thể ý kiến của mình sẽ giúp ích phần nào cộng đồng chúng ta đang vô cùng bức xúc.


Ngày xưa, mẹ cháu học Quản lý Giáo dục và nghiên cứu luôn đề tài "Ảnh hưởng của văn hóa công ty/tổ chức (Corporate Culture/Organisation culture, tiếng Việt mình hơi "củ chuối" tý vì khái niệm này rất mới trong tiếng Việt) trong việc thực thi các chiến lược hay thay đổi trong tổ chức" bao gồm cả trong giáo dục. Vấn đề mình propose trong nghiên cứu của mình thực ra là thế này: Giáo dục Việt Nam muốn thay đổi ư? Hãy thay đổi văn hóa trước.


Đầu tiên, phải định nghĩa cái "văn hóa" ở đây. Văn hóa trong quản lý không phải là văn hóa dân tộc hay là một tính từ để chỉ người có văn hóa hay không có văn hóa, văn hóa ở đây có nghĩa là "cách làm", nó neutral, không có văn hóa tốt và văn hóa xấu ở đây, văn hóa ở đây đơn thuần là "how we do the business here".


Đối với giáo dục Việt Nam thì sao? Vấn đề nó đơn giản ở cái "văn hóa", cái cách làm đã thành nếp trong các trường, trong đầu các thầy cô giáo, và ảnh hưởng đến nếp nghĩ và cách thức hành động của phụ huynh, và lan rộng ra cả toàn xã hội. Tôi không nghĩ là thay đổi nội dung sách giáo khoa, cải tổ lại hệ thống giáo dục là thay đổi được nền giáo dục, tất cả vẫn sẽ là "bình mới rượu cũ" trong khi cả nếp nghĩ nếp làm, cách thức đã ăn sâu và cứ thế tiếp tục tiếp diễn từ các cấp cao nhất đến giáo viên và học sinh, dù hình thức có thể thay đổi. Cứ bảo giải quyết vấn đề bệnh thành tích trong trường học: giải quyết thế nào được khi cả một hệ thống đánh giá đều đưa đẩy đến việc đó? Từ việc nhà trường đánh giá cô giáo dạy giỏi dựa trên số lượng học sinh giỏi trong lớp đến việc đánh giá học sinh chỉ dựa trên "academic merits" (điểm học văn hoá thôi) và tạo nên "bệnh thành tích" trong phụ huynh thì căn bệnh đã như "ung thư", di căn rồi, sửa thế nào được? Tóm lại, văn hóa chính là nội dung, bản chất gốc rễ của vấn đề và những nội dung sách giáo khoa hay gì gì đi nữa, tưởng là nội dung nhưng thục chất chỉ là bề ngoài của vấn đề. Đơn cử như sau:


1. Bắt đầu từ hệ thống đánh giá:


1.1. Đánh giá học sinh tổng thể: Có 2 vấn đề ở đây: Chúng ta, thứ nhất là, đánh giá học sinh quá phiến diện, tất cả chỉ dựa trên điểm học các môn văn hóa. Tất nhiên là cũng có thấy xếp loại đạo đưc, rồi mỹ thuật, thể dục... nhưng nếu điểm văn hóa đã cao rồi thì các loại đấy các cô thầy cũng "châm chước". Rồi có rất nhiều các học sinh giỏi, từ đấy chọn ra một số em "xuất sắc" trở thành những ngôi sao chói lọi trên bầu trời, còn những em khác, thiểu số, thì "dúi dùi dụi" ở dưới đất không bao giờ ngóc đầu lên được. Những em đó chẳng nhẽ không có điểm gì đáng khen hay sao? Đành rằng là để các em phấn đấu, nhưng phấn đấu thế nào nữa đối với những em lớp có 40 học sinh thì 30 học sinh giỏi, 5 học sinh khá còn lại có 5 trung bình và yếu? Vấn đề thứ hai là ở đây, một mặt hệ thống đánh giá quá khắt khe (ở chỗ phân biệt quá rạch ròi xuất sắc, giỏi, yếu kém...) nhưng mặt khác lại quá dễ dàng (chẵng nhẽ học sinh Việt Nam bây giờ giỏi thế sao, ngày xưa tôi học trường chuyên mà một lớp may ra chỉ được 1,2 bạn học sinh giỏi, còn bây giờ, hỏi bất cứ đứa trẻ hàng xóm nào cũng thấy chúng nó là học sinh giỏi cả), và biến những đứa trẻ "thiểu số" thành losers trong xã hội từ khi chúng còn rất bé. Có bố mẹ nào chịu được không khi con mình là thiểu số như thế? Không, vậy là học thêm, chạy theo cô giáo, chạy theo "bệnh thành tích" vì không thể nào khác được. Vậy nên: 1/ chúng ta phải có một hệ thống đánh giá toàn diện, ví dụ: khen đứa này học văn hóa, đứa kia tập văn nghệ hay, đứa kia nữa có tinh thần giúp bạn...2/ đưa ra một hệ thống chuẩn đơn giản hơn: đứa trẻ này đạt kết quả học tập năm nay, đứa trẻ này đạt cao hơn một chút... thay vào cái xuất sắc, giỏi, trung bình, kém một cách quá nghiệt ngã kia. Mọi người sẽ bảo thì trung bình thì đúng là vẫn lên lớp, có nghĩa là đạt rồi cơ mà, nhưng bản chất vẫn khác đấy: Thay vì không phát cho nó cái giấy khen nào, phát cho những đứa trung bình một cái chứng chỉ thế này: Đã hoàn thành chương trình lớp 1, rồi đứa khá hơn: Đã hoàn thành xuất sắc chương trình lớp 1. Lớp học tiếng Anh của mình thôi, cuối một level bảo với thầy giáo Tây: có nên chọn một học sinh xuất sắc nhất không thầy lắc đầu quầy quậy: thầy không muốn biến bất cứ đứa nào trong lớp cảm thấy mình là loser. Chúng ta quá quan tâm đến các em xuất sắc trong khi ít quan tâm đến những em cần cải thiện, mà trong giáo dục thì quan tâm phải là cao hơn đối với những em cần cải thiện, thì mới cùng đi lên được chứ?


1.2 Cách thức đáng giá học sinh hàng ngày: Vẫn chỉ là điểm. Bố mẹ về cũng chỉ hỏi con là "hôm nay con được mấy điểm", nếu 10 rồi thì yên tâm, chẳng cần xem vở con nữa làm gì. Điểm này tôi sẽ nói tiếp ở phần sau, cách chấm điểm.


1.3 Đánh giá giáo viên: Tại sao giáo viên cứ phải bắt các con học gạo hết các phương án để thi như thế? Để được nhiều học sinh giỏi và có nghĩa là được phong là cô giáo dạy giỏi. Họ thực sự cũng khó có sự lựa chọn nào khác. Thay vì đánh giá họ ở nhiều tiêu chí khác nhau: đã dấy lên được phong trào này phong trào kia, đã làm cho một học sinh cá biệt kia khá lên, đã cải thiện được tình hình lớp vốn rất mất trật tự... quy tụ lại vẫn chỉ dựa trên tỷ lệ giỏi, khá, trung bình ở trong lớp...


2. Túm lại, tại sao tôi nói đến hệ thống đánh giá trước tiên, vì nó dẫn đến "cách thức dạy và học" của thầy và trò trong trường, và là vấn đề không thể nào giải quyết được cho dù mỗi năm có thay đổi một nội dung chương trình học. Các cách dạy trong trường nhà mình như sau:


2.1. Chỉ có một con đường đúng: Từ việc nhỏ nhất: cô giáo lớp 1 con tôi dặn học sinh là: nếu đã có câu "còn lại bao nhiêu" thì phải làm phép trừ, còn "tổng cộng bao nhiêu" thì là phép cộng. Thế rồi nó cắn bút với bài toán thế này: Lan có 10 cái kẹo, Lan cho bạn một số kẹo và còn lại 5 cái. Hỏi Lan đã cho bạn bao nhiêu cái kẹo? Trong đầu nó, bài toán này không thuộc trừ cũng chẳng cộng!!!Tôi bực mình với nó, nghĩ nó không chịu suy nghĩ và kém thông minh, nhưng khi hỏi những đứa khác những bài tương tự thì chúng nó cũng ... như rứa!!! Tại sao? Có phải chúng nó kém đến thế không? Không phải, đơn giản là có thể chúng nó nghĩ ra đó là phép trừ nhưng chúng nó sợ sai, vì cô bảo là "còn lại" thì mới làm phép trừ!!!


Cái việc dạy "chỉ có một cách thức và con đường duy nhất đúng" xuất phát cũng từ chỗ cho điểm cho một bài toán đúng đáp số (để được điểm cao) mà không quan tâm "phương thức suy nghĩ" của học sinh. Ngay cả văn cũng có phải đúng đáp số, trời ạ! Làm một bài văn lớp 2 về bà của em thì phải đủ mấy câu như sau: Bà em tên là gì, làm gì, bà em trông thế nào, bà em có thương em không, mở đầu kết thúc phải y xì như thế. Và con tôi lúc nào cũng lặp đi lặp lại: Bà em (chị em, mẹ em...) tên là...; Bà là giáo viên đã nghỉ hưu. Bà em có mái tóc bạc. Bà em rất thương em.Em rất thương bà em..Mẹ hỏi: Thế bà con thương con thế nào? Con thương bà thế nào? Trả lời: Là thế nào hả mẹ? Cô có bảo thế đâu? Mẹ: Đâu có cần cô phải bảo thế nào, thay vì con nói con và bà rất thương nhau con đưa ra một chi tiết cụ thể nào đấy có được không? Ví dụ bà quạt cho con khi trời nóng mất điện, bà thức đêm trông con ốm, hay con có miếng ăn gì ngon con để phần bà...Nó bảo: Cô không bảo làm thế!!! Vì cô đưa ra bài văn mẫu rồi, làm đúng thế mới được 10 điểm. Ngay cả học vẽ, là môn học "sáng tạo", cái ngôi nhà nó phải hình vuông và mái nó phải màu đỏ giống thầy thì mới được điểm A, mẹ bảo con vẽ khác đi có được không, tại sao cứ phải nhà hình vuông, con vẽ nhà 2 tầng đi, mái lợp màu xanh cũng được mà, không được, con điểm kém mẹ có chịu không? Thực tình thì cũng không muốn con điểm kém, vì lại thành loser, nên bảo nó thế này: lúc nào con làm bài cho thầy cô chấm điểm thì con làm đúng thế, còn lúc nào làm cho mẹ con làm khác đi nhé, hehehe, trẻ con nhà mình nó "giỏi" hơn Tây ở chỗ đấy!!! Nhưng thực tình mà nói nền giáo dục VN bây giờ nó mới thế, những năm 80 tôi đi học, đáp số tôi sai hoàn toàn thầy vẫn cho 9 điểm, vì cách thức giải độc đáo, văn của tôi nhiều khi lạc đề thầy vẫn cho 7,8 điểm vì đã có những "lập luận hợp lý" mặc dù sai đề, tất nhiên không được điểm tối đa vì đã sai "đáp số" nhưng vẫn được khuyến khích cho cách suy nghĩ. Còn bây giờ, chẳng cần nói cũng thấy là trẻ con chẳng còn đường để suy nghĩ, nói gì đến sáng tạo như chúng ta vẫn hô hào.


2.2. Thầy cô luôn luôn đúng: Cũng như vấn đề ở trên, chỉ có một con đường đúng và là con đường thầy cô đưa ra, nên học sinh chẳng bao giờ dám nghe ý kiến bố mẹ mà chỉ chăm chăm theo thầy cô thôi. Con tôi đi học lớp 1, tiếng Anh của nó đã làu làu rồi, cô phát âm không chuẩn bằng nó, đầu tiên là nó tưởng apple này với apple của cô phát âm là 2 từ khác nhau, sau đó biết là một từ thì nó nhất quyết phải phát âm theo cô, nhưng nhờ giời, sau 2 năm học với sự kiên trì của mẹ thì nó cũng biết thế nào là đúng sai, nó bảo: bạn Uyên phát âm đúng rồi mà cô cứ bắt phát âm lại đúng như cô, mà cô phát âm sai. May quá con tôi, nhưng mới chỉ tiếng Anh thôi, vì nó thật sự giỏi và tự tin, còn lại văn toán... nó vẫn sợ cô và sợ sai khi không làm theo cô!!!


2.3. Chú trọng đến cá nhân: Vẫn từ hệ thống đánh giá mà ra. Giáo viên có dự giờ, chuẩn bị trước mấy em học sinh giỏi trả lời câu hỏi (Đã được chuẩn bị trước!!!). Trong lớp học, học sinh nào năng nổ luôn luôn giơ tay, luôn luôn phát biểu, những đứa có thể biết nhưng bản tính trầm lặng thì ngồi im, và cả những đứa chưa thể biết kịp nhưng "hãi" vì các bạn khác giỏi quá. Tôi đi đến các trường học ở bên Úc, tôi chẳng thấy giáo viên hỏi cá nhân học sinh trả lời ngay lập tức. Từ lớp 1 cho đến Đại học, khi có một câu hỏi, chúng nó có một "team", nhóm, tổ, chúng nó thảo luận câu hỏi, cùng đưa ra phương án trả lời, rồi trong khi một đại diện trả lời thì tất cả cùng "back-up" đứa kia. Tuyệt nhiên không có "sao sáng", tất cả thành tích là của chung, tất cả đều có cơ hội. Vậy cứ bảo sao người Việt Nam tinh thần "teamwork" (tinh thần đồng đội) nó kém, trong khi cá nhân thì cứ chói lọi?


3. Bây giờ động chạm đến các ông bố bà mẹ đây. Trước hết, thực lòng là lỗi không phải từ các bố mẹ mà ra mà là cái văn hóa giáo dục nó cũng đã ăn sâu vào trong các bố các mẹ rồi, thay đổi nền giáo dục là phải thay đổi các bố các mẹ, thay đổi cả xã hội. Bố mẹ chúng ta cứ kêu ca con học nặng, nhưng bản thân các bố mẹ thì vẫn cho con đi học thêm, buổi tối vẫn la hét con ngồi vào bàn học, không những làm hết bài cô ra mà vẫn thêm toán nâng cao...Sâu xa là tất cả bố mẹ chúng ta đều muốn các con trở thành "super" gì đó trong xã hội chỉ có chỗ đứng cho những "super". Tại sao chúng ta không bằng lòng với việc con mình như "who they are" mà phải là "who they have to be" dựa trên những tiêu chí của bố mẹ? Tôi vẫn bắt con học ở nhà, nhưng mà nó phải tự học, để nó có ý thức tự học, tôi không quan tâm đến việc con tôi học được thêm toán nâng cao hay gì gì mà quan tâm đến việc nó có suy nghĩ được "out of the box" mà không theo lối mòn không. Mà như thế thì chỉ cần nói chuyện với nó thôi, trong khi ăn cơm, trong khi đi chơi, cần gì phải ngồi học 2 tiếng một buổi tối? Mà việc học nhiều làm nhiều theo các cô (ở trường,học thêm) chỉ củng cố thêm lối mòn thôi. Cuối cùng là các bố các mẹ có dám stand-up cho một hệ thống giáo dục đổi mới không? Không chạy trường điểm, lớp điểm, chạy cô, học thêm...không phải đi khoe con tôi học sinh xuất sắc học sinh giỏi này kia? Khó quá đúng không?


Túm lại, vấn đề của nền giáo dục Việt Nam không nằm ở chỗ bỏ ra bao nhiêu tiền (đã tốn nhiều tiền của rồi) để sửa đổi sách giáo khoa này kia. Vấn đề nằm ở những việc có thể sửa được mà không cần phải bỏ kinh phí, nhưng phải mất thời gian và sự quyết tâm, và sự đồng lòng, bây giờ, là không chỉ của nhà trường, cơ quan chức năng, mà của toàn xã hôi. Nghe ra có vẻ mission impossible 4?