CHA MẸ HÃY BIẾT CHẤP NHẬN ĐIỂM KHÁC NGƯỜI CỦA CON MÌNH


(Trích từ cuốn sách "Giáo dục: Tuyệt vời nhất = Đơn giản nhất") của tác giả Doãn Kiến Lợi



✿ Về lý thuyết, mọi người đều thừa nhận mỗi đứa trẻ là một thế giới, không có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. Nhưng trong thực tiễn, người ta thường cảm thấy sợ khi con mình có điểm gì đó khác người, đặc biệt là khi hành vi của trẻ không có điểm chung với khuynh hướng giá trị chủ lưu, hoặc không đi trên lộ trình mà cha mẹ hoạch định. Trong trường hợp này, rất nhiều phụ huynh đều cảm thấy vô cùng lo lắng và tìm mọi cách để cải tạo con mình.


✿ Một ông bố có mức lương rất cao nói với tôi rằng, cô con gái 9 tuổi của anh rất thích trò chơi làm vòng tay, vòng cổ từ các hạt vòng nhỏ, tiền tiêu vặt mà cha mẹ cho gần như mang đi mua hạt vòng và dây hết. Niềm đam mê này của cô bé làm lãng phí rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến cả thời gian làm bài tập và luyện đàn. Cha mẹ đã nhắc nhở, khuyên nhủ nhiều lần mà đều không ăn thua. Vị phụ huynh này hỏi tôi rằng: Làm thế nào để vừa không làm tổn thương đến con mà vừa hạn chế được con xâu vòng?


Vị phụ huynh này được học trường nổi tiếng, vào công ty nổi tiếng, năng động, thăng tiến nhanh. Điều này có lẽ khiến anh có một nhận thức sai lầm, cho rằng con đường mà mình đi mới là con đường đúng đắn, trước hết phải có một thành tích học tập tốt, sau đó vào trường tốt thì mới có khả năng tìm được công việc tốt. Do đó, vị phụ huynh này cho rằng, chỉ có nâng cao điểm số mới là đáng tin cậy, mọi thứ khác đều không đáng tin, chỉ say mê những cái không liên quan gì đến bài vở tức là không có mục tiêu học tập rõ ràng.


✿ Tôi nói: Con trẻ có sở thích này là điều tốt biết bao, tại sao lại phải hạn chế? Anh mong muốn con học giỏi, mục đích là gì, là mong con sau này tìm được một công việc tốt, có tương lai sáng ngời đúng không, tại sao trong tiềm thức lại nhất định phải định vị tương lai của con gái anh thành một người làm việc trong văn phòng như anh, chứ không nghĩ có thể sau này con có thể trở thành một nhà thiết kế đồ trang sức, trở thành Cocochanel của Trung Quốc?


✿ Thế giới đa dạng phong phú biết bao, sở thích của con người cũng muôn hình vạn trạng. Một người thích điều gì, say mê với cái gì đều chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố như năng khiếu bẩm sinh và môi trường. Tuy nhiên trong vấn đề sở thích, có một điểm luôn có điểm chung: Sở thích chính là thiên tài. Có thể nói, một người si mê một công việc gì đó đến nhường nào thì thiên tài sẽ cao đến nhường đó. Do đó chúng ta có thể giả thiết rằng, “sở thích mãnh liệt” là một sự ưu ái của thượng đế đối với một số người, là sự quan tâm đặc biệt đối với người đó. Và tuổi thơ do ít bị sự tác động bởi công danh lợi lộc của bên ngoài, dấu vết của sự ưu ái sẽ được bộc lộ rõ hơn, dễ bị người ta nhận ra hơn, do đó càng cần phải trân trọng hơn. Hơn nữa, sở thích không hẳn đã xung đột với việc học hành, nếu làm tốt sẽ hỗ trợ cho bài vở.


✿ Tôi tư vấn cho vị phụ huynh này là, giúp con tìm một số tài liệu liên quan tới các mẫu thiết kế đồ trang sức, từ những tranh ảnh đơn giản, để con nắm được những kiến thức cơ bản của công việc thiết kế đồ trang sức, đọc những câu chuyện về các nhà thiết kế nổi tiếng, tìm hiểu văn hóa thiết kế của các nước trên thế giới, đưa con đi tham quan triển lãm đồ trang sức, tiện thể đi du lịch, hiểu thêm về địa lý thế giới, phong tục tập quán, tôn giáo, truyền thống của các vùng đất trên thế giới… Trẻ đi nhiều, đọc nhiều, tìm hiểu được nhiều kiến thức như vậy, quay lại với công việc học hành thì có gì là khó? Bất kể tương lai trẻ có làm công việc thiết kế đồ trang sức hay không, trẻ vẫn sẽ là một nhân tài ưu tú. Chắc chắn vị phụ huynh này đã từng học thuộc câu nói của Khổng Tử: “Tri chi giả bất như hiếu chi giả, hiếu chi giả bất như lạc chi giả” (Biết mà học không bằng thích mà học, thích mà học không bằng vui say mà học). Tại sao trong cuộc sống lại không nghĩ ra điều này?


✿ Xét về tổng thể, những bậc phụ huynh có trình độ văn hóa khá cao chắc chắn sẽ cho cách giáo dục tốt hơn, tuy nhiên đôi lúc họ cũng rơi vào tình trạng thiên kiến hoặc áp đặt, điển hình nhất là hoạch định tương lai cho con trẻ một cách vô tình hay cố ý, dùng sự lý giải của mình để quy hoạch cuộc đời cho con, điều này có thể sẽ trói buộc, hạn chế sự phát triển của con, khiến trẻ an phận với lối tư duy đã định. Cha mẹ mong muốn con có một khả năng siêu việt và tương lai rạng ngời thì không nên bắt con phải từ bỏ sở thích của mình và phục tùng theo sự sắp đặt của cha mẹ, dù trong chuyện lớn hay chuyện nhỏ thì về cơ bản điểm này đều thích hợp để áp dụng. Nhà giáo dục người Anh - A.S. Neill - nói: “Những học sinh không nhiệt tình với bài vở, học hết đại học, tương lai sẽ trở thành những giáo viên không có trí tưởng tượng hoặc những bác sĩ bất tài hay luật sư vô dụng. Vốn họ có thể trở thành những người thợ cơ khí, thợ xây cừ khôi hoặc cảnh sát xuất sắc”. Nhà thần học, cây bút tiểu luận, nhà hùng biện và nhà thơ, R.W.Emerson của Mỹ đã từng nói: “Nếu một người kiên trì tài năng của mình và không chịu khuất phục, đồng thời kiên trì mãi mãi thì cả thế giới sẽ là của anh ta”.