HỎI GÌ CON CŨNG TRẢ LỜI “CON KHÔNG BIẾT”



Câu hỏi: Năm nay con trai tôi được 5 tuổi, cháu chẳng khác nào một chú bé “tăng động”. Vốn là đứa trẻ thích chạy nhảy, nô đùa nên tôi đưa bé đến lớp vận động cho trẻ nhỏ, ở đó bé được vận động cơ thể thỏa thích khi tham gia các hoạt động bơi lội, trượt patin.


Nhưng khi con về nhà, tôi hỏi “Hôm nay con làm những gì?” thì con luôn trả lời “Con không biết, con không nhớ”. Cũng có thể con không nhớ thật nên tôi chuyển sang hỏi con ăn nhẹ những món gì thì con đều nói không biết. Vì bé liên tục lặp lại câu trả lời này khiến tôi không hiểu bé thực sự không nhớ hay không muốn nói với mẹ. Hơn nữa, bé không nhớ nổi cả những việc mình đã làm chỉ mấy tiếng trước đó chứ không phải từ lâu khiến tôi lo lắng liệu con có đang gặp các vấn đề nghiêm trọng về trí tuệ như khả năng tập trung, ghi nhớ hay không?


========


Đừng hỏi mà hãy trò chuyện với bé


Những đứa trẻ khi được hỏi mà luôn trả lời ngắn gọn, luôn lặp lại rằng mình không nhớ sẽ khiến bố mẹ rất khó chịu. “Con người ta” thì nói liến thoắng mà con mình lại như vậy khiến bố mẹ sốt ruột. Tuy nhiên có rất nhiều bé như vậy. Đặc biệt nếu là bé trai thì càng ít nói. Nhưng như vậy không có nghĩa là bé không hiểu tình huống. Cũng không phải bé không nhớ. Có rất nhiều nguyên nhân lý giải nhưng tôi sẽ chỉ nêu ở đây nguyên nhân phổ biến nhất, một là bé chậm phát triển ngôn ngữ, hai là bé thiếu khả năng tập trung để có thể bình tĩnh suy nghĩ và nói một cách gãy gọn.


Bé chậm phát triển về ngôn ngữ không có nghĩa là bé không nói được. Chỉ là bé gặp một chút khó khăn để nói cho người khác hiểu hoặc bé luôn trả lời thật nhanh khi gặp câu hỏi. Chúng ta hãy giả định mình đang du lịch tới Mỹ sẽ dễ hiểu hơn. Ngoại trừ những người nói tiếng Anh xuất sắc thì ngay cả những người đã học tiếng Anh lâu năm và nói được cũng sẽ không thể mở miệng khi được yêu cầu kể lại các hoạt động diễn ra ngày hôm đó bằng tiếng Anh. Khi được hỏi “Hôm nay thế nào? Đã làm những gì?”, có nhiều người chỉ trả lời vắn tắt “À, cũng vui”, “Cũng bình thường”. Mặc dù người đó biết nhiều từ nhưng vốn từ sử dụng ngay được trong thực tế lại ít nên đã dẫn đến hiện tượng như vậy.


Hiện tượng này đặc biệt xuất hiện ở các bé 5~6 tuổi khi khả năng ngôn ngữ đã phát triển đáng kể. Trong đầu bé có rất nhiều ý nghĩ nhưng lại khó có thể tổng hợp và diễn đạt thành lời. Vì vậy bé có thể tự mình nói nhiều nhưng lại khó trả lời người khác. Bố mẹ thường lo lắng tại sao lúc bình thường con nói lưu loát nhưng lại chẳng nói nhiều khi được hỏi, nhưng đây là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên. Bố mẹ không cần suy diễn rằng con ghét mình hoặc lo lắng rằng con đang chống đối. Bố mẹ chỉ cần giảm bớt câu hỏi và khích lệ để bé chủ động nói là được.


Những bé kém tập trung cũng cảm thấy khó khăn khi phải trả lời câu hỏi của người khác. Để có thể trả lời câu hỏi, trước tiên bé phải chú ý để nghe được câu hỏi, nhớ câu hỏi và suy nghĩ câu trả lời trong đầu. Sau đó lại phải tổng hợp ý trả lời và trả lời một cách hợp lý. Khi đã lớn hơn bé có thể vừa làm việc khác vừa thoải mái nói chuyện nhưng khi còn nhỏ, bé cần phải tập trung mới có thể làm được việc này. Các bé có tính lơ đễnh thường chỉ dồn mọi chú ý của mình vào điều bản thân mình đang quan tâm, cái hứng thú trước mắt nên sẽ khó có thể trả lời câu hỏi của người khác. Vì vậy có nhiều trường hợp chỉ trả lời qua quýt rồi tiếp tục chìm đắm vào mối quan tâm riêng của mình.


Tuy nhiên ngoài khả năng ngôn ngữ và khả năng tập trung, bố mẹ cần phải cân nhắc tới một tình huống khác nữa. Đó là bé không thích những hoạt động ở lớp. Ví dụ, khi bé không có hứng học, chơi trò chơi với chữ số và chuyển sang làm việc khác thì bị cô mắng và bé buồn. Khi bé kể lại nỗi ấm ức với mẹ, thay vì an ủi bé, mẹ lại nhắc nhở “Con phải chăm chỉ hơn chứ”, hoặc “Con phải nghe lời cô giáo chứ” mà không hiểu cho tâm trạng của bé. Sau khi bị từ chối như vậy vài lần bé sẽ lảng tránh trò chuyện với mẹ. Mẹ luôn tò mò muốn biết sinh hoạt trong ngày của con ra sao nhưng con lại cho rằng dù có kể chuyện với mẹ cũng chẳng mang lại ích lợi gì. Chi bằng đừng nói có khi lại tốt hơn và trả lời qua loa câu hỏi của mẹ.


Nếu các hoạt động hoặc sinh hoạt ở lớp thật sự thú vị thì bé sẽ tự động nói nhiều hơn. Ngược lại, bé sẽ không muốn nhắc tới chủ đề này. Vì chỉ cần nhắc tới là những cảm xúc không tốt lại trỗi dậy. Không có ai muốn nghĩ tới những giây phút tồi tệ. Hơn nữa, bé đã cố gắng bày tỏ những cảm xúc tiêu cực của mình nhưng mẹ lại không đồng cảm vì vậy dần dần bé ít chia sẻ, thậm chí không chịu nói cả những chuyện quan trọng.


***


Đối với các bé chậm nói, kém tập trung, nếu bố mẹ không thể nói chuyện hòa hợp với con thì bố mẹ cần thay đổi phương thức nói chuyện. Đặc biệt với các bé kiên quyết không chịu nói vì đã từng cố gắng kể những chuyện khó chịu với mẹ mà mẹ không hưởng ứng thì càng nên thay đổi cách trò chuyện.


Điều quan trọng nhất là bố mẹ cần trò chuyện với con nhiều hơn. Nếu bố mẹ hỏi “Hôm nay ở trường con làm những gì?” thì bé sẽ cho rằng bố mẹ hỏi để dạy dỗ mình điều gì đó, giám sát mình hoặc quản lý mình. Thay vì làm như vậy, đầu tiên bố mẹ cứ nói chuyện vu vơ, bâng quơ với bé. Hãy thử cầm lấy đồ chơi của bé và gợi chuyện “Đây là gì thế nhỉ? Hay quá, bạn con cũng thích chơi trò này à?”, “Cái này chơi thế nào đây? Mẹ cũng muốn chơi thử”… dần dần bé sẽ tự nhiên kể chuyện về đồ chơi, bạn bè. Bố mẹ cần tạo tình huống tự nhiên để bé thoải mái trò chuyện. Như vậy mới có thể thúc đẩy khả năng ngôn ngữ của bé cả về lượng và chất.


Người lớn chúng ta cũng vậy, ít người cảm thấy thoải mái khi có người hỏi hôm nay làm gì. Ai cũng sẽ phản ứng theo kiểu phòng vệ. Tất nhiên, một số trẻ thích được người khác quan tâm sẽ rất thích những câu hỏi kiểu đó. Nhưng các bé ấy chỉ là thiểu số. Đối với các bé đang trong giai đoạn phát triển, chưa thể sử dụng ngôn ngữ một cách thuần thục, nên tạo các cơ hội để bé tự nói và giảm tối đa tình trạng chỉ có bố mẹ hỏi và con đáp. Bố mẹ cần chủ động nói nhiều hơn. Bố mẹ kể lại một ngày của mình cũng là một cách hay. Tuy nhiên khi bé định nói gì đó thì bố mẹhãy ngừng lại và chăm chú lắng nghe. Khi thấy bố mẹ chăm chú, bé sẽ hào hứng kể chuyện nhiều hơn. Có như vậy khả năng biểu hiện bằng ngôn ngữ của bé sẽ tăng lên và bé sẽ hình thành ý nghĩ rằng “Thể hiện ra ngoài là điều tốt”.


(Nguồn tham khảo: Bác sĩ tâm lý trẻ em - Cheonseok Suh)