KHÔNG DÙNG TỪ RA LỆNH VÀ CẤM ĐOÁN VỚI CON


• “Ngôn ngữ” cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng để dạy trẻ yêu thương. Khi trẻ còn là em bé sơ sinh, trẻ chỉ cần bao bọc, âu yếm cưng nựng, nhưng khi trẻ bắt đầu biết đi, phạm vi trẻ tiếp xúc sẽ rộng hơn, và để bảo vệ trẻ khỏi những mối nguy hiểm xung quanh, cha mẹ bắt đầu chi phối trẻ bằng những từ cấm đoán. Khi trẻ hiểu những từ mà người lớn nói, thì cha mẹ lại càng gia tăng những từ ra lệnh để bắt con làm theo ý mình. Khi con càng lớn, càng muốn làm theo ý mình thì cha mẹ càng nói nhiều từ cấm đoán. Ở thời kì tâm hồn trẻ phát triển mạnh mẽ nhất, mẫn cảm nhất thì tai trẻ lại được nghe nhiều nhất là những từ cấm đoán và ra lệnh.


• Điều đặc biệt tệ hại là khi trẻ không nghe lời thì cha mẹ sẽ nổi nóng, quát mắng trẻ, mà không biết những từ ngữ vô tình ấy sẽ làm nền tảng cho tương lai của trẻ. Tâm hồn trẻ thơ như trang giấy trắng, thế nhưng cha mẹ lại viết lên đó toàn là cấm đoán và ra lệnh. Nào là “không được”, “bỏ ngay xuống”, “nhanh lên chứ”, “đúng là bó tay với nó”, “ngớ ngẩn”, hay “đồ ăn hại”... những từ ấy đã in sâu vào đầu trẻ, khiến “nhận thức về bản thân” ở trẻ bị phủ định.


• Con người ai cũng mang nhận thức rằng mình là một người như thế nào đó. Sự tự nhận thức này được hình thành qua quá trình dài tích lũy những kinh nghiệm, nhưng có sức ảnh hưởng to lớn nhất là những từ ngữ được viết bởi cha mẹ sử dụng trong giai đoạn ấu thơ.


• Những trẻ được cha mẹ sử dụng nhiều từ mang tính khẳng định và tích cực thì sẽ có nhận thức về bản thân mình một cách tích cực. Và khi đã nhận thức tích cực về bản thân, trẻ sẽ dễ dàng yêu và “khẳng định bản thân” mình. Ngược lại, những trẻ bị cha mẹ dùng nhiều từ mang tính phủ định, trẻ sẽ ghét bản thân, cho rằng mình là kẻ yếu kém.


• Vậy cha mẹ muốn không sử dụng những từ cấm đoán, thì trước tiên phải tạo ra một môi trường mà khi trẻ ở trong đó cha mẹ không cần nói ra những từ cấm đoán. Dạy trẻ cái nào nguy hiểm không được chạm vào, và không nên để chúng gần trẻ. Với những vật nguy hiểm như dao kéo, hãy dạy trẻ cách sử dụng, ứng với từng độ tuổi khi trẻ trưởng thành.


• Để cha mẹ hạn chế sử dụng những từ ra lệnh thì việc quan trọng nhất là luyện cho trẻ hình thành thói quen tự giác. Tôi sẽ nói rõ hơn về điều này ở chương 3.


• Uốn nắn hay dạy dỗ trẻ không phải là cha mẹ nói sa sả suốt ngày những điều mà trẻ chưa làm được. Bởi nói nhiều chỉ càng khiến trẻ tổn thương khi “nhận thức về bản thân” mà thôi. Hãy thay ánh mắt dò xét vào những điểm yếu, những điểm trẻ chưa làm được, bằng ánh mắt chỉ tập trung vào những điểm mạnh của trẻ. Hãy nói về những điều trẻ đã làm được chứ đừng mãi ca thán về những điều trẻ làm không tốt. Nếu cha mẹ làm được vậy trẻ sẽ cảm nhận mình luôn được yêu thương.


‪#‎
Cha_mẹ_Nhật_dạy_con_tự_lập‬
‪#‎
Sugahara_Yuko‬