Nhắc đến giới trẻ thời bây giờ, các bậc phụ huynh thường lắc đầu ngán ngẩm “tụi nó sống thoáng lắm, không biết tiết kiệm là gì”. Nhưng thực tế thì không phải vậy, bởi vẫn còn rất nhiều bạn trẻ sở hữu tính cách “siêu dè sẻn”.

Hai năm trước, cô gái tên Lily, sinh viên ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã mua một hộp sữa đậu nành gần hết hạn với số tiền bằng 1/3 giá gốc. Khi kể với bạn, nhưng người đó nói rằng loại thực phẩm này sẽ gây hại cho sức khỏe. Từ đó, Lily không bao giờ kể chuyện mua đồ sắp hết hạn vì sợ mọi người đánh giá là bủn xỉn quá mức.

Dù thế, nữ sinh này vẫn tiếp tục mua đồ sắp "hết đát" vì mức giảm giá hấp dẫn. Cô lập một nhóm trên mạng xã hội, chuyên giới thiệu các mẹo mua thực phẩm sắp hết hạn mỗi ngày và thu hút hơn 57.000 thành viên, hầu hết là giới trẻ.

 "Tôi thấy trên mạng có rất nhiều người mua những loại thực phẩm sắp hết hạn giống tôi để tiết kiệm. Việc này chẳng có gì sai cả", cô nói. Xu hướng mua đồ sắp hết hạn này bắt đầu thịnh hành ở giới trẻ trong những năm gần đây, đặc biệt khi Luật chống lãng phí thực phẩm của Trung Quốc được thông qua vào tháng 4.

hình ảnh

Nhiều bạn trẻ xếp hàng mua đồ ăn sắp hết hạn (Ảnh: South China Morning Post)

Một nhân viên bán hàng ở siêu thị tên Liu cho biết, thực phẩm ở đó được giảm tới 70% và nhân viên phải kiểm tra các sản phẩm mỗi ngày để đảm bảo không có sản phẩm nào quá hạn sử dụng. "Cách này giúp giảm rất nhiều chất thải. Các siêu thị được yêu cầu vứt bỏ thực phẩm quá hạn và giảm giá để thúc đẩy doanh số bán hàng", cô nói.

Lily cho biết lúc đầu, cô cũng băn khoăn liệu sử dụng thực phẩm sắp hết hạn có thể gây hại cho sức khỏe của mình hay không, nhưng mức giảm 50-70% lại quá hấp dẫn. "Cửa hàng bánh mì sẽ giảm giá 50% món bánh mì cuộn sau 16h mỗi ngày. Các cửa hàng khác giảm giá 70% hoặc 80%. Nếu tôi có thể ăn hết sớm, tôi sẽ chọn mua tất cả," cô ấy nói.

Nhóm mua hàng có tên "I love near-expired food" (Tôi thích thực phẩm sắp hết hạn) do Lily lập ra, các thành viên chia sẻ với nhau về nhãn hiệu, cửa hàng trực tuyến thường giảm giá những sản phẩm sắp hết hạn và những loại thực phẩm nào nên mua.

Một bài đăng phổ biến trên kênh này hỏi: "Bạn có xấu hổ khi mua thực phẩm sắp hết hạn sử dụng không?" Hầu hết câu trả lời đều nói rằng không có gì phải xấu hổ khi có thể tiết kiệm tiền và không lãng phí thức ăn.

Vài tháng trước, một đài truyền hình lớn đã giới thiệu kênh của Lily như một ví dụ về chiến dịch chống lãng phí thực phẩm. Kênh của cô tăng thêm 10.000 người đăng ký. "Chúng tôi vẫn mua thực phẩm giảm giá lâu nay, nhưng nhờ có luật chống lãng phí mà mọi người bắt đầu chú ý hơn trước", cô nói.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: Sohu)

Có lẽ câu chuyện mua đồ ăn gần hết “đát” (hạn sử dụng) vốn dĩ không quá mới mẻ, thậm chí ở Việt Nam cũng có rất nhiều siêu thị giảm giá thực phẩm vào cuối ngày và được mọi người tranh nhau mua hàng, chốt đơn.

Phần lớn, sẽ là những bạn sinh viên nghèo, đang phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống ở đô thị, hoặc những gia đình nông dân, công nhân thu nhập thấp, sẽ xuất hiện các bà, các mẹ, các chị hay lui tới, loanh quanh ở những khu vực này.

Tuy nhiên, vấn đề khiến dân tình tranh luận ở đây là với những bạn trẻ có thu nhập tốt, có kinh tế ổn nhưng vẫn sống rất tiết kiệm theo kiểu này thì có nên được khuyến khích hay không??? Từ đó, ở trê mạng đã có hai luồng ý kiến trái chiều nổ ra.

Phía bệnh vực thì cho rằng, hành động này đáng được trân trọng, biết tiết kiệm trong chi tiêu luôn được hoan nghênh, nó đi ngược với hành động vung tiền xếp hàng cả ngày để mua trà sữa hay điện thoại xịn với giá trên trời của một số bộ phận giới trẻ.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: reddit.com)

Đặc biệt, trong mùa dịch vừa qua, nhiều nam thanh nữ tú quen sống sang chảnh bỗng chốc bị lao đao vì thất nghiệp, mất việc, tiền cạn túi. Họ bắt đầu nhận ra lối sống chi tiêu quá lố của mình là sai lầm.Thế nên, với những ai chỉ mới 20 mấy tuổi đầu mà đã biết trân trọng giá trị của đồng tiền thì thật đáng quý.

Tuy nhiên, bên phản đối lại cho rằng, thực phẩm sắp hết hạn thì cũng không gây hại gì về sức khoẻ vì các nhà sản xuất có trừ hao ngày hết hạn để đảm bả. Nhưng để càng lâu thì hàm lượng dinh dưỡng không còn bao nhiêu, các vitamin thường sẽ biến mất trước khi thực phẩm đến hạn. Ăn như vây, chỉ để chống đói thôi.

Trong khi đó, nhiều thanh niên đang ở “tuổi ăn tuổi lớn”, cần năng lượng, chất dinh dưỡng tốt để làm việc. Đồng thời, việc chọn lựa các thực phẩm sắp hết hạn cũng rất hên xui may rủi. Có những món vẫn trong tình trạng bình thường, giữ được chất lượng mong muốn.

Còn nếu đó là thực phẩm tươi sống ví dụ như tôm cá thường sẽ có mùi tanh rất đặc trưng. Đặ biệt đồ hộp có nước sẽ dễ bị thiu hơn khi đạt tới hạn sử dụng. Và không phải món nào cũng tốt như chúng ta vẫn nghĩ.

hình ảnh

Chưa kể, nếu các bạn không quá khó khăn về kinh tế, dư dả về tài chính thì tại sao không đối xử tốt với bản thân, ưu tiên cho sức khỏe. Ăn một món ngon, tươi sống, nóng hổi sau một ngày làm việc mệt mỏi cũng là cách để chúng ta động viên, thúc đẩy mình cố gắng.

Thôi thì quan điểm sống của mỗi người mỗi khác và trong câu chuyện này chẳng nên phân biệt đúng sai. Hãy cứ để thời gian trả lời, nếu việc chọn mua những thực phẩm sắp hết hạn sử dụng đem lại nhiều lợi ích, chắc chắn đây là xu thế trong tương lai, còn nếu không, nó sẽ tự động bị đào thải.

Nguồn: VNE