Phẫu thuật nâng mí, cắt mí để sở hữu một đôi mắt to đẹp tự nhiên đã trở thành một phương pháp được nhiều chị em phái đẹp lựa chọn. Tuy nhiên, không phải ca phẫu thuật nào khi thực hiện cũng đem đến những kết quả như mong muốn. Chúng ta vẫn cần cảnh giác với những trường hợp không may mắn. Dưới đây là những di chứng có thể gặp khi phẫu thuật cắt mí mà bạn nên biết.

1. Chảy máu sâu trong ổ mắt

     Chảy máu sâu trong ổ mắt là biến chứng cực kỳ hiếm gặp tuy nhiên rất nguy hiểm và đáng lo ngại bởi biến chứng này có nguy cơ gây mù lòa vĩnh viễn. Nguyên nhân của việc chảy máu thường là do kéo túi mỡ, cắt mỡ thô bạo, kỹ năng cầm máu không tốt, hoặc chảy máu muộn hay gặp ở người mắc bệnh tăng huyết áp khó kiểm soát.

     Biến chứng mất thị lực (mù lòa) được hình thành do sự chèn ép vi mạch dẫn đến thiếu máu cục bộ thần kinh thị giác. Khi áp lực ổ mắt vượt qua áp lực từ động mạch mắt hoặc động mạch trung tâm võng mạc thì sẽ xuất hiện tình trạng tắc nghẽn động mạch trung tâm võng mạc.

     Nếu phát hiện và điều trị sớm thì có thể phục hồi thị lực. Đây là một cấp cứu ngoại khoa và nội khoa, cần chẩn đoán nhanh chảy máu nặng sau mổ để có thể can thiệp đúng lúc, ngăn ngừa biến chứng mất thị giác vĩnh viễn.

2. Mí mặt bên phẫu thuật bị nhiễm trùng

     Nhiễm trùng là tình trạng khá hiếm gặp với tỉ lệ chỉ khoảng 2/1000. Tuy nhiên, đây là tình trạng khá nguy hiểm, nếu không tìm hiểu kỹ các cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo điều kiện vô trùng hay không có chế độ chăm sóc hậu phẫu đúng cách thì rất dễ bị nhiễm trùng. Chính vì thế, các bạn cần lưu ý đến những dấu hiệu nhận biết biến chứng nhiễm trùng: sưng đau quá lâu, phù nề, mất cảm giác tại chỗ, chảy mủ, vết khâu không liền,...Khi gặp những biểu hiện trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị sớm.

3. Mí mặt bên phẫu thuật bị thâm tím, sưng bầm quanh mắt

     Đây là biến chứng phổ biến nhất mà hầu hết các ca phẫu thuật nâng mí, cắt mí đều gặp phải. Bởi trong quá trình thực hiện phẫu thuật, các mô vùng quanh mắt có thể bị ảnh hưởng gây sưng bầm. Hiện tượng này không đáng lo ngại, tùy sức khỏe, cơ địa cũng như cách chăm sóc của từng người mà có thể mất tầm 1 tuần hoặc hơn để các vết sưng, thâm tan biến hoàn toàn

4. Bờ mi mắt bị lật ngược ra ngoài, không nhắm được mắt

     Tình trạng bờ mi bị lật ngược ra ngoài hay còn gọi là hở mi rất dễ gặp sau phẫu thuật điều trị sụp mí và hiếm gặp hơn sau thực hiện tạo hình cắt mi mắt trên hay cắt mi mắt dưới. Bờ mi bị lật ngược có thể là do sự rối loạn chức năng của cơ vùng mi trước sụn hoặc có thể là do nhiễm độc cơ. Được biết, hầu hết các trường hợp bờ mi mắt bị lật ngược ra ngoài ở tình trạng nhẹ có thể khỏi hoàn toàn chỉ sau vài ngày hoặc vài tuần hậu phẫu.

     Tuy nhiên, cắt bỏ da và cơ mi trên hoặc mi dưới quá mức có thể gây ra tình trạng ở mi kéo dài. Không nhắm kín được mắt sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đôi mắt của bạn bởi hở mi là cho mắt dễ bị khô và dẫn đến viêm kết giác mạc bộc lộ.

     Nguyên nhân gây ra tình trạng bờ mi mắt bị lật ngược có thể là do sau sự co rút của các tổ chức lá giữa của mi trên và mi dưới. Một số trường hợp khác được nhận xét lầ do việc xác định vị trí nếp mi không chuẩn hoặc mũi khâu xâm lấn vào cân cơ nâng mi quá căng làm cho bờ mi mắt bị lộn ngược.

5. Mí mắt hai bên có thể không đều nhau

     Nếp mí mắt 2 bên không đều là một trong những biến chứng thường gặp nhất khi phẫu thuật nâng mí, cắt mí mắt. Sở dĩ xuất hiện tình trạng này là do tay nghề của bác sĩ không tốt, khi đo vẽ và thiết kế nếp mí không chuẩn xác làm cho nếp mí mắt không cân đối (quá hẹp hoặc quá rộng so với mắt và khuôn mặt).

     Với trường hợp này, người bệnh cần đợi khoảng 3-6 tháng khi các vết thương của mắt đã hoàn toàn lành lại, đến cơ sở thẩm mỹ đã làm trước đó để bảo hành hoặc tìm kiếm một cơ sở khác uy tín hơn để thực hiện lại. Bác sĩ sẽ tiến hành điều chỉnh lượng mỡ thừa cùng với phần da chùng cần cắt bỏ, xó thể sẽ tiến hành kết hợp cùng biện pháp cấy mô da để hai mí trông đều và cân xứng với nhau hơn.

6. Mắt không nhắm khít lại được do cắt da quá nhiều

     Cấu tạo của mí mắt khá phức tạp, rất dễ bị tổn thương bởi những tác động bên ngoài. Để đảm bảo an toàn cho mắt và phẫu thuật nâng mí, cắt mắt thành công thì người thực hiện cần phải hiểu rõ cấu trúc của mắt và tình trạng của bệnh nhân. Nhiều trường hợp bác sĩ thực hiện phẫu thuật kém chuyên môn, cắt bỏ quá nhiều da và mỡ thừa làm cho mắt không nhắm khít lại được.

     Khi gặp trường hợp này, bạn chỉ có thể thực hiện phẫu thuật lại để cứu chữa mắt của mình. Nhiều nghiên cứu cho thấy, mắt cần khoảng 6 tháng để có thể hoàn toàn phục hồi, lúc này mới có thể tái phẫu thuật. Khi đó bác sĩ sẽ xem xét, kiểm tra lượng da mí mắt còn lại cũng như độ giãn và cấu trúc của mắt rồi mới lên phác đồ thực hiện phẫu thuật lại.

7. Nhãn cầu có thể bị lệch (lác) , nhìn đôi (song thị)

     Mắt lác, song thị cũng là một trong những biến chứng phổ biến của các ca phẫu thuật nâng mí, cắt mí mắt hỏng. Tuy là một biến chứng nguy hiểm nhưng cũng có thể hạn chế gặp khi thực hiện phẫu thuật cắt mí mắt.

     Nguyên nhân hình thành nên biến chứng mắt lác và song thị được biết là do sự tổn thương của cơ chéo dưới hoặc cơ trực dưới (ít gặp hơn) gây nên.

     Một tình trạng hiếm thấy hơn là rối loạn chức năng cơ trực trong, có khả năng xảy ra khi cắt bọng mỡ trong ở mi trên. Những tổn thương cơ chéo trên cũng đã được cảnh báo.

     Lác (lé) mắt vĩnh viễn là tình trạng xảy ra sau sự tổn thương thần kinh hoặc cơ gián tiếp hoặc trực tiếp. Cơ chéo dưới là cơ ngoại nhãn dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhiều nhất trong phẫu thuật thẩm mỹ cắt mí mắt.

     Biến chứng song thị sau mổ nên được quan sát, theo dõi sát sao, nếu mắt không phục hồi trở lại sau khoảng 8 tuần thì cần tìm đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và có biện pháp điều trị.