Phẫu thuật kéo dài chân gắn liền với những suy nghĩ về sự đau đớn, bất tiện và tốn kém, nhưng với phương pháp mới nhất, thời gian đeo khung rút ngắn lại còn 1/4, chi phí cũng chỉ từ 35-40 triệu đồng, mang lại nhiều hy vọng cho những người có nhu cầu kéo chân.



Nam giới kéo chân nhiều hơn nữ giới



Theo PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hàng năm, có ít nhất 10 ca phẫu thuật kéo dài chân với mục đích thẩm mỹ được thực hiện tại BV này và phần lớn bệnh nhân là nam giới, do sự tự ti về chiều cao ở phái mạnh rõ rệt hơn nữ giới.



So sánh phương pháp cũ và mới



Với cách cũ, tức phương pháp "cắt xương", bệnh nhân phải chịu xuyên 8 đinh qua xương và lắp khung bên ngoài để căng giãn với thời gian 1mm/ngày. Khi đã được chiều cao vừa ý, người bệnh vẫn phải đeo khung trong khoảng 7 tháng tiếp theo để xương liền và chắc. Như vậy, suốt thời gian kéo, khung kim loại gắn liền với chân, gây khó khăn cho sinh hoạt và công việc của bênh nhân, chưa kể cần phải có người thân túc trực chăm sóc trong suốt thời gian đó.



Còn với phương pháp mới, thời gian đeo khung được rút ngắn chỉ còn 1/4, điều này cũng đồng nghĩa với các vết sẹo sẽ nhỏ hơn và ít đi nhiều. Được biết, với phương pháp này, bác sỹ sẽ đặt 1 chiếc đinh nhỏ xuyên qua 2 đầu xương, khi đã có được chiều cao vừa ý, khung sẽ được tháo bỏ ngay. Đinh nằm trong ống tủy sẽ giữ vai trò cố định trong thời gian chờ xương can chắc.



Chi phí bao nhiêu?



Điều được quan tâm hàng đầu khi thực hiện phương pháp này chính là chi phí. TS cho hay, với cách làm mới, bệnh nhân sẽ chỉ phải chi 35-40 triệu bao gồm chi phí phẫu thuật, dụng cụ kéo dài chân và các loại thuốc kèm theo. Ở các bệnh viện tư, chi phí này có thể dao động từ 50-100 triệu đồng.




(ảnh: sưu tầm)



Vị này cũng cho biết, kỹ thuật kéo dài chân không phải là phương pháp phức tạp mà đã có cách đây hàng trăm năm trong khâu điều trị chấn thương hoặc các bệnh lý viêm xương, bại liệt, chân cao chân thấp. Đặc biệt, trong thời đại mà ngoại hình, cụ thể là chiều cao góp phần lớn đến sự thành công và hạnh phúc như hiện nay thì ngày càng nhiều người có mong muốn cải thiện chiều cao của mình.



Kéo được bao nhiêu cm?



Về lý thuyết, có thể kéo dài chân bao nhiêu tùy ý nhưng bệnh nhân cũng cần cân nhắc đến lời khuyên của các chuyên gia để chân có chiều dài hợp lý và cân xứng với cơ thể, hạn chế các biến chứng đến mức thấp nhất. - Ông chia sẻ.



Ai phù hợp để kéo chân?



Người được chỉ định kéo chân có chiều cao dưới 1m50 đối với nữ và dưới 1m60 đối với nam giới. Ngoài ra còn có người mắc thương tật và bệnh nhân bị chân cao chân thấp với độ lệch giữa hai chân trên 3cm. Thủ thuật này nên được thực hiện khi bệnh nhân đang trong độ tuổi từ 20-30, vì sau thời gian đó, xương bắt đầu lão hóa nên không thuận lợi để thực hiện.



Sau khi kéo, chân có yếu đi không?



Trái với nhiều lo ngại, ông cho hay phẫu thuật kéo dài chân không ảnh hưởng đến tuổi thọ của bệnh nhân, tuy vậy vẫn phải mất một thời gian nhất định để tập phục hồi chức năng, do sau khi kéo, các phần mềm như gân cơ, cơ, dây thần kinh, mạch máu và dây chằng chưa đáp ứng kịp với thể trạng mới. Thời gian này nhanh hay chậm còn tùy theo thể trạng bệnh nhân, khi xương khớp đã ổn định, bệnh nhân có thể sinh hoạt chạy nhảy bình thường.