Nếu “cái răng cái tóc là góc con người” thì mũi chính là linh hồn, giữ vị trí quan trọng tạo nên diện mạo tổng thể khuôn mặt. Chính vì thế mà ngày nay, nhiều người lựa chọn phẫu thuật nâng mũi vì việc thực hiện không quá phức tạp nhưng có thể thay đổi dáng mũi, cải thiện nhan sắc. Thế nhưng, những thông tin cần biết trước khi nâng mũi để không "ôm hận" thì không phải ai cũng nắm rõ. 

Những năm gần đây, nâng mũi là hình thức làm đẹp vô cùng phổ biến ở các quốc gia Châu Á vì người dân các quốc gia này thường có dáng mũi thấp, đầu mũi khá to, thô. Trong khi đó, mũi còn là linh hồn của khuôn mặt, việc sở hữu chiếc mũi thanh tú sẽ giúp toàn bộ nhan sắc được hài hòa và sang trọng hơn. Song không phải ai sau khi thực hiện cũng có được dáng mũi như ý, thậm chí còn “tiền mất tật mang”. Nguyên nhân là do trước khi thực hiện không tìm hiểu kỹ phương pháp muốn thực hiện cũng như những địa chỉ uy tín, đảm bảo an toàn. 

hình ảnh

Những hiểu lầm trầm trọng khi nâng mũi, dễ biến chứng không thể sửa chữa:

Mũi là bộ phận nằm ở vùng trung tâm của khuôn mặt, do đó nó đóng vai trò quan trọng giúp khuôn mặt trở nên thanh tú và xinh đẹp hơn. Nếu sống mũi thấp hay tẹt sẽ khiến tổng thể khuôn mặt không được hoàn hảo, đặc biệt lộ rõ khi nhìn nghiêng. Do đó, hiện nay nhiều chị em ưa chuộng các phương pháp thẩm mỹ vùng mũi để có thể trở nên tự tin hơn.

Hiện tại, giữa vô vàn phương pháp nâng mũi khác nhau thì trong đó, nâng mũi cấu trúc là phương pháp thường được hội chị em "rỉ tai" nhau nhiều nhất. Nhiều người còn cho rằng nâng mũi cấu trúc là "phương pháp toàn năng", giúp thay đổi toàn bộ khuyết điểm của mũi, mà không quan tâm đến những biến chứng có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo như tìm hiểu, cũng như qua lời chia sẻ của Ths, BSCKII Cao Ngọc Duy (Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Thẩm mỹ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho rằng, phương pháp nâng mũi cấu trúc chỉ nên là biện pháp cuối cùng dành cho những ca mũi hỏng, mũi lỗi, mũi mổ nhiều lần, mũi gặp biến chứng trong phẫu thuật nâng mũi. Còn những trường hợp mũi làm lần đầu thì nên cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn.

hình ảnh

Ưu điểm nổi bật của phương pháp này chính là giúp chiếc mũi của bạn có được cấu trúc vững chắc thay vì chỉ chú trọng tới việc tạo dáng mũi bên ngoài như nhiều phương pháp nâng mũi thông thường trước đây.

"Không phải ai cũng được chỉ định nâng mũi. Những người mắc bệnh máu khó đông, bệnh nan y hay đang điều trị hoá chất, xạ trị… đều không phù hợp để thực hiện nâng mũi. Ngoài ra, phương pháp nâng mũi cấu trúc chưa chắc đã là tốt. Vì khi nâng mũi cấu trúc, chúng ta cần phải can thiệp mạnh vào cấu trúc của mũi.Cho nên nếu sau đó có bất cứ bất thường gì hay là gặp sự cố gì thì mũi của các bạn sẽ không thể trở về trạng thái nguyên bản được", Ths, BSCKII Cao Ngọc Duy (Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Thẩm mỹ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cảnh báo một hiểu lầm trầm trọng khi đi nâng mũi.

hình ảnh

Ngoài ra, Thạc sĩ, bác sĩ CKII Cao Ngọc Duy còn cho biết, nâng mũi cấu trúc đòi hỏi tay nghề bác sĩ cần phải có kỹ năng phẫu thuật chính xác, có kinh nghiệm trong kỹ thuật lấy sụn, ghép sụn để dựng trụ mũi, tái tạo chóp mũi, kinh nghiệm đánh giá sự tưới máu, nuôi dưỡng của các tổ chức mô tại vị trí ghép sụn... để hạn chế tối đa các tai biến, biến chứng. Nếu không, nâng mũi cấu trúc có thể gây nhiễm trùng, khiến mũi co rút, biến dạng, lộ sống mũi, khiến đầu mũi bóng đỏ, nghiêm trọng hơn là thủng da mũi, hoại tử mũi...

16 điều cần nhớ sau nâng mũi giúp chị em không gặp biến chứng:

1. Dùng thuốc đầy đủ theo đúng toa của bác sĩ, bao gồm kháng sinh, giảm đau, chống phù nề, thuốc chống sẹo. Thay băng để kiểm tra vết thương trong vòng 24h sau phẫu thuật.

2. Phải tái khám đúng theo lịch hẹn. Đó là ngày thứ 5 và thứ 10, sau đó là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm sau phẫu thuật.

3. Có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Kiêng một số thức ăn gây dị ứng với bản thân.

4. Hạn chế va chạm hoặc tì đè vào khu vực mới làm phẫu thuật vì có thể gây chảy máu, tụ máu.

5. Chườm lạnh trong vòng 2 ngày đầu sau phẫu thuật để giúp giảm sưng tấy. Lưu ý không được để nước đá chảy vào vết thương gây nhiễm khuẩn và tránh bỏng lạnh.

6. Chườm ấm từ ngày thứ 3 trở đi để giảm sưng và thâm tím.

hình ảnh

7. Súc miệng và họng 2 tiếng/lần với nước muối hay dung dịch pha sẵn.

8. Không được tự động tháo thanh nẹp và phần băng trên vùng phẫu thuật.

9. Vệ sinh vết mổ bằng nước muối sinh lý và thuốc mỡ Betadine ngày 2 lần. Vệ sinh vùng mũi bằng gạc sạch và nước cất.

10. Cắt chỉ sau phẫu thuật 10 ngày và phải đúng hạn.

11. Không được đi bơi hay xông hơi trong ít nhất 4 tuần sau phẫu thuật.

12. Không đeo kính, không tập thể thao trong ít nhất 4 tuần sau phẫu thuật.

13. Có thể gội đầu và tắm ngay sau khi phẫu thuật nhưng tránh để nước tiếp xúc với vùng phẫu thuật. 

14. Lau mặt bằng khăn mềm cho đến khi cắt chỉ. Sau khi cắt chỉ thì có thể trang điểm bình thường.

15. Vết thâm tím khi nâng mũi sẽ cải thiện dần trong khoảng 2 tuần, nếu thực hiện đúng kỹ thuật.

16. Người nâng mũi có thể đội mũ hoặc bôi kem chống nắng lên các vết thâm tím, để tránh hình thành vệt nám do ánh nắng chiếu trực tiếp lên da.

hình ảnh

Có thể thấy hiện có rất nhiều phương pháp nâng mũi mà chị em có thể cân nhắc lựa chọn. Tuy nhiên, dù chọn theo cách nào thì cũng đừng quên tìm hiểu kỹ về từng phương pháp trước khi làm, hãy cân nhắc những ưu-nhược điểm đi kèm, từ đó đưa ra lựa chọn hợp lý nhất cho mình.

Không cần dao kéo cũng có ngay sống mũi cao thẳng tắp chỉ với mẹo trang điểm đơn giản:

Ngoài ra, với hội chị em đang khao khát một chiếc mũi cao, thẳng tắp mà lại không đủ can đảm hay chưa "dư dả" về kinh tế để làm đẹp bằng cách can thiệp thẩm mỹ thì có thể tham khảo mẹo trang điểm "lừa tình", chỉ với 40 giây và 3 bước đơn giản dưới đây để giúp cho sống mũi trở nên cao và thẳng hơn một cách hiệu quả.

Bước 1: Xác định chính xác đường sống mũi

hình ảnh

Chìa khóa quan trọng nhất của kỹ thuật tạo đường nét là xác định đúng vị trí của sống mũi. Xuất phát điểm sẽ rơi vào "vùng tam giác" bên dưới chân mày, bạn không nên tán phấn một đường thẳng từ chân mày, nhìn mũi sẽ quá dài và thô cứng mất hết nét tự nhiên.

Bước 2: Tán phấn vào sống mũi

hình ảnh

hình ảnh

Bắt đầu tán phấn vào đường viền 2 bên sống mũi, bạn chỉ cần tán từng phần, không cần tán thẳng vào sống mũi, như vậy sẽ tạo bóng tự nhiên cho đường sống mũi, giúp mũi cao và thanh thoát hơn. Bước này có thể cải thiện phần sống mũi bị tẹt hay mũi có gồ thô cứng.

Bước 3: Thu gọn phần cánh mũi

Đối với mũi củ tỏi (cánh mũi to rộng) bạn có thể chỉnh sửa bằng phương pháp tán phấn theo đường cong chữ C trên cánh mũi, để toàn bộ cánh mũi được thu nhỏ lại một cách tự nhiên nhất có thể.

hình ảnh

hình ảnh

Nếu muốn thu gọn cánh mũi, trước tiên bạn hãy tìm điểm cao nhất của cánh mũi và dùng cọ (cọ đầu ngang) tán nhẹ phấn highlight. Với người mũi ngắn, bạn có thể di chuyển cọ xuống dưới. Bước này, ngoài việc giúp mũi thanh tú, thu hẹp hơn, nó còn có thể chỉnh sửa những khuyết điểm mũi quá dài hay mũi quặp, giúp phần đầu mũi thon gọn và thanh thoát hơn đôi chút.