Chẳng hiểu dạo này mợ ấy học từ đâu mà sáng nào cũng bắt con phải uống một muỗng chanh đào mật ong. Cái thứ nước sệt sệt đăng đắng nàng làm nó không có màu vàng tươi như mình thấy trên facebook mấy em bán online, mà nó đục đục, đen đen...


Đã thế, mới ngâm có tháng trước, tháng này mợ đã cho thằng bé uống. Sáng nào con cũng khóc váng nhà. Thằng lớn 4 tuổi nhất quyết không chịu uống, thì mợ ấy dọa nạt, ép buộc. Thằng bé mới có 14 tháng uống xong phun phì phì, mợ tức lắm nhưng chẳng làm gì được. Làm thế nào được cái thằng người mới 14 tháng tuổi chưa biết sợ là gì? Đã thế, thỉnh thoảng, mợ lại khuyến khích: “Hay là bố nó cũng uống đi, chứ ba bố con chúa ốm vặt”. Dạ thôi, mợ cho em xin, em uống thử rồi nó đắng nghét là đắng. Tội nghiệp con tôi!



Bình thường, mợ hay cho con ăn một tô cơm tả pí lù. Dạo này mợ vào hẳn cửa hàng M&B mua cho mỗi chú một cái khay ăn “n trong 1”, tức là trên một khay nhưng có chỗ chứa rau, canh, thịt và cơm, kèm theo đó là ly nước ép trái cây cộng với mấy miếng trái cây bé bé. Và khi mợ ấy cho con ăn thì phim hài diễn ra: thằng lớn uống cho bằng hết ly nước trước khi mợ nhìn thấy nó xúc muỗng cơm đầu tiên. Nó ăn rất chậm, vì cứ phải xúc tí cơm, trụng vào tí canh, nhét vào miếng thịt rồi mới bỏ vào miệng. Thói quen của nó ăn tả pí lù từ bé đã thế rồi, một tô cơm của nó lúc nào cũng có thịt + cơm + canh. Thiếu một trong ba là nó ăn không ngon. Còn thằng bé thì hài hơn, mợ tốn khá nhiều thời gian với ông bé. Khi mẹ xúc cơm thì ông ấy bốc rau, mẹ quay qua thì nó cầm cục thịt quăng xuống đất, nếu miếng rau hơi to một tí, nó phun phì phì ngay và mợ ấy lại vừa mắng con như chém chả, vừa lặt đồ ăn dưới đất, mợ lặt xong thì ông bé đã kịp dùng hai tay trộn hết cả cái khay đồ ăn lên như món thập cẩm. Mợ hết cả hồn, lại lật đật làm khay khác trong khi thằng bé khóc lóc đòi lại cái khay thập cẩm của nó.



Từ bây giờ, bất cứ hoạt động nào của ba con mình cũng nằm dưới sự kiểm soát của mợ ấy... (Ảnh: Internet)




Tối, khoảng thời gian thoải mái nhất của cả nhà, mợ bắt ba cha con cất hết cả iPad, máy điện thoại thì để chế độ rung, tắt tivi, máy tính… Mợ xách ra mấy cuốn truyện thiếu nhi rồi đọc cho con nghe, bắt chồng trông ông tướng bé. Nhưng ông bé vốn quấn mẹ, nên mợ vừa đọc truyện cho thằng lớn, vừa chống trả sự xông pha của thằng bé. Một hồi sau, nghe tiếng giấy loạt soạt quay lại thì ôi thôi ông bé đã xé mấy mấy trang truyện tranh. Trong khi đó ông lớn bắt đầu nhèo nhẽo: “mẹ ơi, mẹ kể chuyện cô bé quàng khăn đỏ đi mẹ”. Hí hí, cuốn truyện cổ Andersen của mợ làm gì có cô bé quàng khăn đỏ? Thằng bé thì mới nghe truyện này trên lớp, nên cứ ỉ ôi bắt mẹ đọc. Mợ tức quá gào lên: “Dep, dẹp hết, không truyện triếc gì hết. Tôi mệt lắm rồi, các ông để cho tôi yên!". Thế rồi mợ vùng dậy, cầm iPad bước vào phòng ngủ đóng cửa cái rầm cấm tiệt ko đứa nào bén mảng. Ba cha con lại lôi xe điều khiển ra chơi, nô đùa ầm ĩ. Thỉnh thoảng, mợ giả vờ ra ngoài uống nước, mợ liếc ba cha con cháy hết cả quần.



6 giờ sáng, ba cha con đang ôm nhau ngủ ngon lành, bỗng mợ ra lùa hết dậy. Trời Sài Gòn mùa này lành lạnh, giờ này là nồng giấc nhất thế mà mợ ấy nỡ lòng nào bắt ba cha con ra công viên… tập thể dục. Mợ bảo: đi ra ngoài vận động sớm, cho con phơi nắng cho hấp thụ tốt canxi, không thì còi xương đấyyyyy. Giọng mợ dài ra, thấy ghét. Ba cha con đành phải bế nhau đi, 6 giờ mùa này trời còn âm u, lạnh run ấy chứ có nắng đâu. Khổ thân ba cha con ra công viên cứ ngội cụm lại một nhúm, bỗng thấy bóng mợ đi chợ ngang qua, ba thằng vội vã lao ra cầu trượt với cả xích đu. Ánh mắt mợ liếc xéo một cái, nhột hết cả thằng người.



Về nhà, dọn lại cái chuồng trước khi đi làm và cho con đi học, bỗng thấy iPad mợ vẫn mở. Mợ đang xem một trang FB “Hội nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, và dòng comment của mợ vẫn chình ình ra đấy: “Các mẹ ơi, có phải không nên cho con trai ăn các món từ đậu phải không ạ? Con trai ăn vào giảm nam tính phải không các mẹ”. Ở bên dưới, các mẹ ùa vào “ừ”, “đúng rồi đấy em ạ”… các kiểu. Thôi rồi các con ơi, món đậu hũ mắm tôm, sữa đậu nành, đậu nành rang của ba cha con mình sắp sửa bị cắt khỏi thực đơn từ đây!



Hãy trả cho bố con tôi sự tự do để phát triển, hỡi các mẹ nuôi chồng con bằng internet!