Viêm họng thông thường chỉ gây ngứa rát ở cổ và có thể tự khỏi. Nhưng nếu trẻ bị viêm họng sốt mấy ngày liền thì mức độ nguy hiểm đã tăng lên đáng kể.



webtretho


Các cấp độ viêm họng


Viêm họng là căn bệnh phổ biến, thường gặp ở mọi lứa tuổi mỗi khi thời tiết thay đổi. Nhất là trẻ em do hệ miễn dịch của trẻ chưa có đủ khả năng chống chọi lại nguồn bệnh. Dựa vào triệu chứng có thể chia viêm họng thành các cấp độ sau:



Viêm họng mức độ nhẹ


Khi bị viêm họng mức độ nhẹ, trẻ sẽ không có nhiều biểu hiện bất thường. Lúc này trẻ sẽ chỉ cảm thấy họng bị khô và hơi ngứa nhưng vẫn có thể sinh hoạt, ăn uống bình thường. Hơn nữa nếu ở thể nhẹ, cảm giác khó chịu sẽ nhanh chóng biến mất sau vài ngày.



Do vậy cha mẹ không cần lo lắng thái quá. Thay vào đó hãy tiếp tục theo dõi diễn tiến bệnh của con. Để có thể phát hiện, xử lý kịp thời nếu bệnh trở nặng. Cùng với đó việc nhắc nhở con vệ sinh răng miệng, giữ ấm cơ thể thường xuyên cũng giúp bé mau chóng khỏi bệnh hơn. Lưu ý tuyệt đối không nên sử dụng thuốc kháng sinh trong giai đoạn này. Bởi chúng sẽ khiến hệ miễn dịch của bé rơi vào thế bị động, không được hoạt động đúng cách. Từ đó làm tăng nguy cơ kháng thuốc, nhờn thuốc trong những đợt điều trị tiếp theo.



Viêm họng cấp tính


Trong khi vui chơi cùng các bạn, trẻ rất dễ bị lây nhiễm virus viêm họng cấp. Ở mức độ này cha mẹ có thể dễ dàng nhận thấy những biểu hiện bất thường của trẻ. Cụ thể: quấy khóc, bứt rứt, khó chịu, sổ mũi, biếng ăn, không chịu vận động.



Điều này được giải thích là do niêm mạc họng bị virus, nấm, vi khuẩn tấn công liên tục. Vòm họng bị kích thích, tổn thương gây ra cảm giác ngứa rát, đau buốt khi nuốt vào. Đi kèm với đó là những cơn ho liên tục không dứt khiến trẻ mất sức, mệt mỏi. Hơn nữa hệ miễn dịch của trẻ nhạy cảm hơn rất nhiều so với người lớn. Nhất là trước sự tác động của nguồn viêm nhiễm hô hấp. Lúc này cơ thể sẽ lập tức phản ứng lại bằng cách tiết hàng loạt các chất dịch nhầy qua đờm, nước mũi, dãi làm cản trở việc hít thở, giấc ngủ của bé.



Tuy nhiên phụ huynh không nên nóng vội tự ý mua các loại thuốc chấm dứt nhanh triệu chứng cho con mà chưa có sự tư vấn của bác sĩ. Bởi các loại thuốc giảm đờm, mũi trên thị trường hiện nay chỉ phát huy tác dụng trong trường hợp dị ứng. Với trường hợp viêm họng cấp tính việc sử dụng chúng chỉ làm bệnh trở nặng hơn.



Viêm họng mạn tính


Viêm họng mạn tính được coi là cấp độ viêm họng đáng báo động nhất. Bởi nguy cơ tái bệnh rất cao đồng thời xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm. Viêm họng mạn tính thường bắt nguồn từ hàng loạt những đợt viêm họng cấp tính trước đó.



Do vậy nếu thấy trẻ thường xuyên lặp lại các biểu hiện viêm họng cấp tính ở trên kèm theo những cơn sốt kéo dài thì mức độ nguy hiểm đã tăng lên rất nhiều. Trẻ có thể sốt vừa 38 - 39°C cho đến sốt cao, ớn lạnh, nhức đầu, đau mỏi, kém ăn.



Đặc biệt việc sốt cao liên tục có ảnh hưởng rất xấu đến hệ thần kinh của trẻ. Do hệ thần kinh của trẻ rất nhạy cảm nên nếu không xử lý kịp thời trẻ có thể bị co giật, thiếu oxy não. Từ đó chậm phát triển về thể chất và trí tuệ so với lứa tuổi. Bên cạnh đó bệnh còn gây nhiều biến chứng khác: viêm phế quản, viêm phổi, viêm thận, viêm khớp, viêm tim…



Như vậy có thể thấy trường hợp trẻ bị viêm họng sốt mấy ngày liền là dấu hiệu nguy hiểm. Thông thường viêm họng mạn tính gây sốt trung bình từ 1-4 ngày. Phụ huynh không nên chủ quan để con tiếp tục sốt miên man, không dứt. Cần khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn, điều trị kịp thời. Bởi nếu không điều trị hoặc điều trị sai cách thì bệnh sẽ rất dễ tái phát, sốt kéo dài hoặc hết sốt rồi lại tái sốt trở lại...



Hướng xử lý khi trẻ bị sốt viêm họng


Với trẻ nhỏ việc điều trị sốt viêm họng cần hết sức cẩn trọng. Bạn nên thực hiện theo các hướng dẫn sau:



Kiểm tra thân nhiệt của bé bằng nhiệt kế. Nếu bị sốt từ 38 độ trở lên trong 3 ngày cần đưa đi viện gấp. Trường hợp sốt nhẹ hơn có thể dùng khăn ấm để lau người cho bé. Đặc biệt các vùng cổ, nách, bẹn.


Trẻ bị sốt cao rất dễ bị mất nước. Cha mẹ nên bổ sung nước cho bé bằng nước hoa quả hoặc nước muối loãng


Cho bé ăn những đồ dễ ăn, tiêu hóa: cháo, súp,... và chia thành nhiều bữa.