Nguồn: https://www.facebook.com/yennhiabookaday

Thời sinh viên đi ở trọ, mẹ Nhi có biết một bạn nhỏ tên là Bống, tuy lúc đó mới 3 tuổi nhưng rất thông minh và có khả năng ghi nhớ chính xác từng từ trong một câu truyện dài đến cả trang A4. Có người nói do Bống được sinh ra khi bố mẹ bạn ấy đã ngót nghét 40 – thời điểm cả hai bố mẹ đều ổn định về kinh tế nên Bống được quan tâm chăm sóc và phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ. Tuy nhiên, mẹ Nhi cũng biết một số bạn nhỏ được sinh ra khi người bố hoặc mẹ chỉ trong độ tuổi từ 25 – 30 và kinh tế còn khó khăn, học thức của người mẹ cũng không lấy gì làm cao, song các bạn nhỏ ấy vẫn rất thông minh và có khả năng ghi nhớ tuyệt vời dù chưa nhận rõ mặt chữ.

Mẹ Nhi tò mò lắm, liền đặt câu hỏi: Tại sao trẻ có thể thuộc làu cả một câu truyện hay “siêu” hơn là cả một cuốn sách thơ trong khi còn chưa biết đọc?

VÌ SAO TRẺ CON CÓ TRÍ NHỚ TỐT HƠN NGƯỜI LỚN?

 “Việc gì khó, có gúc gờ!”. Sau một hồi tra cứu, mẹ Nhi đã tìm được một số bài báo tóm lược các kết quả nghiên cứu khoa học hẳn hoi nhé. Trong số đó có kết quả nghiên cứu được công bố trên một tạp chí khoa học của Hoa Kỳ vào tháng 8 năm 2004, khẳng định rằng một đứa trẻ 5 tuổi có thể ghi nhớ tốt hơn cả một người trưởng thành trong một số điều kiện cụ thể. Theo đó, trẻ em có thể nhận diện các bức ảnh động vật chính xác đến 31% trong khi những người lớn cùng tham gia nghiên cứu chỉ đạt được mức 7%.

Nguyên nhân nằm ở đâu nhỉ? Có phải vì não người lớn kín mít những lịch hẹn, đầy ắp các việc cần làm và quá tải bởi những vấn đề cá nhân khác? Theo nghiên cứu này thì hoàn toàn không nhé. Nghiên cứu cho rằng việc người lớn chúng ta nhớ kém hơn trẻ nhỏ là bởi người lớn biết nhiều hơn trẻ con và thường có khuynh hướng áp dụng các kiến thức này khi học những điều mới.

Cách chúng ta thực hiện việc lập luận được gọi là quy nạp. Một trong những cách quy nạp là phân chia theo danh mục. Ví dụ: nếu một người biết rằng một con mèo nào đó có bộ não lớn, anh ta sẽ cho rằng các động vật khác trong cùng danh mục với mèo cũng có bộ não lớn. Đây là cách mà tất cả người lớn đang thực hiện việc quy nạp.

Song, còn một cách khác để thực hiện việc quy nạp, ấy là tìm điểm tương đồng. Như ví dụ bên trên, động vật nhìn tương tự như con mèo có bộ não lớn thì sẽ có bộ não lớn. Đây là cách trẻ con thực hiện việc quy nạp. Đó cũng là lý do khiến trẻ con có khả năng ghi nhớ những đặc điểm chi tiết trên một vật hay một bức hình nào đó.

TRÍ NHỚ CÓ LIÊN QUAN GÌ ĐẾN KHẢ NĂNG ĐỌC CỦA TRẺ?

Đây là câu hỏi tiếp theo mẹ Nhi muốn đi tìm câu trả lời. Hẳn là trí nhớ có liên quan khả năng đọc rồi. Hiểu đơn giản là có ghi nhớ được các chữ cái, các từ vựng và âm thanh thì trẻ mới có thể đọc hay bắt chước các từ vựng và âm thanh đó.

Trí nhớ đóng vai trò quan trọng trong nhiều kỹ năng trẻ dùng để đọc. Trí nhớ về thính giác giúp trẻ lưu giữ được các âm thanh mà các chữ cái tạo ra đủ lâu để phát âm các từ mới. Trí nhớ về hình ảnh giúp trẻ nhớ được các từ đó nhìn như thế nào để có thể nhận ra chúng trong phần còn lại của một câu.

Khi hoạt động hiệu quả, các kỹ năng này giúp trẻ không phải đánh vần từng từ chúng nhìn thấy mà sẽ đọc một cách trôi chảy và thuần thục.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG GHI NHỚ VÀ KỸ NĂNG ĐỌC Ở TRẺ?

Tìm kiếm thông tin một hồi, mẹ Nhi nhận ra rằng các cách làm cũng không quá khó và hóa ra lâu nay mẹ Nhi cũng đã áp dụng. Vấn đề nằm ở chỗ: cần kiên trì và đều đặn thực hiện ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Trong trường hợp của Yến Nhi, bạn ấy được tiếp xúc với ngoại ngữ và sách ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Khi bạn ấy còn nằm nôi và cho đến tận bây giờ, hầu như tối nào hai mẹ con cũng đọc sách cùng nhau. Chưa kể, bạn ấy đi lớp “mầm lá” từ lúc 2 tuổi và cũng được tiếp xúc với sách, truyện thông qua các tiết đọc truyện, ngâm thơ. Do đó, mẹ Nhi mặc dù rất vui, nhưng không quá bất ngờ, khi bạn ấy có thể kể làu làu câu truyện “Cô bé quàng khăn đỏ” hay đọc thuộc các bài thơ ngắn khác.

Xin chia sẻ với mọi người một số cách để luyện trí nhớ, đồng thời phát triển khả năng đọc ở trẻ.

1. Dạy trẻ về khái niệm của một từ

Cần cho trẻ biết rằng mỗi từ chúng ta nói ra có thể được ghép với một từ được viết / hoặc in. Trẻ cũng cần biết là mỗi từ đều riêng biệt và các từ được phân tách bằng dấu cách. Một trong các cách dễ nhất để trẻ hiểu điều này là lấy một câu nào đó trong một câu truyện hay cuốn sách trẻ đã ghi nhớ rồi viết thật to và đẹp lên một tờ giấy. Bên dưới mỗi từ hãy tô một dấu chấm hoặc đặt một nhãn dán. Sau đó, bạn hãy làm mẫu cho trẻ bằng cách trỏ đến từng dấu chấm / nhãn dãn đó trong khi vẫn nói từng từ một. Hãy yêu cầu trẻ chỉ tương tự vào từng dấu chấm / nhãn dán khi trẻ đọc câu văn mà trẻ đã ghi nhớ. Bạn có thể tham khảo hình minh họa đính kèm trong bài viết này.

Sau này, khi trẻ tự học đọc, bài tập này sẽ giúp trẻ theo dõi các từ trẻ phát âm. Bạn cũng có thể nâng cao độ khó lên bằng cách yêu cầu trẻ chỉ ra một từ ngắn và một từ dài trong cùng một câu.

2. Thử các mẹo xây dựng ngôn ngữ sau:

Đọc to và nói chuyện với trẻ là hai trong nhiều cách quan trọng để có thể lấp đầy “bể” ngôn ngữ của trẻ. Trẻ càng quen thuộc với các từ và ngôn ngữ thì việc đọc sẽ càng trở nên dễ dàng hơn. Hãy thử các hoạt động khác nhau để xây dựng kỹ năng ngôn ngữ cho trẻ như nấu ăn, nướng bánh, làm đồ chơi, kể chuyện ở trường, vv…

Ngoài ra, bạn cũng có thể cùng trẻ chơi các trò chơi truyền miệng sau để củng cố nhận thức về âm vị học của trẻ. Nhận thức về âm vị học là một phần quan trọng để trẻ có khả năng giải mã các từ vựng.

  • Gieo vần: Nói hai từ rồi hỏi trẻ xem vần của hai từ đó có giống nhau không? Ví dụ: “Đỏ và Nhỏ có cùng vần không?” Khi trẻ đã nhận diện các vần tốt rồi, trẻ sẽ tự gieo vần.
  • Gọi tên các âm đầu: Nói một từ rồi yêu cầu trẻ gọi tên âm đầu tiên của từ đó. Ví dụ: “Âm nào đứng đầu trong từ Đỏ?”. Trẻ sẽ trả lời là âm “Đ”.

3. Củng cố các chữ cái và các âm thanh

Để đọc được các từ trên một trang sách nào đó, thường thì trẻ cần hiểu rõ các chữ cái trong bảng chữ cái và các âm đại diện cho các chữ cái đó.

Có nhiều cách vui nhộn để trẻ học chữ cái và các âm thanh như hoàn thành câu đố chữ hay làm quen với các cuốn sách dạy chữ cái. Việc lặp đi lặp lại thường xuyên chính là chìa khóa để trẻ ghi nhớ các chữ cái và âm thanh này.

Nếu trẻ tỏ ra thích đọc, có khả năng nhận thức âm vị học, biết nhiều chữ cái và các âm thanh, trẻ có thể sẵn sàng bắt đầu giải mã các từ cũng như hành trình học đọc đáng kinh ngạc của mình.

Việc có thể kể lại một câu truyện chính xác đến từng từ, dài trong 3 hay 7 phút sẽ chỉ là chuyện nhỏ./.

hình ảnh