Hiện tượng trẻ giật mình liên tục và quấy khóc giữa đêm xảy ra thường xuyên sẽ gây ra khá nhiều hệ lụy như:

- Chậm tăng cân: Giấc ngủ sâu có vai trò rất quan trọng đối với quá trình phục hồi sức khỏe và phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Khi trẻ ngủ ngon giấc sẽ kích thích tuyến yên tiết hormone tăng trưởng cao gấp 4 - 5 lần so với bình thường. Điều này giúp trẻ tăng cân và phát triển chiều cao tốt hơn. Nếu trẻ quấy khóc nhiều, hay giật mình khi ngủ thì chất lượng giấc ngủ sẽ không đảm bảo, ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất của trẻ;

- Giảm khả năng nhận thức: Bộ não của trẻ sơ sinh rất dễ bị tổn thương vì trong năm đầu tiên kể từ khi bé chào đời, não bộ chưa thực sự hoàn thiện. Lúc này, sự phát triển của não bộ dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây kích thích. Những trẻ khi ngủ hay giật mình và khóc thét giữa đêm thường có khả năng học hỏi và xử lý tình huống kém hơn so với những bé ngủ ngon trong những tháng đầu đời. Không chỉ vậy, hiện tượng hay giật mình khi ngủ ở trẻ còn là nguyên nhân các hệ lụy như suy giảm sản xuất hormone tăng trưởng, ức chế hệ thống miễn dịch và tiêu hóa (trẻ dễ bị ốm và mắc các bệnh nhiễm trùng; ngưng thở, cao huyết áp;

- Tăng nguy cơ đột tử ở trẻ nhỏ: Hiện tượng trẻ nhỏ khóc liên tục, không dỗ được dễ gây ức chế hô hấp, ngưng thở và nguy cơ đột tử tăng cao;

- Trẻ dễ bị đói lả, giảm sữa mẹ: Nhiều trẻ khi ngủ hay bị giật mình và quấy khóc giữa đêm nhưng khi được mẹ cho bú lại không chịu ăn. Điều này là do trẻ ngủ không ngon giấc, giảm sản xuất hormone tăng trưởng điều hòa cảm giác thèm ăn, dẫn đến tình trạng giảm phản xạ bú. Và hệ quả đi kèm là sữa mẹ bị giảm đi, về lâu dài mẹ có thể mất sữa.

Trong khoảng thời gian 0-3 tháng tuổi, phản xạ giật mình khi ngủ có thể khiến bé thức giấc giữa đêm, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ và bố mẹ. Không chỉ vậy, trẻ hay giật mình khi ngủ còn gặp nhiều hệ lụy như chậm lớn, dễ mắc các chứng rối loạn cảm xúc, ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất và trí tuệ. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm tới chất lượng giấc ngủ của con để có biện pháp xử trí phù hợp.