Cho rằng nhân sâm là loại thuốc quý, càng dùng càng bổ nên nhiều phụ huynh đã mua về cho trẻ sử dụng.


Bác sĩ Nguyễn Văn Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam phân tích, nhân sâm có tác dụng bổ khí, dưỡng huyết cho người sức khỏe kém do ốm yếu lâu ngày, cơ thể suy nhược, mệt mỏi… Tuy nhiên, nhân sâm có vị hàn (lạnh) nên chống chỉ định đối với nhiều trường hợp.


Bệnh nặng vì nhân sâm


Chị N.T.H (Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, con chị bị bệnh hen suyễn từ nhỏ. Thể trạng của cháu rất gầy gò, ốm yếu, mỗi lần thay đổi thời tiết lên cơn hen lại càng mệt mỏi, biếng ăn. Nghe người quen mách nước nhân sâm rất bổ chị H. đi mua loại tốt nhất về cho con dùng. Liên tục trong 3 tháng liền ngày nào chị cũng hì hục hấp cách thủy ép con phải ăn hết cả nước và bã. Tuy nhiên, cháu không hề tăng cân, thậm chí các đợt cấp của cơn hen lại xuất hiện với tần xuất nhiều hơn và nặng hơn. Đi khám bác sĩ đông y chị mới được biết, việc dùng nhân sâm tuỳ tiện đối với trẻ bị bệnh hen suyễn là nguyên nhân khiến bệnh tiến triển ngày càng nặng.


Tương tự, chị Đ.N.N (Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng), hốt hoảng khi được bác sĩ thông báo bé Tuấn con chị bị bệnh nặng hơn do chị cho con dùng nhân sâm không đúng cách. Cách đây mấy hôm, Tuấn có biểu hiện đau bụng sau đó bị tiêu chảy liên tục. Chị N. đã đi mua thuốc về cho con uống. Nghĩ rằng con bị tiêu chảy nhiều mất nước, mặt mũi phờ phạc, chị N. đã tự đi mua nhân sâm về hãm nước cho con uống thay nước lọc. Nhưng mới uống được một ngày, cháu Tuấn đi ngoài nhiều hơn, phân cũng lỏng hơn. Lo sợ con bị tiêu chảy cấp chị vội vã đưa đi khám tại bênh viện. Các bác sĩ cho biết, nhân sâm không được dùng cho người đang bị đau bụng, đại tiện lỏng.


Bác sĩ Hướng cảnh báo, rất nhiều phụ huynh tự mua nhân sâm về cho trẻ dùng mà không theo chỉ định của bác sĩ. Họ cho rằng, nhân sâm là loại thuốc quý, bổ, dùng càng nhiều càng tốt. “Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Nếu dùng không đúng cách nó sẽ mất tác dụng bổ dưỡng, hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dùng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”, BS Hướng nói.


Theo bác sĩ Hướng, có rất nhiều trường hợp chống chỉ định dùng nhân sâm như: người đang bị đau bụng, đại tiện lỏng; người bị cao huyết áp; người bị cảm; người bị bệnh béo phì, mắc các bệnh viêm gan, viêm dạ dày; người đang mắc một số bệnh tự miễn như luput ban đỏ, mụn nhọt, viêm đa khớp…Đối tượng trẻ em đang bị lao, hen phế quản, ho ra máu hoặc dưới 13 tuổi cũng không được dùng nhân sâm.


ThS Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám - Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo: “Bất kể loại thuốc nào, dù là thuốc bổ, cũng cần phải tuân thủ nguyên tắc có bệnh mới dùng thuốc và dùng theo chỉ định của BS”. Đối với trẻ nhỏ do cơ thể đang trong giai đoạn phát triển, việc lạm dụng nhân sâm có thể khiến cơ thể “lười”, không tiết ra các kháng thể bảo vệ, hết sâm sẽ sinh ra bệnh. Thậm chí, sử dụng nhân sâm bừa bãi, kéo dài sẽ hạn chế sự phát triển của trẻ, làm trẻ không phát triển cân nặng, chiều cao.



Theo Đất Việt