Nhân chi sơ tính bản thiện..


Con trẻ sinh ra vốn không tự nhiên hư, không tự nhiên nói những điều xấu và làm những hành động sai trái. Nếu có một lúc nào đó chúng ta đủ bản lĩnh đối diện với sự thật, với chính mình để suy nghĩ thật kỹ lưỡng về những gì mình ĐÃ TỪNG LÀM và ĐÃ KHÔNG LÀM đối với con mới thấy rằng mình đã vô minh nhường nào, đã nói và làm những việc tổn thương con nhường nào, và ngược lại - CON ĐÃ BAO DUNG với mình nhường nào, đã luôn bỏ qua tất cả những lỗi lầm, những lời nói sát thương, những hành động thiếu quan tâm và cẩn trọng của mình nhường nào để vẫn luôn YÊU THƯƠNG MẸ VÔ ĐIỀU KIỆN đến thế.


Có phải bạn vẫn luôn tự tin rằng mình rất HIỂU CON, mình dạy con đúng, mình cho con tất cả những điều tốt đẹp nhất, mình làm mọi thứ vì con và mình yêu con vô điều kiện.Mọi thứ khá ổn đến khi mối quan tâm của con đã không còn là "gia đình là số 1" nữa, khi con bắt đầu hướng sự quan tâm ra bên ngoài, mở rộng mối quan hệ với thầy cô, bạn bè và quan tâm tới những gì "người ngoài" nói về mình nhiều hơn là những gì ba mẹ nói - thì như một gáo nước lạnh đổ thêm đầy đá tạt vào mặt - bạn nhận ra 1 sự thật rằng mình hiểu con quá ít, và những gì mình trao cho con hóa ra vốn không phải là "vô điều kiện", cũng không hề là những gì "tốt nhất cho con", nó đơn giản chỉ là những gì MÌNH NGHĨ LÀ TỐT theo quan điểm, mong muốn của mình.


Rồi mỗi khi con có những câu nói, cử chỉ, hành động không như mình mong đợi và kỳ vọng, mình đổ diệt hết chúng thành lỗi của con.Hãy thật tâm tự vấn lại có chắc là chúng ta- những bậc phụ huynh đã và đang làm đúng?

Sự thật là tất cả những điều con làm chưa tốt, chưa đúng thì đều là DO MÌNH - ĐÃ LÀM (để con thấy và bắt chước) hoặc CHƯA LÀM (chưa đủ quan tâm, chưa dành thời gian cho con, chưa phân tích cho con hiểu, chưa lắng nghe và thấu hiểu con...). Chẳng ai khác ngoài chính mình phải chịu trách nhiệm và phải thay đổi nếu vẫn muốn tiếp tục đồng hành cùng con, được nghe con chia sẻ và tâm sự những điều từ trong tâm của con.

Trước hết mình cần hiểu rằng mình và con cần một mối quan hệ bình đẳng và tôn trọng nhau.Thay vì ra lệnh "Con lấy cái này cho mẹ" thì mình đề nghị "Mẹ đang cần dùng cái kéo để cắt cái hộp này, Con có thể lấy giúp mẹ cây kéo được ko?". Có những lúc con lớn tiếng quát em, hay sẵng giọng với ba mẹ mình nên nhẹ nhàng hỏi "Có chuyện gì đã xảy ra vậy?" và yên lặng chờ con tường thuật lại. 


Hãy dìm bớt những cơn cáu giận của bản thân, dìm bớt cái "khao khát" muốn nói, muốn xả, muốn mắng con, lắng nghe con nhiều hơn, đặt câu hỏi và khích lệ con nói ra sự thật, nói ra mong muốn của con, đặt câu hỏi để con tự nhìn ra vấn đề của mình và tự giải quyết nó.Dành nhiều khoảng thời gian để chia sẻ, tâm sự với con, cùng con học những bài học về lòng biết ơn, về những việc nên và ko nên làm, những điều nên và không nên nói. Mỗi tối trước khi đi ngủ hãy tâm sự cùng con, 2 mẹ con cùng ôn lại những chuyện đã xảy ra trong ngày, nói cảm ơn và xin lỗi, cùng phân tích những việc mình đã làm cái nào tốt, cái nào cần cải thiện. Mình nhắc đi nhắc lại với con rằng mình sẽ không mắng con, rằng ko có sai và đúng mà chỉ là phù hợp hay CHƯA phù hợp, rằng mình không chỉ trích con làm tốt hay xấu mà chỉ cùng nhau nhận định việc nào con đã làm tốt và việc nào con có thể làm tốt hơn. Và cả chính mẹ nữa. Mình cũng kể những công việc của mình, những điều mình đã làm tốt và chưa tốt, cùng con phân tích và thẳng thắn nhìn nhận lại. Thật vui vì mỗi ngày thấy bạn lớn hơn 1 chút, suy nghĩ trưởng thành hơn 1 chút và mình vẫn đang đồng hành, chia sẻ cùng với bạn.

Làm cha mẹ - không đơn giản chỉ là nuôi dạy con. Làm cha mẹ - thực ra là hành trình thay đổi và nâng cấp chính bản thân mình, bởi vì các con chính là tấm gương lớn, hấp thu và phản chiếu lại chính hình ảnh của chúng ta.