(Webtretho) Đối với người lớn, dường như trẻ em lúc nào cũng hồn nhiên vô tư. Nhưng sự thật không phải vậy! Các chuyên gia tâm lý khẳng định rằng các thiên thần nhỏ cũng phải trải qua những thời điểm stress như người lớn. Trường học, bạn bè và cuộc sống xã hội đôi khi tạo ra những áp lực vượt quá sức chịu đựng đối với con trẻ.


Dù là cha mẹ, bạn không thể bảo vệ con mình hoàn toàn khỏi stress. Tuy nhiên bạn có thể giúp con đối phó, vượt qua cảm giác tồi tệ này và có một cuộc sống tốt hơn.


Tổ chức chăm sóc và giáo dục trẻ em KidsHealth KidsPoll chỉ ra rằng trẻ em có thể đối mặt với stress bằng cả những cách tích cực lẫn tiêu cực. Các chuyên gia cũng tiết lộ mặc dù đôi khi trẻ em tỏ ra rất khó khăn trong việc tự bày tỏ với cha mẹ về những căng thẳng mình gặp phải, nhưng thật sự trẻ luôn mong muốn cha mẹ tìm hiểu và giúp chúng đối mặt với điều đó.



Chắc chắn không phụ huynh nào lại không có những lúc bối rối chẳng biết làm sao để giúp con mình hiệu quả nhất.
Thật không dễ dàng để bạn biết phải làm gì với đứa con bé bỏng của mình. Dù rất thương con nhưng bạn phải hết sức bình tĩnh để giải quyết mọi việc theo chiều hướng tích cực, dưới đây là vài gợi ý dành cho bạn:





Bạn đừng nghĩ trẻ con thì không bị stress (Ảnh: Inmagine)




1. Hỏi trực tiếp


Hãy trò chuyện với con ngay khi nhận thấy những điều có thể mang lại phiền muộn cho bé. Nếu có thể, bạn nên diễn tả và gọi tên cái cảm giác mà bạn nghĩ rằng con mình đang trải qua, chẳng hạn như: “Mẹ thấy có vẻ như con vẫn đang bực bội về chuyện ngoài sân bóng chiều nay phải không?” Đừng nói những lời buộc tội kiểu như: “Nào, có chuyện gì? Con vẫn còn bực bội về cái chuyện nhỏ nhặt ấy sao?” Lời lẽ như thế sẽ khiến tâm trạng của đứa trẻ càng tệ hơn. Đôi khi chỉ là một lời nói vô tình nhưng vì nó mà bạn sẽ rất khó tìm hiểu được cảm xúc hay mối bận tâm của con mình. Hãy tỏ rõ thiện chí rằng bạn đang muốn chia sẻ và đồng cảm với con.


2. Lắng nghe


Lắng nghe con trình bày mọi việc. Đừng áp đặt suy nghĩ của mình và la mắng vì trẻ
con
có những cảm nhận riêng rất khác với người lớn, có những điều chúng ta tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại có thể làm trẻ tổn thương suốt một thời gian dài. Hãy lắng nghe con với sự kiên nhẫn, cởi mở và bình tĩnh; tránh thúc giục, phán xét, đổ lỗi, giảng giải hay cho rằng con nên làm thế này chứ không phải thế kia. Làm được điều này là bạn đã giúp con trút được phần nào áp lực tâm lý và cũng giúp trẻ bình tĩnh hơn. Bạn hãy tập trung vào câu chuyện của trẻ, thường xuyên hỏi: “Rồi chuyện gì xảy ra?” và cố gắng nắm bắt toàn bộ câu chuyện trẻ muốn bày tỏ.


3. Bình luận ngắn gọn về những cảm xúc mà trẻ trải qua


Ví dụ, bạn có thể nói: “Điều đó thật là không hay tí nào,” “Chắc chắn là con cảm thấy buồn vì các bạn không cho con chơi cùng rồi,” hoặc “Như thế thật không công bằng đối với con.” Những câu bình luận ngắn gọn như thế này sẽ giúp con hiểu bạn thực sự quan tâm và thấu hiểu bé. Cảm giác ấy sẽ hỗ trợ rất nhiều để bé vượt qua stress.


4. Gọi tên cảm xúc của con


Nhiều đứa trẻ vẫn chưa biết dùng từ ngữ nào để diễn tả cảm xúc của mình. Nếu con bạn có vẻ tức giận, buồn phiền hay thất vọng, hãy sử dụng những từ ngữ đó để giúp bé học cách nói lên cảm xúc. Đưa ra các từ chỉ cảm xúc giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp và nhận biết trạng thái cảm xúc của chính mình. Các nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ có khả năng biểu đạt được ý nghĩ và cảm xúc bằng lời nói sẽ hạn chế được những hành động bùng nổ bởi chúng đã có thể bộc lộ điều đó qua ngôn từ.


5. Giúp con suy nghĩ xem phải làm gì


Nếu có một vấn đề cụ thể nào đó gây ra căng thẳng cho con, bạn hãy cùng bàn với con về những việc cần làm, đồng thời khuyến khích bé đưa ra các ý tưởng. Bạn có thể đóng góp ý kiến khi cần thiết nhưng đừng làm tất cả mọi việc thay con. Sự tham gia hỗ trợ ý kiến một cách tích cực của bạn đã giúp con tự tin hơn rồi. Bạn có thể hỏi con những câu kiểu như “Sao con nghĩ làm như thế này sẽ giải quyết được chuyện đó?” để bé giải thích và học cách tự mình đương đầu với stress.


6. Lắng nghe và thay đổi


Đôi khi chỉ cần được trò chuyện, lắng nghe và thấu hiểu là cảm giác thất vọng của trẻ con đã dần tan biến. Sau đó, bạn hãy khéo léo chuyển chủ đề sang chiều hướng tích cực và thư giãn. Hãy giúp con nghĩ ra một vài việc để làm và động viên bé chỉ nên quan tâm vào những việc xứng đáng hơn và quên đi chuyện buồn đã qua.





Hãy ở bên con, lắng nghe và giúp con vượt qua căng thẳng (Ảnh: Inmagine)




7. Giúp con hạn chế áp lực nếu có thể


Khi đã biết được nguyên nhân gây căng thẳng, hãy tìm cách tốt nhất để thay đổi. Chắng hạn, nếu trẻ phải tham gia các lớp học ngoại khóa quá nhiều đến nỗi mệt mỏi với việc học, bạn có thể giảm bớt các giờ học ngoại khóa để bé tập trung vào việc học ở trường và vui chơi với bạn bè. Đừng đòi hỏi quá nhiều ở con và cũng đừng bắt con phải làm tất cả mọi điều mà người lớn kỳ vọng, đôi khi cha mẹ chính là nguyên nhân đẩy con mình đến stress.



8. Chỉ cần ở bên cạnh


Nhiều đứa trẻ không bao giờ thích nói về những gì làm chúng căng thẳng hay buồn chán. Điều đó rất bình thường. Bạn đừng cố gạn hỏi mà hãy cho con biết bạn luôn sẵn sàng để nghe bé trò chuyện. Ngay cả khi đứa trẻ tỏ ra không muốn trò chuyện thì chúng vẫn không muốn cha mẹ để chúng lại một mình. Bạn có thể giúp con cảm thấy tốt hơn bằng cách luôn dành thời gian bên cạnh bé, có thể không phải bằng cách trò chuyện mà cùng làm điều gì đó với nhau như đi bộ, xem một bộ phim, nấu ăn… Dù làm gì đi chăng nữa, sự hiện diện của bạn lúc này vô cùng có ý nghĩa.


9. Hãy kiên nhẫn


Là cha mẹ, ai cũng rất đau lòng khi thấy con buồn phiền hoặc thất vọng, nhưng hãy cố vượt lên cảm giác ấy để giúp bé giải quyết vấn đề. Bạn hãy bình tĩnh và tập trung giúp con mình. Chậm mà chắc, bạn hãy giúp con từng bước trở thành người chủ động giải quyết vấn đề của mình. Có như vậy, con bạn mới có thể vượt qua được những thăng trầm của cuộc sống để khôn lớn và trưởng thành.