Em muốn con thành nhà khoa học



Câu chuyện thuận tay trái tay phải là do cấu trúc sinh học của mỗi cá nhân quyết định, không do ý chí chủ quan của bố mẹ các cháu nhỏ. Việc thuận tay trái tay phải cũng nói lên ý nghĩa thiên hướng hoạt động của não bộ, không nói lên khả năng thần đồng hay không. Nhưng có lẽ do có nhiều thông tin chưa chính xác nên có bà mẹ thì coi đó là một hiện tượng hết sức bất thường, lo sợ con mình bị làm sao và phát sốt với tình trạng này. Ngược lại có bà mẹ lại hết sức huyễn hoặc cố ép con mình vào số những đứa trẻ “không chiếm tỷ lệ nhiều” để mong có một sự khác biệt.



Chị Đỗ Thị Hoài Tr., 25 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội) đến với chúng tôi hết sức lo lắng. Cháu Đặng Thanh Bình, 3 tuổi, cháu trai lớn của chị, đã rất khó trở về bình thường. Ngay từ nhỏ cháu đã thích được cầm mọi thứ bằng tay trái, cầm bằng tay phải rất khó khăn. Cầm thìa, cầm dĩa, cầm bút, cầm phấn cháu cứ tay trái mà diễn. Nhiều khi cố ép cháu về tay phải, loay hoay gượng gạo một lúc, đâu lại đóng đấy. Chị rất lo sợ không biết cháu có vấn đề gì về não bộ hoặc tâm thần hay không mà mãi không sửa được. Nếu có bệnh sớm chữa sớm còn kịp, nếu để cháu lớn lên sợ cứu vãn không nổi. Đến với chúng tôi chị rất năn nỉ được chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, xét nghiệm máu vv..vv.. để xem có cái gì trong não bộ mặc cho bác sỹ khẳng định là hoàn toàn bình thường.



Khác với trường hợp của chị Hoài Tr, chị Phạm Phương Th, 27 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) lại thích con được thuận tay trái. Theo chị tìm hiểu thông tin trên mạng thì được biết, những đứa trẻ thuận tay trái là những đứa trẻ có năng khiếu dị thường. Chúng không giống những đứa trẻ bình thường khác. Và hầu như những đứa trẻ thuận tay trái sẽ có khả năng thông minh cao hơn đứa trẻ khác. Chị muốn con mình giỏi hơn và do đó tập cho thuận tay trái. Chị đưa cháu đến khám những mong muốn hỏi xem có biện pháp gì để giúp cháu thuận tay trái hay không?



Trên đây là 2 trường hợp khá điển hình của việc thuận hay không thuận tay trái. Nhưng mọi suy nghĩ của các bà mẹ đều chưa chuẩn xác.



Ảnh: Internet


Chưa chuẩn ở chỗ nào?



Như trên đã nói, việc thuận tay trái và tay phải là do đặc điểm sinh học của mỗi một cá nhân, nó mặc định trong cấu trúc gen của cháu ngay từ thời bào thai, khó lòng có thể ép được cháu phải thuận tay trái hay không.



Trong quan điểm của các bà mẹ có một số điểm chưa chính xác như sau.



Điểm thứ nhất, thuận tay trái là bệnh lý. Thuận tay trái không là một bệnh lý nào cả. Đó là hiện tượng bình thường của cơ thể. Cơ thể là cân đối 2 bên trái phải, nhưng không phải lúc nào cũng cân đối như vậy, có lúc ưu thế về bên này, có lúc lại ưu thế về bên khác. Các mẹ cứ yên tâm là cháu hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu bệnh lý tâm thần nào cả, các cháu nhỏ vẫn sẽ ăn ngủ, chơi đùa và phát triển bình thường.



Điểm thứ hai, thuận tay trái là thần đồng. Trên thực tế, người ta hay ghán ghép cho người thuận tay trái khả năng thông minh, học giỏi, tư duy. Nhưng điều đó không hẳn đúng. Qua nghiên cứu một số nhà khoa học đã thấy có một số dấu hiệu chứng tỏ bán cầu phải có ưu thế về xử lý các vấn đề tư duy sáng tạo, văn học nghệ thuật, âm nhạc, hội họa; bán cầu trái có ưu thế về xử lý tư duy, ngôn ngữ, toán học. Mà bán cầu phải lại chỉ huy tay trái, bán cầu trái thì ngược lại, chỉ huy tay phải nên những người thuận tay trái có ưu thế về tư duy sáng tạo, văn học nghệ thuật, âm nhạc, hội họa; còn những người thuận tay phải có ưu thế về tư duy, ngôn ngữ, toán học.



Song điều đó không hoàn toàn đúng bởi 2 lý do quan trọng sau đây. Lý do đầu tiên, việc thuận tay trái chỉ chứng tỏ rằng trung tâm vận động của não phải to hơn, không chứng tỏ được toàn bộ não phải của người đó to hơn. Mà các trung tâm xử lý văn học, nghệ thuật, sáng tạo, âm nhạc…không nằm ở trung tâm vận động trên, nó nằm ở các trung tâm khác của não bộ như thùy thái dương. Lý do tiếp theo, việc thuận tay trái tay phải đa phần không có sự mặc định trước. Đứa trẻ ban đầu sinh ra đều có sự cân bằng giữa trái và phải. Chẳng qua chúng ta rèn đứa trẻ thuận tay phải vì quen với cuộc sống hàng ngày và thuận lợi cho nhiều công việc, ví dụ viết. Do đó, nó không hề có ý nghĩa tham chiếu cho việc hơn hay kém của khả năng tư duy. Nếu bạn cố ép thuận tay trái để hy vọng não phì đại ra nhằm thay đổi số phận thì đó là một sách lược sai lầm.



Vậy tại sao cứ phải thuận tay phải?



Việc thuận tay trái hay tay phải không được mặc định từ khi sinh ra. Nó là do thói quen cuộc sống hàng ngày. Lúc ban đầu, đứa trẻ sinh ra có khả năng cân bằng cả 2 bên. Trừ một số ít trường hợp có ưu thế rõ bên trái hay bên phải ngay từ khi còn trong bào thai, còn thì đa phần là có sự cân xứng. Sau đó trải qua ngày tháng, đứa trẻ được rèn rũa của cha mẹ, thầy cô, bạn bè đã trở nên thuận tay phải và sử dụng tay phải như một thói quen.



Việc thuận tay phải vì cuộc sống có nhiều điều cần tới bàn tay này. Ví dụ, khi viết, người ta viết từ trái sang phải, thuận tay phải sẽ dễ viết, chữ không nhòe và mực không bị bôi bẩn lem nhem. Sách người ta viết từ trái sang phải nên thuận tay phải sẽ dễ đọc theo trình tự này, dễ giở sách từ trái sang phải. Đi tham gia giao thông được đi bên phải nên thuận tay phải sẽ dễ điều phối hướng đi bên này, nhất là khi tham gia giao thông trong tình trạng bạn phải mang vác hoặc xách các dụng cụ đi theo thì sẽ tránh va chạm...Nói chung, thuận tay phải được hình thành do thói quen trong xã hội và không nên cố gắn kết nó với một khả năng thiên tài nào đó.