Thông thường vào cuối tuần mình hay cắt móng chân, móng tay cho các bé. Cách đây gần 4 tháng, một hôm mình chuẩn bị cắt móng tay cho các bé bỗng giật mình nhìn 10 ngón tay của bé thì bị trụi móng sâu xuống dưới. Mình nhìn thấy thế vừa xót xa, vừa vội vàng hỏỉ bé xem ai đã từng cắt móng tay bé. Thì ra trong tuần vừa rồi bé đã tự cắn móng tay. Và mình xin chia sẻ quá trình giúp bé sửa tật cắn móng tay của mình từ thất bại đến thành công để các mẹ cùng tham khảo


Ban đầu, mình điều tra nguyên nhân của bé xem tại sao bé lại có tật cắn móng tay trong tuần vừa rồi, bé hồn nhiên trả lời mình:”Con cắn móng tay giống bạn Phương Vy ở lớp”. Mình đến lớp hỏi cô giáo thì cô giáo cũng nói:”Bé nhà mình hay ngồi cạnh bạn Phương Vy”.


Bởi vì cắn móng tay là một thói quen xấu, có hại cho sức khoẻ của các bé, đây là tật mà nhiều bé thường làm khi căng thẳng hay lo lắng một điều gì đó. Vì bé nhà mình trong thời gian này vừa mới đi học nên trông bên ngoài có thể thấy bé rất mạnh bạo, tự tin, nhưng có khả năng có vấn đề gì đó trong tâm tư bé khiến bé tự nhiên có thói quen xấu như vậy.


Mình nghĩ, với bé mới có tật cắn móng tay như bé nhà mình, vợ chồng mình là bố mẹ bé cần phải thể hiện vai trò quan trọng trong việc giúp bé bỏ tật này. Bởi vì bé cắn móng tay là thói quen vô thức của bé, nhiều khi bé không nhận ra mình cắn móng tay. Trước hết mình dùng bấm nhỏ bấm hết vùng bị xước măng rô cho bé. Đầu tiên, mình dùng miếng gạc cuốn quanh móng của bé, nhưng cách này đã hoàn toàn thất bại với bé nhà mình. Chỉ cần không thấy bố mẹ, bé lại cố gắng cởi gạc ra để cắn.


“Thất bại là mẹ thành công”, mình kiên quyết tìm mọi cách để sửa tật cắn móng tay của bé càng sớm càng tốt. Và mình đã thành công khi đánh vào tâm lý của bé và hướng bé chơi những trò chơi bằng tay. Khi mình bắt gặp bé cắn móng tay, mình liền nhẹ nhàng bảo bé:”Con gái mẹ đừng nên cắn móng tay như vậy, móng tay có nhiều vi khuẩn, nếu con cắn móng tay, vi khhuẩn sẽ chui vào bụng sẽ làm con đau bung đó. Và nếu cắn móng tay, con sẽ không thông minh như các bạn đâu”. Bé nhà mình nghe thấy vậy liền bỏ tay ra.


Đồng thời mình cùng ông xã cũng cuốn hút bé bằng những trò chơi dùng tay để bé quên đi thói quen cắn móng tay. Hàng ngày, sau khi ăn cơm tối xong, cả nhà mình cùng chơi xếp hình, gấp những đồ đơn giản như gấp hạc, gấp ngựa, mình còn sắm cho bé 1 cái kéo đầu tròn an toàn cho trẻ nhỏ để bé tập cắt nữa.Khi bé hoàn thành xong những tác phẩm của mình, bố mẹ hãy khen động viên bé để bé hứng thú với những trò chơi này mà không nghĩ đến việc cắn móng tay lúc tay nhàn rỗi nữa.


Những lời nói thủ thỉ, nhẹ nhàng cùng những trò chơi dùng hai tay đã làm thói quen cắn móng tay biến mất trong vòng 1 tháng.


Sau sự việc này, mình luôn để ý móng tay của bé xem bé có còn cắn nữa không, nhưng quả nhiên là bé cũng không cắn nữa, khi móng tay bé dài mình vừa ngồi cẳt cho bé vừa hỏi:”Mẹ cắt móng tay cho con, đồng thời đuổi cả con vi khuẩn trong móng tay con ra, nếu móng tay dài mà cho vào mồm là làm sao nhỉ”,bé liền ngượng ngiụ trả lời mình:”Như vậy thì vi khuẩn sẽ chui vào mồm làm đau bụng mẹ ạ”.


Với kinh nghiệm của người mẹ đã thành công trong việc sửa tật cắn móng tay cho bé , mình cũng muốn được chia sẻ với các mẹ rằng, nếu các bé có tật cắn móng tay, các mẹ đừng lớn tiếng nói bé hay dùng hình phạt với bé nhé, như vậy sẽ không sửa được tật cho bé mà còn phản tác dụng đó. Hãy dùng những lời lẽ yêu thương cùng những trò chơi bằng tay bổ ích để khiến bé quên đi và chủ động không cắn móng tay nữa.