Cứ mỗi sáng, trước cổng trường mầm non nơi con gái tôi học, tôi được chứng kiến rất nhiều các cung bậc cảm xúc khác nhau của mẹ và bé quanh nồi cháo hoặc gánh xôi...


Cứ đến bữa ăn chiều là ngõ nhà tôi lại nhộn nhịp các bà, các mẹ đẩy xe em bé với bát cháo và chén nước trên tay...


Quá nhiều gia đình vô cùng vất vả bởi đứa con làm biếng, lười nhai hoặc không thích một vài món ăn nào đó. Có nhà thì cả bố mẹ, ông bà cô dì... phồng má, trợn mắt làm trò cho bé, đến bữa ăn là cả nhà như có hội bởi những tiết mục văn nghệ, dancing cây nhà lá vườn.... Để rồi sau bữa ăn của bé, cả nhà cũng mệt phờ và chán luôn bữa ăn của chính mình.


Bản thân mình rất không đồng ý với những chiêu dụ ăn đó. Ra đường thì mất vệ sinh là điều trước tiên và hơn hết là những việc ấy vô tình tạo thói quen xấu cho bé. Bé không ý thức được giờ ăn và giờ chơi. Đặc biệt, bé sẽ thấy bữa ăn chẳng có gì thích thú.


Mình có vài bí quyết nhỏ, hi vọng giúp được các mẹ cải thiện giờ ăn của bé, để mẹ và bé đều cảm thấy giờ ăn là khoảnh khắc tuyệt vời của cả mẹ và con.


Điều đầu tiên, chính mẹ phải là người nêu gương tốt về việc ăn uống cho bé


Mỗi bữa ăn, người lớn trong nhà nói chung và mẹ nói riêng phải ăn uống thật ngon lành và vui vẻ, để bé thấy việc ăn uống của bé cũng vậy. Mẹ cũng hãy ăn thật khỏe và thật nhanh đẻ noi gương cho bé. Bé ảnh hưởng từ môi trường sống trong gia đình rất nhiều mà. Mẹ hãy từ bỏ thố quen ăn vặt thời con gái, từ bỏ những món ăn nhanh khoái khẩu thay vào đó là sữa và hoa quả. Đặc biệt, mẹ cũng đừng kén ăn nhé. Mẹ mà “kén cá chọn canh” thì bé cũng bắt chước mẹ đó. Theo đó, cùng với thời gian, bé sẽ học được thái độ tích cực với bữa ăn cũng như cách làm và cách ăn uống khoa học của mẹ và gia đình.


Mẹ phải xây dựng cho bé thói quen ăn uống đều đặn


Mẹ hãy lên một thời gian biểu khoa học cho việc ăn của bé. Hạn chế bớt bữa phụ để bé thấy rằng, nếu đến giờ bé không ăn thì bé sẽ bị đói. Kiên quyết không cho bé ăn vặt giữa các bữa. Nếu bé kêu đói thì mẹ nhắc lại với bé lí do bé đói là vì sao? Bé đói là vì bữa trước bé đã không ăn nhiều, bé đã có thái độ không tốt với bữa ăn đó. Dần dần bé sẽ hiểu, đẻ không bị đói, bé phải ăn thật tốt vào bữa chính. Mẹ hãy cương quyết nhé. Vì nếu mẹ thỏa hiệp với bé một lần thì sẽ có nhiều lần như vậy, nhiều bữa ăn vặt làm hạn chế sự thèm ăn của bé. Bé rất thông minh để hiểu, nếu bé không ăn thì đói.


Biện pháp này sẽ khó thực hiện nếu mẹ lo lắng quá. Bé không ăn mẹ lại dụ bé món này món kia. Như vậy bé sẽ hiểu rằng, nếu không ăn thứ này thì bé sẽ có thứ khác vào một lúc khác. Như vậy thì cần gì phải ăn. Do đó mẹ hãy thật sự kiên quyết đối với bé nhé.



Tiết mục giới thiệu thực đơn


Khi bé vào bàn ăn, mẹ nên có tiết mục giới thiệu những món ăn mà bé sẽ thưởng thức. Giới thiệu tên món ăn, món ăn làm từ gì, món ăn dùng để làm gì... Và kết thúc bằng việc nhấn mạnh: Ăn thịt cá.. để cao, ăn rau để xinh.... Bé sẽ không hiểu nhiều lắm đâu, tuy nhiên, mẹ kiên trì làm đi làm lại bé sẽ hiểu và nhận thức rõ ràng vai trò của thực phẩm đối với sức khỏe của con. Đặc biệt khi trong thực đơn có món mới, bé chưa dùng bao giờ thì việc giới thiệu lại càng quan trọng hơn.


Mỗi bữa, mẹ nên cung cấp một phần cơm nhỏ cùng với 1,2 món ăn ưa thích cho bé. Lượng thức ăn và cơm phải phù hợp với con. Nếu nhiều quá con sẽ sợ.


Mình cứ tưởng tượng thế này: Dạ dày của mẹ chỉ chứa được 2 bát cơm thì con ăn được 1 bát hay thậm chí chỉ 1/2 bát thôi thì cũng tốt lắm rồi. Con cần có thời gian để tập làm quen với bát cơm đầy và thức ăn phong phú.


Không ép bé ăn thêm, không đe dọa hoặc trừng phạt trẻ khi không ăn


Nếu bé tỏ vẻ muốn kết thúc bữa ăn thì mẹ hãy tôn trọng bé. Đừng ép bé phải ăn hết xuất. Mẹ hãy nhận lỗi về mình vì có thể mẹ chế biến thức ăn không hợp khẩu vị của bé hoặc tâm trạng bé không tốt mà mẹ không nhận ra.


Khi bé từ chối một món ăn nào đó, mẹ đừng đưa ra những hình phạt hay thỏa hiệp, nịnh nọt bé làm gì. Không nên: Con ăn cái này thì con được cái gì, con không ăn thì con bị gì.... Nếu thỏa hiê hiệp vơus bé bằng một món đồ khác, điều kiện khác thì lần sau bé sẽ có cớ mè nheo mẹ để không ăn món này, lựa chọn món kia.


Bên cạnh đó mẹ hãy tìm cách để bé đón nhận thức ăn và bữa ăn một cách thoải mái hơn.


Mẹ hãy tạo sự thích thú cho bé với đồ ăn


Mẹ hoàn thoàn có thể tạo sự thích thú cho bé để bé có hứng khởi khi ăn hơn bằng cách đồ ăn thành những hình ngộ nghĩnh. Những chiếc khuôn bánh quy sẽ là hỗ trợ đắc lực cho mẹ trong việc này. Thay vì đưa cho bé tô cơm thì mẹ có thể cho bé một đĩa cơm được tạo hình những con vật ngộ nghĩnh, những bông hoa đáng yêu. Nếu bé không muốn ăn cơm thì mẹ có thể thay bằng bánh mì cũng không sao mà.


Mẹ cũng tạo mầu sắc xanh đỏ bắt mắt cho tô canh và đĩa thức ăn nhé.


Điều này giúp trẻ có cảm giác thích thú xung quanh giờ ăn cơm và giảm thiểu căng thẳng khi ăn.


Hãy để cho bé thật đói


Vì khi đang đói bé sẽ không có nhiều sự lựa chọn và sẽ ăn tất cả những gì mẹ bày ra trước mắt. Nhưng mẹ cũng cần nhớ, đói quá cũng khiến bé không muốn ăn đâu. Do vậy mẹ cũng cần chuẩn bị sẵn sàng đồ ăn khi bé đói nhé.


Để bé đói thì mẹ cần hạn chế tối đa các bữa ăn vặt là tốt nhất.


Ăn cùng bé, tạo cho bé một bữa ăn đầm ấm và hạnh phúc.


Mẹ hãy cho bé ăn cùng người lớn nhé. Nếu mẹ sợ bé ăn chậm mà cho bé ăn trước hay ăn sau cả nhà thì bé không hiểu bữa ăn gia đình là thế nào và bé sẽ buồn vì ăn riêng một mình.


Không khí ăn uống vui vẻ giúp ích cho bé hơn.


Lưu ý:


Nếu trẻ có thói quen quá “kén cá chọn canh” kén chọn thực phẩm trong việc ăn uống mà mọi nỗ lực của bạn vẫn không làm thay đổi được thói quen này ở trẻ trong thời gian dài thì rất đáng lo ngại. Bởi vì nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ hiện tại và sau này.


Do đó, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để được giới thiệu đến một chuyên viên dinh dưỡng cho con bạn. Lúc này bạn hãy đăng ký thăm khám và trị liệu cho con bạn nếu cần thiết.